Quảng Ngãi - Đột phá từ công nghiệp

Giai đoạn 2006-2010, ghi nhận một mốc son phát triển của tỉnh Quảng Ngãi với nhà máy lọc dầu ra sản phẩm thương mại và Khu kinh tế (KKT) Dung Quất tiếp tục hoàn thiện. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, đời sống xã hội từng bước thay đổi tích cực. Tiếp tục bước tiến bền vững, đồng bộ trên các mặt... cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 18 (từ 28 đến 30-9), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình (ảnh) đã chia sẻ với phóng viên

Báo Sài Gòn Giải Phóng. - PV: Quảng Ngãi đang trong giai đoạn đột phá kinh tế, làm thay đổi cơ bản diện mạo của tỉnh, ông có thể khái quát những thành tựu này?. - Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HÒA BÌNH: 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi đã phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi cơ bản diện mạo của tỉnh. GDP bình quân của tỉnh tăng 18,53%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2001 - 2005. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng định hướng. Quy mô kinh tế tăng lên đáng kể; năm 2010, quy mô tổng sản phẩm (tính theo giá thực tế) đạt 27.293 tỷ đồng, gấp 4,25 lần so với năm 2005. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.209 USD, gấp 3,79 lần so năm 2005. Thu ngân sách năm 2010 đạt 13.700 tỷ đồng, gấp 3,7 lần năm 2009. Đã hoàn thành trước 2 năm việc xóa nhà tạm cho 17.000 hộ nghèo theo kế hoạch 5 năm, tiếp tục hoàn thành hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 12.000 hộ nghèo và hộ chính sách còn lại. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 31,94% năm 2005 giảm còn 15% và 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ. Công nghiệp có bước phát triển nhảy vọt. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 53,6%/năm; năm 2010 đạt 15.354 tỷ đồng, gấp 8,6 lần năm 2005. Quy mô và năng lực sản xuất của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng ở KKT Dung Quất tăng lên đáng kể. Sản phẩm công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí, vật liệu xây dựng… đã tạo lập được vị thế trên thị trường. - Một trong những vấn đề then chốt cho sự phát triển của địa phương là đào tạo nguồn nhân lực. Những kết quả, định hướng của Quảng Ngãi cho sự nghiệp giáo dục thời gian qua và sắp tới ra sao, thưa ông? - Nghị quyết chuyên đề số 06 về phát triển nguồn nhân lực kinh tế và chính trị của Tỉnh ủy đã triển khai thành công trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học được tăng cường. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hầu hết được chuẩn hóa. Chất lượng giáo dục được nâng lên. Sự hình thành, phát triển Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Đại học Công nghiệp và các trường cao đẳng, trung cấp nghề đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. 5 năm qua, đã đào tạo nghề cho 35.600 lao động. Đào tạo tại tỉnh và cử đi đào tạo sau đại học cho 558 cán bộ cấp xã và 120 sinh viên cử tuyển cho các huyện miền núi; tiếp nhận, tổ chức bồi dưỡng và phân công 70 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy tình nguyện về công tác ở cấp xã. Luân chuyển 11 cán bộ cấp tỉnh về công tác ở cấp huyện, 58 cán bộ cấp huyện về công tác ở cấp xã - đây là một trong những hình thức đào tạo quan trọng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp qua thực tiễn công tác. - Dự thảo Báo cáo Đại hội Đảng đánh giá công tác xây dựng Đảng là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, ông cho biết rõ hơn về vấn đề này? - Công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức luôn luôn được chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ vậy, mặt trận chính trị, tư tưởng được giữ vững trong mọi tình huống, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, Đảng bộ và nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, và kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện trong từng giai đoạn phát triển. Đã hoàn thành việc lập tổ chức đảng ở 65 thôn, tổ dân phố trước đây chưa có tổ chức Đảng. Tổ chức cơ sở Đảng yếu kém từ 3,8% giảm còn 0,5%, tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh từ 65,8% tăng lên 71,6%, vượt chỉ tiêu. 5 năm, kết nạp 8.790 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 1.758 đảng viên. Chất lượng đảng viên được nâng lên, số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 81,4%, tăng hơn 10% so với đầu nhiệm kỳ và tăng 11,4% so với chỉ tiêu. Thành lập được một chi bộ trong doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. - Ông có thể cho biết định hướng, một số nhiệm vụ thực hiện cụ thể nhiệm kỳ tới? - Trên cơ sở dự báo tình hình, cũng như thế và lực của Quảng Ngãi trong 5 năm tới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 18 đề ra mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; bảo vệ tài nguyên, môi trường, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt 14% - 15 %/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.100 - 2.200 USD; tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP đến năm 2015: công nghiệp 61% - 62%; dịch vụ 25% - 26%; nông nghiệp 12% - 13%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 20%, có khoảng 20% số xã trong toàn tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới… Xây dựng và phát triển đô thị hợp lý, đồng bộ được xác định nhiệm vụ đột phá mang tính chiến lược, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số chỉ tiêu nhiệm kỳ mới: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17% - 18 %/năm. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân và nông thôn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4% - 4,5%/năm; đến năm 2015 đạt 470.000 tấn, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác nông nghiệp đạt từ 40 - 45 triệu đồng... HÀ MINH (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thongtincanuoc/2010/9/238492/