Quảng Nam khẩn trương ứng phó với mưa lũ

Do mưa lớn kéo dài cộng với việc một số hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ đã khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ngập lụt, nhiều nơi bị ngập sâu, giao thông đi lại bị chia cắt, dẫn đến hậu quả thiệt hại lớn về người và tài sản, hoa màu…

Ngày 3-12, nhiều xã như Bình An, Bình Nguyên (Thăng Bình, Quảng Nam) và một số vùng trũng, thấp của TP Tam Kỳ bị ngập sâu trong nước; nhiều tuyến giao thông bị nước lũ chia cắt. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, mưa đã ngớt, nhưng theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn thì mực nước ở các sông vẫn đang lên, nhiều nơi đã vượt báo động 2.

Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh trung bình đạt được 95% dung tích thiết kế, trong đó hồ Phú Ninh vẫn đang tiến hành vận hành xả nước qua cửa van. Ông Huỳnh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, đơn vị quản lý, vận hành hồ Phú Ninh, cho biết từ ngày 1-12 đến 3-12, lượng mưa ở lưu vực lòng hồ Phú Ninh đạt khoảng 660mm, tổng lượng nước đổ về hồ khoảng 104 triệu m3, do đó hồ đã tiến hành xả tràn khoảng 90 triệu m3; trung bình lưu lượng xả tràn khoảng 440m3/s.

Nhiều nhà dân vùng hạ lưu bị ngập sâu trong lũ.

Như vậy, hồ Phú Ninh đã thực hiện việc cắt giảm, điều tiết lũ cho vùng hạ du chứ không phải nhân tố chính gây ra tình trạng ngập lụt cho hạ du như một số thông tin đồn đại…

Nói về việc một số hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ bị ảnh hưởng do hồ Phú Ninh xả tràn, ông Hoàng cho biết, trên thực tế, hồ Phú Ninh xả tràn từ ngày 20-11 với lưu lượng khoảng 62m3/s và đã có thông báo đến các cơ quan chức năng để thông tin đến người dân.

Sau đó, lưu lượng xả tràn được nâng dần lên, tuy nhiên không vượt quá 600m3/s. “Sông Tam Kỳ được quy định là hành lang thoát lũ cho hồ Phú Ninh trong mùa mưa bão.

Từ cuối tháng 8, chúng tôi đã có công văn gửi huyện Núi Thành, TP Tam Kỳ thông báo, vận động các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông nhanh chóng dọn dẹp, đưa lồng bè đến nơi khô ráo để trả lại hành lang thoát lũ “sạch” cho hồ Phú Ninh.

Tuy nhiên, việc này không được thực hiện triệt để và người dân cũng chủ quan nên đã dẫn đến một số hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại về kinh tế”, ông Hoàng khẳng định.

Liên quan đến mưa lũ, sáng 3-12, chị Trần Thị Vũ (36 tuổi, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) điều khiển xe máy BKS 92B1-263.09 chở con trai là cháu Hoàng (4 tuổi) lưu thông theo hướng Phú Ninh - Tam Kỳ.

Khi đến cầu Tây Yên, xã Tam Đàn, do nước lũ qua cầu chảy mạnh đã cuốn trôi 2 mẹ con cùng xe máy. Bị trôi khoảng 100m thì chị Vũ bám vào được một nhánh cây, sau đó người dân phát hiện chạy đến dùng gậy dài đưa ra ứng cứu và khẩn trương đưa 2 mẹ con chị đến bệnh viện; tuy nhiên, cháu Hoàng đã tử vong.

Tại huyện Nông Sơn, nước lũ từ sông Thu Bồn cũng dâng cao khiến 7 xã của huyện này bị chia cắt, tuyến đường ĐT611 huyết mạch nối huyện Quế Sơn - Nông Sơn bị chia cắt hoàn toàn. Chính quyền và cơ quan chức năng huyện đã sơ tán người dân ở khu vực thấp trũng ngập lũ, bố trí lực lượng Công an canh gác các tuyến đường bị ngập lũ, tránh tình trạng người dân qua lại nguy hiểm đến tính mạng.

Một Phó Chủ tịch UBND xã bị nước lũ cuốn trôi

6 giờ 30 phút ngày 3-12, người dân và cán bộ UBND xã An Toàn, huyện An Lão (Bình Định) đã tìm thấy thi thể anh Đinh Văn Ước (SN 1984, trú thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão) bị nước lũ cuốn trôi vào chiều 2-12 tại khu vực hạ lưu cách khu vực tràn suối Nước Ói chừng 200m.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, khoảng 16 giờ ngày 2-12, anh Ước từ trụ sở UBND xã An Toàn về nhà, đến tràn suối Nước Ói ở thôn 2 thì bất ngờ bị dòng nước lũ chảy xiết cuốn trôi. Được biết, anh Ước hiện là Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn.

Cùng thời điểm này, người dân ở khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn, Bình Định) bàng hoàng khi phát hiện một thi thể đàn ông trôi dạt vào một bờ cỏ, cách đường tránh QL1 thị xã An Nhơn chừng 50m về phía Tây. Nạn nhân là ông Nguyễn Minh Sơn (57 tuổi, ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn). Theo gia đình nạn nhân, ông Sơn đi khỏi nhà vào tối 1-12 . Sau đó, gia đình cố gắng liên lạc, tìm kiếm nhưng không được. Đến khi phát hiện thi thể, mới biết ông bị lũ cuốn trôi.

Đợt mưa lũ từ ngày 29-11 đến 3-12 ở tỉnh Bình Định đã làm 6 người chết. (Hoàng Nguyên)

Trong sáng 3-12, em Phùng Quốc Dũng (học sinh lớp 8, Trường THCS Quế Lộc, Nông Sơn) đã bị đuối nước thương tâm vì bị nước lũ cuốn trôi.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, tối 3-12, mực nước lũ trên sông Thu Bồn tiếp tục lên, tại Hội An là 1,7m dưới báo động III là 0,3m. Trước tình hình trên, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương vùng hạ du Thu Bồn yêu cầu cơ quan chức năng và người dân khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Lũ vẫn dâng cao trên các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Nam

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trong những ngày qua, ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-80mm; riêng Quảng Nam - Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 90-180mm. Theo dự báo, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam tiếp tục lên. Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,5m, trên báo động 2 (BĐ2) là 0,5m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 8,3m, dưới BĐ3 là 0,3m… Mực nước các sông ở Thừa Thiên - Huế dao động ở mức BĐ1-BĐ2. Tình trạng ngập lụt tại các huyện An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định) giảm dần; các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Minh Long, Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn tiếp diễn. (H. Ly)

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/quang-nam-khan-truong-ung-pho-voi-mua-lu-419684/