Quảng cáo trực tuyến

Nghệ thuật sống chung với người khổng lồNhững năm gần đây, thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Song mạng xã hội Facebook và công cụ tìm kiếm Google của Mỹ lại đang chiếm phần lớn doanh thu của thị trường. Những doanh nghiệp nội địa đang chật vật trong cuộc cạnh tranh trực tiếp với hai tập đoàn công nghệ này.

Tại cuộc hội nghị cấp cao về quảng cáo trực tuyến với sự tham dự của các báo điện tử, nhà xuất bản và nhà phát triển ứng dụng lớn ở Việt Nam được tổ chức vào trung tuần tháng 9 ở Hà Nội, ông Nguyễn Dũng, Tổng giám đốc Netlink, cho biết cách đây nhiều năm, miếng bánh thị phần quảng cáo trực tuyến thuộc về các đơn vị như VnExpress.vn, 24h.vn... nhưng trong hai năm qua, Google và Facebook đã chiếm 70% doanh thu của thị trường. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 80% vào năm nay.

Trong sức ép cạnh tranh khốc liệt

Một gương mặt khá quen thuộc trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến là ông Hà Anh Tuấn (thường được người trong giới gọi với tên Tuấn Hà), Giám đốc điều hành công ty Vinalink, cho biết doanh thu từ hoạt động quảng cáo trực tuyến vài năm nay tăng trưởng mạnh nhưng “sân chơi” này vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo cuộc khảo sát của Vinalink, tính đến hết năm 2015, Facebook đang dẫn đầu về doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam với con số 3.000 tỉ đồng, sau đó đến Google với 2.200 tỉ đồng. Toàn bộ các doanh nghiệp trong nước chỉ thu về khoảng 1.900 tỉ đồng. Những con số cho thấy cán cân chênh lệch rất lớn giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

“Facebook đang có 400.000 tài khoản bán hàng, trong đó có hơn 100.000 tài khoản quảng cáo. Còn Google đã tiếp cận 93% số người sử dụng Internet trong nước, với 3,9 tỉ lượt truy cập mỗi tháng, trở thành đối tác của hơn 200 tờ báo và khoảng 50.000 trang web ở Việt Nam”, ông Tuấn Hà dẫn chứng.

Tuy nhiên, một doanh nhân khác trong ngành là ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp), lại không đồng tình với ông Tuấn Hà. Ông Tân ước tính doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam trong năm 2015 chỉ khoảng 1.000 - 1.500 tỉ đồng, và doanh số của Google cùng Facebook chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số của thị trường.

Một chuyên gia trong ngành quảng cáo cũng cho rằng vì cả Netlink và Vinalink đều là đại lý quảng cáo của Google và Facebook ở Việt Nam nên có thể hai doanh nghiệp này nói quá về thị phần của Google và Facebook để gia tăng tính hấp dẫn của các công cụ này nhằm thu hút thêm các hợp đồng quảng cáo.

Trên thực tế, vẫn chưa có những số liệu thống kê một cách chính xác về thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam từ các công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, mà chỉ có các số liệu được cung cấp bởi những công ty làm trong ngành này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tính phổ biến và tầm ảnh hưởng của Google và Facebook trong làng quảng cáo số Việt Nam ngày càng tăng lên đáng kể, và những doanh nghiệp đang cạnh tranh trực tiếp với hai người khổng lồ này đều đang gặp khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động.

Cách đây tám năm, Xalo.vn – một công cụ tìm kiếm Việt do Công ty công nghệ Tinh Vân đầu tư – đã tuyên bố sẵn sàng đối đầu với Google ở Việt Nam. Nhưng sau một thời gian hoạt động không có hiệu quả, Xalo.vn đã phải đóng cửa. Tương tự, một công cụ tìm kiếm Việt khác như Socbay.vn đã chuyển hình thức hoạt động thành một trang web thương mại điện tử.

Cuối năm 2012, một công cụ tìm kiếm do các nhà đầu tư của Nga phát triển, hướng đến thị trường tìm kiếm Việt Nam là Wada (http://wada.vn) đã được cho ra mắt. Wada được phát triển bởi Công ty cổ phần Mạng Tầm Nhìn Mới (New Horizon Internet - NHI), dựa trên công nghệ ngôn ngữ học do một công ty Internet của Nga cung cấp. Vào thời điểm được trình làng, các nhà đầu tư của Wada cho biết đã góp 200 tỉ đồng cho công cụ tìm kiếm này và sẽ tăng thêm trong quá trình trang web hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo các nguồn tin không chính thức, Wada đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Đầu năm 2013, Cốc Cốc (coccoc.vn) được giới thiệu ra thị trường với mức đầu tư ban đầu là 100 triệu đô la Mỹ. Khác với những gương mặt nói trên, Cốc Cốc xác định hướng đi ngay từ giai đoạn ban đầu là không cạnh tranh trực tiếp với Google mà hướng vào thị trường ngách. Công cụ tìm kiếm này cung cấp thêm các dịch vụ như giải toán thông minh, quy đổi tiền tệ và chuyển đổi đơn vị đo lường, hướng đến nhóm khách hàng chính là học sinh, phụ huynh... Cốc Cốc hỗ trợ người sử dụng giải các bài toán trong chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 và các dạng toán phức tạp như giải phương trình logarithm, khảo sát và vẽ đồ thị hàm số, phương trình vi phân, phương trình bậc 4… Với một số dạng toán, kết quả tìm kiếm của Cốc Cốc còn hiển thị cả quá trình giải toán. Hiện tại, trang web này cung cấp cả dịch vụ tìm kiếm địa điểm, đưa ra kết quả bằng hình ảnh hoặc phim video.

