Quảng cáo nước mắm không chứa arsen: Tự mắc bẫy?

Đây là thời điểm vàng để cướp về cho mình những khách hàng còn đang hoang mang trước thông tin nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng.

Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng bộ môn Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân với Đất Việt xung quanh việc 2 thương hiệu nước mắm công nghiệp đã tung ra thị trường đoạn quảng cáo với tuyên bố “đạt chuẩn an toàn thạch tín”.

PV: - Trong khi người tiêu dùng chưa hết hoang mang về thông tin 67% các loại nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định, thì mới đây 2 thương hiệu nước mắm công nghiệp đã tung ra thị trường đoạn quảng cáo với tuyên bố “đạt chuẩn an toàn thạch tín”.

Quảng cáo khẳng định: “Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn”.

Thậm chí trong thông điệp quảng cáo còn nêu rõ, từ năm 2011, theo Quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm của doanh nghiệp này đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín (Arsen).

Bà bình luận như thế nào về chiến lược quảng cáo này? Xét riêng trong khía cạnh kinh doanh, chọn thời điểm quảng cáo như vậy có phải là một lựa chọn khôn ngoan?

PGS.TS Phạm Thị Huyền: - Đây có thể coi là một cuộc chiến trong truyền thông marketing! Tất nhiên, một doanh nghiệp lớn với hai thương hiệu nước mắm công nghiệp mà quý báo đã nêu ở trên, chắc chắn, họ đã nhìn thấy cơ hội vàng để chiếm niềm tin của khách hàng khi đưa ra thông điệp quảng cáo đúng thời điểm như thế. Có nghĩa là, ở một khía cạnh nào đó, có thể coi, đây là thời điểm vàng để cướp về cho mình những khách hàng còn đang hoang mang khi thông tin 67% các thương hiệu nước mắm (mà chủ yếu là nước mắm truyền thống) có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm khác nhau, với điều kiện thị trường khác nhau, thì chiến lược này sẽ có những phản ứng ngược trở lại khác nhau. Thực sự, thì đã rất lâu, thông tin về nước mắm công nghiệp, không thực sự là “nước mắm” đã len lỏi đâu đó trong nhận thức của người Việt Nam. Nước mắm truyền thống phải làm từ tôm, từ cá, đặc biệt là cá cơm. Và không ít người đã biết rằng, nước mắm công nghiệp không làm từ hải sản (hoặc hải sản nguyên chất mà là từ xác nước mắm cũ mà thôi), do đó, dù vẫn dùng nhưng họ vẫn hoài niệm về các loại nước mắm truyền thống làm từ cá ngày xưa.

PGS.TS Phạm Thị Huyền đã đưa ra những ý kiến xung quanh kế hoạch quảng cáo nước mắm an toàn thạch tín

Cùng với đó, hiệu ứng từ các chương trình truyền thông nhằm thúc đẩy hành vi và thói quen tiêu dùng hàng Việt, ủng hộ hàng trong nước đã và đang ngấm dần trong tư duy của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, là sự lan truyền như vũ bão của công nghệ thông tin, sức mạnh của mạng xã hội và một số Fbker đã làm dấy lên và khuếch đại những nghi ngờ về hành vi black-marketing của doanh nghiệp lớn với hai thương hiệu nước mắm công nghiệp kể trên. Đó chính là “cạm bẫy” mà doanh nghiệp đó đã không lường trước được. Và do đó, sự khôn ngoan của doanh nghiệp đã trở nên con dao hai lưỡi, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, khi cả một cộng đồng người Việt với 29 triệu tài khoản mạng xã hội trong đó có 27 triệu tài khoản FB đã lan truyền về hành vi marketing đen của doanh nghiệp.

Quảng cáo nước mắm không chứa arsen: Chuyên gia nói thẳng

PV: - Tuy nhiên, công bố nước mắm nhiều đạm càng nhiều arsen đã được chứng minh là lập lờ, thiếu trách nhiệm. Và việc nước mắm không có arsen lại chứng tỏ nước mắm không có nhiều mắm thật. Đây có được coi là sự cố của thông điệp quảng cáo nói trên hay không thưa bà?

PGS.TS Phạm Thị Huyền: - Chính việc công bố sự thật nhưng không đầy đủ – nước mắm càng nhiều đạm càng nhiều arsen, (nhưng lại không nhắc tới đó là arsen hữu cơ, không độc luôn có sẵn trong hải sản, đặc biệt là hải sản biển, nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm), mà trong nhận thức của người Việt nói chung, arsen là chất độc.

Những phản ứng của 5 tổ chức Hiệp hội nước mắm truyền thống đã làm cho người tiêu dùng một lần nữa cảm thấy “bị lừa” khi tin vào thông tin mà Vinastas cung cấp và do đó, những thông tin khác, làm nền tảng cho thông điệp quảng cáo trên của doanh nghiệp đứng trước mối nghi ngờ của người tiêu dùng. Thiếu sót lớn nhất của thông điệp quảng cáo là đã tìm cách dìm sản phẩm cạnh tranh (mà lại là sản phẩm được xem là một nét văn hóa truyền thông) để nâng tầm sản phẩm của mình, trong khi những thông tin đã cung cấp để nhấn chìm sản phẩm cạnh tranh chắc chắn sẽ bị kiểm chứng trở lại.

PV: - Đành rằng, quảng cáo phát triển thương hiệu là việc cần làm và phải được đẩy mạnh của mỗi doanh nghiệp. Nhưng quảng cáo khoét sâu vào những thông tin gây bất lợi cho doanh nghiệp khác, đặc biệt, đó lại là những thông tin mập mờ, có dấu hiệu bất lương như lời một vị quan chức Việt Nam thì đó có phải là một cách làm chuyên nghiệp hay không, thưa bà? Bởi bản thân doanh nghiệp đó cũng sẽ vô tình đẩy mình vào tình thế bị nghi ngờ có liên quan tới những thông tin mập mờ nói trên?

PGS.TS Phạm Thị Huyền: - Phải khẳng định rằng, đó không phải là cách làm chuyên nghiệp, cho dù là ở bất kỳ một lĩnh vực nào, trong đó có lĩnh vực truyền thông. Chúng tôi luôn nhắc nhở sinh viên chuyên ngành, rằng, chúng ta sẽ không thể “cao lên” nhờ việc “ấn người khác xuống”. So sánh với đối thủ để phát hiện và phát huy điểm mạnh của mình, khắc phục điểm yếu chứ không phải tấn công kiểu “dìm hàng”. Hơn nữa, chỉ nên truyền thông nhấn mạnh vào điểm mạnh thực sự mà mình có thay vì truyền thông liên quan tới điểm yếu của đối thủ, đặc biệt, trong môi trường kinh doanh toàn cầu và xã hội thông tin như hiện nay.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/quang-cao-nuoc-mam-khong-chua-arsen-tu-mac-bay-3321342/