Quảng Nam: Nhiều bất cập trong quản lý, vận hành các hồ thủy điện

Hiện tại, Quảng Nam đã bước vào mùa mưa bão. Việc quản lý, vận hành các hồ thủy điện là việc làm cấp thiết, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Đó là những vấn đề được đưa ra thảo luận trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh trong sáng nay (10.10).

Thượng nguồn sông Vu Gia- đoạn qua thị trấn Thạnh Mỹ, nơi phía trên thượng nguồn là một loạt hồ thủy điện.

Nhiều bất cập

Sáng 10.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có buổi làm việc với các hồ thủy điện hoạt động trên địa bàn tỉnh về các vấn đề quản lý, vận hành xả lũ, đảm bảo an toàn đập và giảm lũ cho hạ du.

Ông Trương Xuân Tý - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh Quảng Nam - đã nêu một loạt các bất cập đang tồn tại. Đó là vấn đề xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, phù hợp với quá trình vận hành đơn hồ. Tuy nhiên, về vận hành liên hồ sẽ khác, vì chưa được chỉ đạo giải quyết nên gây khó khăn trong sơ tán dân, phòng chống ngập lụt hạ du.

Hay là vấn đề, chưa quy định rõ như thế nào là lũ bất thường, cho đến vấn đề dự báo thời tiết để phục vụ cho việc chủ động đón lũ về. Trong khi đó, hiện tại chỉ có hồ Phú Ninh là có phần mềm dự báo lũ về hồ, các hồ thủy điện khác vẫn chưa đầu tư.

Bên cạnh đó là một loạt các bất cập, hạn chế tồn tại trong nội tại các hồ thủy điện. Đơn cử như, thủy điện Đak Mi 4 chưa trình duyệt Phương án phòng chống lũ lụt hạ du, an toàn đập.

Thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 5 chưa gửi thông tin truyền tín hiệu hình ảnh từ hệ thống camera giám sát xả tràn, truyền hình ảnh về các đơn vị liên quan theo đúng quy trình 1537. Thủy điện Sông Bung 4A chưa ký quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.

Sự cố tại thủy điện Sông Bung 2 là một bài học xương máu cho các hồ thủy điện.

Thủy điện kêu than

Tại buổi họp, đại diện các hồ thủy điện báo cáo về tình hình quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện. Đề cập các tồn tại của đơn vị, đại diện thủy điện Đak Mi 4 than rằng còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, đại diện thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 5 cũng kêu than về việc giám sát camera và gửi truyền thông tin về Ban Chỉ huy PCLL& TKCN tỉnh...

Kết luận tại buổi họp, ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã phản bác nhiều vấn đề kêu than của thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 5. Đối với hồ thủy điện Đak Mi 4, cần trình phê duyệt trước PAPCLLHD, nhanh chóng hoàn thành kịch bản vỡ đập.

Ông Thanh yêu cầu các hồ thủy điện thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị 11 và Chỉ thị 15 mà tỉnh ban hành trong năm 2016 - yêu cầu các hồ thủy điện thành lập Ban Chỉ huy PCTT và có phương án PCLB đảm bảo an toàn đập... Yêu cầu các thủy điện khi duy tu và bảo dưỡng nên triển khai hợp lý trong thời điểm giữa 2 vụ chính trong năm.

Ngoài ra, cần lưu ý việc triển khai quy trình 1537 về vấn đề vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn; quyết định vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ và vận hành giảm lũ của các hồ; rà soát, nghiên cứu lắp đặt các trạm đo mưa. Trên toàn tỉnh chỉ mới có 17 trong số 40 trạm theo yêu cầu.

Việc dự báo thời tiết cần được quan tâm dự báo thật chuẩn xác. Nghiên cứu hình thức truyền tin, tăng dày các mốc báo lũ. Hiện tại chỉ có 72 mốc báo lũ, 16 trạm cảnh báo lũ...

Ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - yêu cầu thủy điện Sông Bung 2 lưu ý về sự cố xảy ra, xem đó như là bài học xương máu. Khẩn trương khắc phục sự cố, tạo lại dòng chảy thông thoáng bình thường trên sông sau sự cố vừa qua. Xác định, bồi thường cho người dân đối với các loại tài sản dễ xác minh, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Phước Bình

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/quang-nam-nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-van-hanh-cac-ho-thuy-dien-600049.bld