Theo người đại diện của Cốc Cốc, công cụ tìm kiếm này hiện chiếm thị phần lớn thứ hai ở Việt Nam sau Google và thu hút khoảng 50.000 lượt cài đặt. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lại cho rằng trang web vẫn đang sống bằng tiền của nhà đầu tư, chưa tự nuôi sống được bản thân mình.

Còn về mảng mạng xã hội, đã có nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư mạng như ZingMe. vn, tinhte.vn, webtretho.com, lamchame.com, yume.vn... song giới chuyên gia cũng nhận định rằng các mạng này có tổng doanh thu không đáng kể so với Facebook.

Tìm cách sống chung

Tìm cách tồn tại bên cạnh những người khổng lồ như Facebook và Google là câu chuyện đau đầu không chỉ của các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam mà còn là của các công ty quảng cáo và truyền thông trên toàn cầu. Trong quý 2 năm nay, doanh thu của mạng xã hội Facebook và Google ở Mỹ là 13,1 tỉ đô la, vượt doanh thu của các công ty truyền hình như Comcast, CBS Corp, Disney và 21st Century Fox cộng lại (con số doanh thu nội địa của Facebook bao gồm cả doanh thu từ Canada, trong khi doanh thu của Google chỉ tính riêng ở Mỹ).

Doanh thu của Google từ quảng cáo luôn lớn hơn nhiều Facebook, tuy nhiên Facebook đang nhanh chóng thu hẹp dần khoảng cách này. Với tốc độ tăng trưởng đạt 64%, Facebook phát triển nhanh gấp tám lần CBS Corp, công ty được xem là có tốc độ phát triển nhanh nhất ngành giải trí trước nay.

Giới chuyên gia dự báo Facebook sẽ dần đạt tới quy mô của Google ở thị trường Mỹ và vượt xa những công ty truyền hình lớn. Đó là còn chưa nói đến doanh thu quảng cáo toàn cầu của Facebook lớn gấp hai lần doanh thu đến từ nội địa.

Sự cá nhân hóa của các mẩu quảng cáo đã tạo nên thành công của Facebook ngày hôm nay. Trong khi mẩu quảng cáo trên Facebook có thể nhắm chính xác đến những người sử dụng thường xuyên (226 triệu người ở Mỹ và 175 triệu người ở Canada tính đến cuối tháng 6) dựa trên những đặc điểm cá nhân của từng người, thì các công ty truyền hình lớn thường lại biết quá ít về những khán giả của mình.

Một trong những lợi thế khác so với quảng cáo truyền thống chính là các mẩu quảng cáo trên Facebook sẽ chỉ tính phí nếu mang tới những sự tương tác cụ thể từ người sử dụng Internet. Đặc điểm này được biết đến trong ngành quảng cáo trực tuyến như một “quyền lực đặc biệt”, tính năng mà quảng cáo truyền hình chưa thể có.

Quay trở lại với câu chuyện ở Việt Nam, vẫn theo lời các chuyên gia, chỉ có những doanh nghiệp không “đối đầu” với hai người khổng lồ kể trên thì mới có thể sống khỏe.

Ông Nguyễn Thế Tân cho biết VCCorp hiện đang hợp tác kinh doanh với hàng trăm trang web, bao gồm cả báo điện tử và trang thông tin tổng hợp. Việc hợp tác đi theo hai mô hình là hợp tác toàn diện và hợp tác từng phần. Doanh thu những năm gần đây của VCCorp vào khoảng 500-800 tỉ đồng, mức tăng trưởng hằng năm là 40%. Ông Tân hy vọng với đà tăng trưởng của thị trường quảng cáo Việt Nam hiện nay, VCCorp sẽ giữ được mức tăng trưởng ổn định trong vòng 10 năm tới.

Trên thực tế, doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam hiện mới chiếm 5% số tổng doanh thu của thị trường quảng cáo (gồm quảng cáo trên báo giấy, truyền hình...). Và với xu hướng quảng cáo trực tuyến ngày càng tăng nhanh trên thế giới, sau 10 năm nữa, doanh số của quảng cáo trực tuyến sẽ là 20-25% tổng doanh số thị trường quảng cáo Việt Nam.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152482/quang-cao-truc-tuyen.html/