Quảng Nam, Quảng Ngãi: Nỗi lo cháy rừng

Hiện nay miền Trung đang bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ một số nơi lên đến gần 400C. Đồng nghĩa với đó là nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn. Hơn bao giờ hết, công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) trở thành nỗi lo cấp bách của các địa phương và ngành chức năng.

Cháy rừng ở Quảng Ngãi

Hiểm nguy rình rập

Quảng Nam là tỉnh có diện tích rừng khá lớn, với 425.921ha, nhưng đa số đất rừng nằm ở nơi địa hình hiểm trở, khó khăn. Cứ bước vào mùa khô, Quảng Nam luôn nằm trong tâm điểm của nỗi lo cháy rừng. Trong khi đó theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh (CCKL), thì điều kiện, phương tiện, thiết bị, dụng cụ PCCR còn thô sơ, lạc hậu như hiện nay rất khó để khống chế kịp thời nếu xảy ra cháy. Bởi phần lớn diện tích rừng của tỉnh Quảng Nam đều nằm ở vùng xa xôi, hẻo lánh.

Có thể "điểm mặt” một số điểm nóng của nguy cơ cháy rừng cao như rừng đầu nguồn phòng hộ Phú Ninh, hay như Hố Giang Thơm huyện Núi Thành. Bởi nơi đây luôn có sự hiện diện, thường xuyên đi lại, sinh hoạt, nấu nướng của người dân địa phương lẫn khách du lịch. Nếu bất cẩn trong sinh hoạt, lửa có thể bùng phát. Ngoài ra, ở những khu vực khai thác vàng trái phép, sau khi vàng tặc, lâm tặc triệt hạ rừng, cành cây khô được người dân đốt lấy than, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Những người đào vàng trú ẩn, sinh sống, dùng lửa nấu ăn dài ngày trong rừng cùng với đó, tình trạng người dân phát dọn thực bì, đốt rừng làm rẫy càng làm cho rừng có nguy cơ cháy cao hơn...

Trong khi đó tại Quảng Ngãi hiện có 255.645 ha đất có rừng, trong đó, rừng tự nhiên là 111.817 ha, rừng trồng 143.824ha. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng trong vài tháng trở lại đây đã làm tăng nguy cơ cháy rừng rất cao. CCKL cũng cho biết, trong năm 2011 đã xảy ra 11 vụ cháy rừng làm thiệt hại trên 59 ha rừng trồng. Qua điều tra xác minh nguyên nhân gây ra cháy rừng là do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài làm khô nở thực bì cục bộ tại một số nơi; bất cẩn trong việc dùng lửa làm vệ sinh rừng sau khai thác, đốt nương rẫy không thực hiện đúng quy trình để cháy lan…

Quyết tâm PCCR

Tại Quảng Nam hay Quảng Ngãi, theo nhận định của ngành kiểm lâm, các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn thời gian qua hầu hết đều xuất phát từ nguyên nhân xâm hại rừng, hoặc lỗi do sơ ý của con người. Thiệt hại do "giặc lửa” khó có thể lường trước được. Nếu xảy ra cháy rừng trên đỉnh núi cao, khu vực rừng đặc dụng xa xôi, nhiệm vụ chữa cháy khó khăn vô cùng. Đầu tiên là tìm đâu ra nguồn nước tại chỗ để dập lửa, lực lượng ứng cứu, PCCR khó tiếp cận hiện trường nhanh chóng do địa hình hiểm trở.

Để PCCR có hiệu quả, theo nhận định của ngành Kiểm lâm, trước hết kết hợp với nhiều bên tham gia, phương thức hoạt động đa dạng, chủ động, phù hợp với hoàn cảnh từng vùng, từng khu vực. Phải xác định được các vùng trọng điểm, các điểm nóng về cháy rừng để có phương án cụ thể, đầu tư xây dựng sao cho phù hợp với chiến lược thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCR. Tại Quảng Nam, hiện nay ngoài việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, các địa phương, chủ rừng còn chủ động triển khai các biện pháp ứng phó PCCR. Kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng, kịp thời phát hiện các sự cố... Thực hiện ngay Công điện của Bộ NN&PTNT vừa gửi các địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng chủ động triển khai các biện pháp PCCR. Đảm bảo chế độ trực ban 24/24 giờ trong ngày, bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, không để lửa phát sinh…

CCKL cũng đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm phương tiện, dụng cụ, bảo hộ PCCR cho các xã trọng điểm cháy rừng. Theo đó, ngành kiểm lâm đã mua thêm 11 ô tô, 32 xe máy, 1 ca nô, các máy bơm nước chữa cháy chuyên dụng và hàng chục thiết bị, dụng cụ PCCR. Đến nay, 14 trạm quan trắc khí tượng cảnh báo cháy rừng đã lắp đặt và đang phát huy tác dụng. Các dự án trồng rừng mới được kiểm soát nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có phương án, giải pháp PCCR cụ thể được cơ quan chức năng phê duyệt. Các địa phương có rừng cũng thành lập Đội phản ứng nhanh về PCCR, diễn tập, giả định mọi tình huống xấu nhất.

Tại Quảng Ngãi, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định Phê duyệt Phương án PCCR tỉnh Quảng Ngãi năm 2012. Trong khi đó để PCCR và bảo vệ lâm sản, trong năm 2011, lực lượng chức năng đã tổ chức gần 2.000 đợt tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, trên 640 đợt truy quét tại các điểm khai thác, chặt phá rừng, mua bán và vận chuyển trái phép lâm sản.

TẤN THÀNH

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=52832&menu=1366&style=1