Quảng Bình: Cảng lậu ngang nhiên 'mọc' tại Khu kinh tế Cảng Hòn La

Một cầu cảng của tư nhân ngang nhiên 'mọc' trái phép tại KKT Cảng Hòn La (Quảng Bình) nhiều năm. Trên cầu cảng này hoạt động tấp nập chủ yếu phục vụ cho hậu cần nghề cá, thế nhưng không hiểu vì sao nhiều năm qua, cảng cá vẫn không bị xử lý, giải tỏa.

Tồn tại nhiều năm

Bên đường ra cầu cảng Hòn La (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch), sát bên cầu Cảng do nhà nước đầu tư là một cảng cá tư nhân trái phép của tư nhân được hình thành. Theo người dân địa phương thì cầu cảng Thịnh Hậu này của anh Tưởng Văn Thịnh, người cùng xã xây dựng.

Cảng cá Thịnh Hậu được đổ đất đá lấn ra biển chừng 100m. Phía ngoài dùng các khối bê-tông đúc sẵn để chắn sóng.

Cảng cá Thịnh Hậu được đổ đất đá lấn ra biển chừng 100m. Phía ngoài dùng các khối bê-tông đúc sẵn để chắn sóng.

“Trước đây các công ty làm công trình ở khu vực trong KKT, họ mở đường san mặt bằng nên anh Thịnh đã mua đất, đá đổ ra mép biển. Lúc đầu mọi người nghĩ anh làm bãi đậu xe ô tô tải. Nhưng không ngờ sau đó anh làm cảng cho tàu cá vào bốc dỡ hải sản với tiếp tế đá lạnh, thực phẩm, dầu đèn. Cảng này hoạt động được tầm 3 năm rồi.”. Chị H sinh sống gần đó cho biết.

“Lúc đầu thì cầu cảng Thịnh Hậu ít tàu cá cập bến, vì các tàu này bốc hải sản ở Cảng cá bên kia (Cảng cá do Sở NN&PTNT xây dựng), nhưng giờ các tàu cá đều tập trung vào đây, còn cảng bên kia thì vắng tàu rồi”, lời chị H.

Cầu cảng Thịnh Hậu vươn lấn biển chừng 100m, được đổ đất đá, xô bồ. Bên ngoài cầu cảng để chắn sóng, anh Thịnh đổ những khối bê tông thả xuống làm kè, trên mặt được đổ bê tông. Để tàu cập cảng an toàn, Thịnh bố trí những chiếc lốp ô tô làm đệm hãm. Cầu cảng có khu vực nhà trực, có treo biển “cầu cảng Thịnh Hậu”.

Vị trí cầu cảng Thịnh Hậu xây trái phép sát cạnh Cầu cảng bốc dỡ hàng hóa Hòn La do Nhà nước xây dựng, cách Cảng cá của Sở NN&PTNT tỉnh chừng 500m. Đây là khu vực trong vịnh Hòn La, sóng nhỏ, có mực nước sâu nên tàu công suất lớn có thể vào ra dễ dàng. Bởi vậy lượng tàu cập bến rất đông, có ngày cao điểm lên tới hàng trăm tàu.

Cảng cá “lậu” nhưng các tàu thuyền cập bến rất tấp nập.

Ông T chủ một tàu cá ở Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) cho rằng tàu của ông trước từ lâu thường vào cảng này để chuyển hải sản lên bờ. “Trước bốc dỡ ở cảng Gianh, tàu tôi phải chờ lâu tí, nhưng không bị ép giá hải sản. Vào càu cảng này tàu lớn thì bốc từ 3-5 tiếng là xong, nhưng bị thương lái ép giá nên mất thêm 2-3 triệu/chuyến. Tàu nhỏ thì phí bến bãi vài trăm ngàn/lượt.

Ở đây nước sâu, không sợ bị tàu mắc cạn như những bến khác, nhưng lại bị chèn giá. Ngoài ra mình phải mua dầu đèn, đá lạnh, các loại thực phẩm cất trữ cho chuyến đi tiếp cũng ở đây. Mình không vào cũng không được, vì nghề gì có “luật” nghề đó”.

Chính quyền chưa quyết liệt để xử lý

Trước sự việc cảng cá Thịnh Hậu trái phép hoạt động trong KKT Hòn La, người dân đã trình báo với chính quyền địa phương. Chính quyền cấp xã và huyện đã nắm bắt thông tin và vào cuộc xử lý. Thế nhưng thời gian ra quyết định xử phạt và chấm dứt hoạt động của cầu cảng trái phép này đã 1 năm rồi, nhưng kết quả vẫn chưa có gì thay đổi.

Cảng cá trái pháp luật nằm trong Vịnh Hòn La, sát bên cạnh Cảng bốc dỡ hàng hóa do Nhà nước đầu tư, xây dựng.

Cụ thể tháng 3/2016, ông Phan Ngọc Duy- Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch ra quyết định xử phạt ông Tưởng Văn Thịnh 45 triệu đồng. Ngoài xử phạt, quyết định còn yêu cầu ông Thịnh tự phá dỡ cảng cá lậu, nếu không sẽ thi hành cưỡng chế. Thời hạn bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2016.

Đến 2/2017, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình tiếp tục có công văn yêu cầu UBND huyện Quảng Trạch phối hợp kiểm tra, xử lý công trình trái phép cảng cá Thịnh Hậu, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Ngọc Duy lý giải việc chậm trễ là do thời gian xử lý cảng trái phép trùng với việc diễn ra sự cố môi trường biển do Fomosa Hà Tĩnh gây ra, nên địa phương đang tập trung vào việc khắc phục môi trường biển. Sắp tới huyện sẽ cương quyết xử lý dứt điểm.

Trong khi các cơ quan chưa vào cuộc quyết liệt thì ngư dân đang phải chịu thiệt khi bốc dỡ hàng hóa, hải sản bị chèn ép. Ngoài ra, công việc thống kê, tổng hợp đánh giá sản lượng đánh bắt hải sản của ngành thủy sản cũng không đầy đủ, khi các tàu cá cứ bốc dỡ hải sản qua các bến lậu, bến cóc trên địa bàn tỉnh.

Đặng Sơn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quang-binh-cang-lau-ngang-nhien-moc-tai-khu-kinh-te-cang-hon-la-post223509.info