Quảng Nam, Đà Nẵng cùng quản lý nguồn nước: Cú bắt tay lịch sử

Việc tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng dự kiến ký kết bản thỏa thuận phối hợp quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ chấm dứt hiện tượng “tranh chấp” nguồn nước thời gian qua.

Đối thoại bàn tròn cấp cao về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng – Quảng Nam diễn ra tại TP Hội An ngày 24/11, thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Nhiều mối nguy

Tại buổi đối thoại, nhiều chuyên gia nhìn nhận, cách quản lý truyền thống thiếu liên ngành, liên vùng và chưa xem xét ảnh hưởng của lưu vực sông tới vùng bờ biển hiện nay đang đẩy các lưu vực sông và vùng bờ biển vào thế phát triển thiếu bền vững.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – giảng viên cao cấp ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nhận định, lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn là một trong số lưu vực sông lớn ở nước ta có ảnh hưởng trực tiếp đối với vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng. Các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng. Đây chính là nhân tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực và là yếu tố trở ngại cho phát triển KT-XH của hai địa phương trong tương lai.

Nhiều đại biểu cũng nhận định, việc phát triển thủy điện với mật độ cao ở thượng nguồn tác động lớn đến môi trường và hệ sinh thái toàn lưu vực. Việc phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành dùng nước khác như nông nghiệp, sinh hoạt, môi trường đã nảy sinh mâu thuẫn, chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó phần lớn lượng phù sa đưa xuống hạ lưu bị thay đổi, làm mất cân bằng động học của dòng sông, thay đổi cơ cấu dòng chảy, đe dọa lũ trong mùa mưa, thiếu nước mùa khô… đẩy nhanh quá trình xâm thực biển và độ nhiễm mặn trên sông. Nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng sa khoáng và cát sỏi trái phép gây cạn kiệt nguồn nước, biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông, lũ lụt và xói lở bờ biển…

Trong khi đó, hiện tượng xói lở tại vùng biển Cửa Đại cũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. “Xói lở của Hội An hôm nay có thể là của Đà Nẵng ngày mai. Nếu không bắt tay nhau cùng xây dựng cơ chế phối hợp thì xảy ra thiệt hại lớn là khó tránh khỏi” - TS. Nguyễn Chu Hồi cảnh báo.

Đối thoại bàn tròn về quản lý tổng hợp sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển Quảng Nam. Ảnh: H Văn.

Quản lý theo không gian

Theo dự kiến, sẽ thành lập ban điều phối chung giải quyết các vấn đề liên tỉnh liên vùng bao gồm đại diện các lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TPĐà Nẵng và các cơ quan quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Ban điều phối sẽ mời các tổ chức quốc tế tham gia với vai trò các nhà tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật trong giai đoạn thử nghiệm.

Phương thức hoạt động của ban dựa trên cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành và quản trị theo không gian. Vai trò lớn nhất của ban điều phối là kết nối, liên kết và điều chỉnh hành vi của các ngành trong quá trình khai thác sử dụng lưu vực sông và vùng bờ.

Theo TS. Nguyễn Chu Hồi, những tranh cãi lâu nay giữa hai địa phương trong quá trình khai thác, sử dụng lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và ven biển là đương nhiên. Vấn đề nảy sinh rồi mà cơ chế “trói”, không tạo ra được thiện chí, thay đổi được hành vi. Do đó, cần thiết phải có cơ chế thể chế, quản trị liên ngành, liên vùng.

“Đây là cách tiếp cận mới để quản lý theo không gian, và tôn trọng tự nhiên, tăng cường mối quan hệ và giải quyết những vấn đề nảy sinh, các vấn đề về mặt không gian mà lâu nay không có ngành nào thấy mình có trách nhiệm” - TS. Hồi nói.

Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cách quản lý như hiện nay chưa thực sự hiệu quả nên việc thành lập một ban điều phối liên ngành, liên vùng là rất cần thiết. Ban điều phối sẽ có ý kiến đối với những công trình đang thi công cần có điều chỉnh gì. Hiện bản dự thảo đã được lấy ý kiến các ngành, lãnh đạo tỉnh đã thông qua.

Hoài Văn

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/quang-nam-da-nang-cung-quan-ly-nguon-nuoc-cu-bat-tay-lich-su-1077068.tpo