Quảng Bình mong gì sau chuyến công cán miền Trung của Bộ trưởng Nghĩa?

Sau khi nhậm chức Bộ trưởng GTVT, ông Trương Quang Nghĩa đã không dưới 2 lần về làm việc với Quảng Bình. Tại đây, câu chuyện nguồn lực để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng được tỉnh nghèo miền Trung đề cập khá nhiều lần. Còn “Tư lệnh” ngành Giao thông phản hồi ra sao vấn đề này?

QL1 đoạn Nam Quảng Bình được một Tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư, xây dựng theo hình thức BOT

Cần đường cao tốc phía Đông

Ông Phạm Quang Hải - Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình nói, mạng lưới giao thông tỉnh này hiện đã kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình đường sắt, thủy, bộ, hàng không và hàng hải. Mấy năm gần đây, nhiều công trình giao thông quan trọng như QL1, QL12A, đường tỉnh 565 (tỉnh lộ 16 cũ)... đã được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở một nhịp độ cao hơn, tỉnh này vẫn mong muốn tiếp tục được mở mang và kiến thiến thêm đường sá.

Đáng nói, trong cả hai lần làm việc với người đứng đấu ngành GTVT trong vòng 1 năm gần đây, câu chuyện đầu tư xây dựng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn đi qua tỉnh này đã được Quảng Bình láy đi láy lại nhiều lần.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - ông Hoàng Đăng Quang từng nhấn mạnh giao thông là một đột phá chiến lược, là “chìa khóa” giúp tỉnh nghèo sớm “thay gia đổi thịt”. Vì thế, không chỉ dự án có tính huyết mạch nói trên, lãnh đạo tỉnh này còn mong được đầu tư nâng cấp QL9B đoạn Quán Hàu - Vĩnh Tuy và đoạn Vạn Ninh - Ngã ba Tăng Ký; đầu tư xây dựng mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu; tiếp tục thực hiện dứt điểm Dự án QL12A và QL15.

Cụ thể, dự án cao tốc nêu trên bao gồm đoạn Vũng Áng - Bùng và đoạn Bùng - Vạn Ninh, đã được cấp có thẩm quyền đồng ý triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, tỉnh đã hoàn thành thủ tục tiền khả thi. Theo đó, đoạn Vũng Áng - Bùng dài khoảng 60km, với tổng đầu tư xấp xỉ 10 ngàn tỷ đồng.

Nguồn lực đ đầu tư?

Tiếp nhận các kiến nghị nêu trên của địa phương trong cuộc làm việc hồi đầu năm ngoái và mới đây - hôm 18/5, Bộ trưởng Nghĩa cho hay, việc xây dựng tuyến cao tốc này là hết sức cần thiết và Bộ cũng đang nỗ lực để nó sớm thành hiện thực.

Sân bay Đồng Hới thiết kế theo tiêu chuẩn 4C, với đường cất hạ cánh dài 2.400m, năng lực thông qua 50 vạn khách/năm

Còn nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, ông Nghĩa nói ngân sách đang rất hạn chế, vì vậy tỉnh cần chia sẻ với Bộ, cùng với Bộ huy động, kêu gọi nguồn lực ngoài xã hội, hạn chế ngân sách Nhà nước bố trí trong giai đoạn trung hạn để đầu tư phát triển lĩnh vực này.

Được biết, ngoài trục giao thông trọng điểm xuyên suốt Bắc - Nam, Bộ GTVT cũng đồng quan điểm với địa phương trong việc đầu tư các tuyến đường ngang, vì tăng kết nối từ Đông sang Tây là cần thiết để phát huy hiệu quả các công trình giao thông, đồng thời tạo điều kiện kết nối giao thương quốc tế, nhất là thông qua tuyến QL9B - đường nối ngắn nhất giữa Đồng Hới đến cặp Cửa khẩu Chút Mút - Lã Vơn sang nước bạn Lào .

Cảng Hàng không Đồng Hới sẽ thành Cảng Hàng không quốc tế

Ngoài phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đường bộ, Quảng Bình cũng định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao từ Hà Tĩnh qua Quảng Bình sang nước bạn Lào (hướng tuyến cụ thể sẽ được Chính phủ phê duyệt sau). Xây dựng tuyến đường sắt từ cảng Hòn La đến cụm công nghiệp Tiến Châu- Văn Hóa.

Đối với đường không, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ nâng cấp Cảng Hàng không Đồng Hới thành Cảng Hàng không quốc tế. Dự kiến, từ tháng 6/2017, sẽ bắt đầu khai thác đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan).

Võ Tuấn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/quang-binh-mong-gi-sau-chuyen-cong-can-mien-trung-cua-bo-truong-nghia-335602.html