Quảng cáo kem trị sẹo "dối như cuội"

- Kem trị sẹo nhãn hiệu Rosehip Seed Oil được truyên hình quảng cáo có tác dụng với vết sẹo lâu năm nhưng khách hàng dùng 5 tháng, vết sẹo không chút cải thiện.

Tin tưởng hoàn toàn vào quảng cáo Có 2 vết sẹo trên cổ đã hơn 3 năm khiến chị Lê Hoài Nam (Tp. HCM) thấy không thực sự tự tin khi mặc áo hở cổ. Một quảng cáo trên một kênh truyền hình về kem trị sẹo nhãn hiệu Rosehip Seed Oil có thể chữa trị, làm mờ những vết sẹo lâu năm như mở ra một hy vọng mới cho chị Nam. "Quảng cáo có nhắc đến một cô có vết sẹo từ bé. Khi sử dụng sản phẩm thì vết sẹo gần như biến mất nên tôi rất hy vọng có thể cải thiện được những vết sẹo trên cổ", chị Nam nói. Vốn tính cẩn thận nên chị Nam không đặt hàng qua điện thoại vì sợ bị tráo đổi và không được tư vấn cụ thể. Chị quyết định đến showroom bán sản phẩm của Công ty TNHH TM XNK Kim Phú Mỹ tại Bình Phú, Tp. HCM. Tại đây nhân viên tư vấn khẳng định nếu sử dụng sản phẩm, vùng da có sẹo của chị Nam có thể phục hồi được đến 80% nên chị quyết bỏ ra 980.000 đồng để mua 1 lọ kem. Nhân viên cũng tư vấn thêm, chị Nam cần rửa sạch, mát xa vết sẹo khi bôi kem và kiêng thêm 1 số các món ăn như thịt bò, rau muống, ... "Tôi đã đi tư vấn nhiều khoa thẩm mỹ tại các bệnh viện, họ đều cho là vết sẹo của tôi là khá thẩm mỹ rồi và không nên can thiệp bằng các phương pháp thẩm mỹ khác. Tuy nhiên, các nhân viên tại showroom có nói là nếu tôi dùng kem thì phải nhìn rất kỹ mới thấy được vết sẹo nên tôi mới quyết định mua sản phẩm. Vậy mà dùng đến tháng thứ 5, cả 2 vết sẹo của tôi không có dấu hiệu thay đổi gì cả", chị Nam chia sẻ. Khi chị Nam thắc mắc dùng 5 tháng mà chưa thấy hiệu quả sản phẩm với nhân viên tư vấn của công ty Kim Phú Mỹ, chị nhận được giải thích "có lẽ tại chị không tuân thủ theo đúng hướng dẫn kiêng khem khi dùng sản phẩm". Giải thích này càng khiến chị Nam thêm bức xúc vì chị khẳng định mình hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy định ăn kiêng, hướng dẫn massage của nhân viên bán sản phẩm. Nên cân nhắc lựa chọn phương pháp trị sẹo Sẹo- Scars (còn gọi là cicatrices) là các vùng mô xơ hóa thay thế da (hoặc mô) bình thường sau khi bị tổn thương. Mô sẹo không giống với các mô mà nó thay thế và thường có chất lượng chức năng kém hơn. Ví dụ, vết sẹo trên da ít khả năng chống bức xạ cực tím, tuyến mồ hôi và nang tóc không mọc lại trong mô sẹo. Vết mổ gây tổn thương mất tính chất liên tục của bề mặt da không hồi phục, thay thế da lành bằng tổ chức xơ sợi được gọi là sẹo. Một bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ tại Hà Nội cho biết, các phương pháp điều trị chỉ có thể cải thiện về hình thức, chất lượng sẹo… chứ không thể làm sẹo mất đi hoàn toàn. Một số loại thuốc bôi điều trị sẹo thường có thể cải thiện sắc tố, tình trạng ngứa… của sẹo nhưng không thể làm vết sẹo biến mất. Phương pháp này có tác dụng hạn chế vì khả năng ngấm thuốc kém của những mô sẹo, nhất là