Quảng Nam phát triển cây dược liệu

) – UBND tỉnh Quảng Nam mới ban hành cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 nhằm bảo tồn chủ động nguồn gene, sản xuất cây giống và phát triển cây dược liệu.

Cây sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi Tây Giang. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Cây sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi Tây Giang. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có trên 832 loài dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”, trong đó có những loài quý như sâm Ngọc Linh, ba kích, bảy lá một hoa, châu thụ, ngân đằng… Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là: Dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ.

Đặc biệt, cây sâm Ngọc Linh, loại cây đặc hữu chỉ có ở vùng núi thuộc ranh giới 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum được coi là loại dược liệu quý hiếm.

Chủ động bảo tồn, bảo vệ nguồn gene quý

Với tiềm năng và giá trị lớn, nhu cầu sử dụng cây dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng ngày càng tăng, nên xảy ra việc khai thác cạn kiệt.

Trước nguy cơ tuyệt chủng của giống sâm quý, Chính phủ đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh mục những cây thuốc quý cấm khai thác và buôn bán.

Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, hiện cây dược liệu ở Quảng Nam đang được các địa phương nhân rộng và bảo tồn, đặc biệt cây sâm Ngọc Linh đã được thiết lập khu vực rừng đặc dụng để gây trồng, bảo tồn.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đầu tư trồng các loại nguyên liệu (48 ha ba kích ở huyện Tây Giang; 296 ha đẳng sâm tại huyện Tây Giang và Nam Trà My; 3,5 ha sa nhân, 150 ha đương quy ở các huyện Nam, Bắc Trà My…).

Áp dụng KHCN trong trồng cây dược liệu. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đưa Quảng Nam thành vùng dược liệu lớn

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 nhằm tập trung bảo tồn chủ động nguồn gene, sản xuất cây giống và phát triển cây dược liệu, đưa cây dược liệu thoát khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt và trở thành cây hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao, góp phần xói đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc vùng cao.

Riêng đối với cây sâm Ngọc Linh, tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát triển. Cụ thể đã thành lập trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam.

Ngoài sâm Ngọc Linh, Quảng Nam đang tập trung nghiên cứu bảo tồn, phát triển một số cây dược liệu quý khác như ba kích, đẳng sâm. Đến nay đã và đang phát triển mạnh và trở thành cây chủ lực của huyện miền núi Tây Giang.

Để cây dược liệu trở thành cây chủ đạo trong phát triển KT-XH, hướng tới xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, Quảng Nam sẽ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.

Theo đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp dược liệu; thực hiện liên kết “4 nhà” để giải quyết đầu ra cho sản phẩm; hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng khép kín; tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất giống cây trồng mới ở quy mô lớn; mở rộng vùng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu bền vững.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-dia-phuong/quang-nam-phat-trien-cay-duoc-lieu/283638.vgp