Quảng Nam lên tiếng về nhà máy luyện cán thép đầu nguồn sông Vu Gia

Chiều 13-10, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp báo thông tin nội dung liên quan dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép (NMLCT) Việt Pháp tại huyện Nam Giang. Tỉnh Quảng Nam “thanh minh” về dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp

Dự án được tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương cho khảo sát địa điểm triển khai tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang và đã gây ra nhiều luồng thông tin trái chiều thời gian qua.

Tại buổi họp báo, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, cho biết dự án NMLCT Việt Pháp do Công ty TNHH Thép Việt Pháp làm chủ dự án đã được UBND thị xã Điện Bàn cho phép đầu tư vào Cụm công nghiệp và dịch vụ Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn năm 2010.

Do nhu cầu phát triển đô thị tại thị xã Điện Bàn, xét thấy Cụm công nghiệp và dịch vụ Thương Tín 1 gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và không được sự đồng tình của người dân địa phương nên UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với Công ty TNHH Thép Việt Pháp khảo sát lựa chọn địa điểm để di dời nhà máy vào năm 2014.

Công ty TNHH Thép Việt Pháp đã được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư NMLCT Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ với quy mô diện tích khoảng 17,3ha.

Dự án có quy mô 180.000 tấn/năm, chủ yếu sản xuất các loại phôi thép sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để nấu.

Ông Đinh Phú Tân, Giám đốc Nhà máy LCT Việt Pháp cho rằng dự án sẽ đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường(?)

Quy trình sản xuất của nhà máy được thiết kế là sắt thép phế liệu, gang sẽ được xử lý rồi đưa qua công đoạn nạp phế liệu sau đó nấu luyện bằng lò trung tần và chuyển qua lò trung gian rồi đúc ra phôi thép…

Về công nghệ sản xuất, nhà máy được thiết kế sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải.

Nước thải sinh hoạt của nhà máy chủ yếu là nước thải vệ sinh và nước thải nhà ăn với khối lượng khoảng 19,5m²/ngày; còn nước thải sản xuất chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, không thải ra môi trường…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của tỉnh Quảng Nam trong việc đảm bảo hài hòa giữa thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường?, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng dự án NMLCT Việt Pháp đã được cơ quan chuyên môn thẩm định về báo cáo đánh giá tác động môi trường và đảm bảo được các quy định của pháp luật.

Tỉnh Quảng Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, song phải đảm bảo các quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về bảo vệ môi trường…

Vậy tỉnh Quảng Nam có lấy ý kiến của người dân Đà Nẵng về dự án này không?.

Ông Quang thông tin, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng là 2 địa phương có nhiều điểm tương đồng và có sự gắn bó mật thiết với nhau.

Riêng về dự án NMLCT Việt Pháp do không có ảnh hưởng đến nguồn nước sông Vu Gia, cung cấp nước sinh hoạt cho 99% người dân Đà Nẵng, nên tỉnh Quảng Nam không cần phải lấy ý kiến của người dân TP Đà Nẵng về dự án này…

Còn ông Đinh Phú Tân, Giám đốc NMLCT Việt Pháp, cho rằng dự án sẽ đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

N.Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/quang-nam-khang-dinh-nha-may-luyen-can-thep-dau-nguon-song-vu-gia-khong-gay-o-nhiem-moi-truong-412494/