những sẹo cũ (sau vài năm). Điều đáng nói, tờ rơi quảng cáo kem trị sẹo Rosehip Seed Oil gồm 2 tờ giấy giới thiệu, một in màu và một in đen trắng. Tuy nhiên, thành phần của sản phẩm ở mỗi tờ lại được in khác nhau. Theo tờ in màu, thành phần sản phẩm có bao gồm Vitamin F còn trong tờ giấy in đen trắng lại ghi đó là... Vitamin E (?). Theo nghiên cứu của tác giả Jenkins M (1986) [1], Baumann LS (1999) [2] sử dụng liệu pháp Vitamin để điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại nhận thấy "Vitamin E và chiết xuất từ hành củ điều trị sẹo không có hiệu quả. Vitamin E gây viêm da tiếp xúc tới 33% người sử dụng và một số trường hợp có thể làm vết sẹo xấu đi". Sau khi xem hình ảnh vết sẹo của chị Nam, vị bác sĩ này cho rằng vết sẹo của chị Nam là loại sẹo xơ, khá phẳng và sáng nên chị Nam chỉ cần trang điểm cho vết sẹo cùng tông màu da hoặc đeo trang sức là có thể tự tin mặc áo hở cổ. Ông khẳng định, "Chế độ ăn kiêng hoàn toàn không có ý nghĩa quyết định hiệu quả điều trị những vết sẹo đã hình thành qua vài năm, cụ thể là vết sẹo của chị Nam. Hơn nữa, chế độ kiêng là kinh nghiệm dân gian của người Á Đông áp dụng cho vết sẹo mới hình thành, nhưng hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiệu quả của điều này". Một bác sĩ tại khoa thẩm mỹ - bỏng cho hay, việc điều trị sẹo cần có thời gian qua 1 quá trình điều trị lâu dài, người bệnh không nên quá nôn nóng mà cần kiên nhẫn theo quy trình điều trị. Bác sĩ này cũng cho rằng chế độ ăn kiêng chỉ là kinh nghiệm dân gian, ngoài ra, hình dáng sẹo còn phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh. Bác sĩ khuyên, "Tùy từng trường hợp, tùy cơ địa người bệnh mà hiệu quả điều trị sẹo cũng khác nhau. Biện pháp trị sẹo có thể hiệu quả với người này nhưng với người khác lại không. Không thể nói có tác dụng với mọi loại sẹo, mọi người bệnh. Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc trước khi quyết định sử dụng. Tốt nhất, người bệnh nên khám và có tư vấn của các bác sĩ chuyên môn tại các bệnh viện uy tín". Đối với chị Nam, chị chia sẻ, "Sản phẩm tôi đã mua và đã sử dụng nên tôi cũng không đòi lại tiền được. Tiền mất mà không mang tật là may lắm rồi. Đối với những vết sẹo mới thì tôi không rõ nhưng với những vết sẹo đã nhiều năm như tôi thì theo tôi nên cân nhắc khi quyết định sử dụng sản phẩm này. Sau lần này thì tôi cũng "chừa", không dám tin vào quảng cáo ngay cả những quảng cáo trên truyền hình". Tài liệu tham khảo: 1. Jenkins M, Alexander JW, MacMillan BG, Waymack JP, Kopcha R. Failure of topical steroids and vitamin E to reduce postoperative scar formation following reconstructive surgery. J Burn Care Rehabil. 1986 Jul–Aug;7(4):309–312. 2. Baumann LS, Spencer J. The effects of topical vitamin E on the cosmetic appearance of scars, Dermatol Surg. 1999 Apr;25(4):311-5. H.D

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/bvkh/201003/Quang-cao-kem-tri-seo-doi-nhu-cuoi-900407/