Quảng Bình: Bờ sông Gianh sạt lở uy hiếp an toàn nhà dân

Chỉ trong vòng nửa tháng 10-2016, hai trận lũ liên tiếp xảy ra tại Quảng Bình đã làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hóa. Sạt lở không chỉ cuốn trôi hàng trăm mét đất sản xuất mà còn ảnh hưởng đến hàng chục ngôi nhà của người dân sống dọc bờ sông.

Trận lũ kép vừa qua đã khiến bờ sông Gianh tại xã Đức Hóa bị sạt lở nghiêm trọng. Có nhiều nơi, nước ăn sâu vào đến sát nhà dân ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của bà con sống dọc bờ sông này.

Nhà ông Nguyễn Hải Văn ở xã Đức Hóa vài tháng trước đây còn cách bờ sông vài chục mét nhưng sau lũ, bờ sông đã cách tường nhà chỉ vài bước chân.

Ông Hải nói: “Chúng tôi rất hoang mang và không biết nhà đổ sập xuống sông lúc nào, mong chính quyền sớm cho chúng tôi di dời đến nơi ở mới để an cư lạc nghiệp”.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Đức Hóa, 6/11 thôn nằm dọc bờ sông Gianh đều bị sạt lở. Trong đó, có hơn 30 hộ ở các thôn Kinh Trừng và Phúc Tùng 1, Phúc Tùng 2 cần phải di dời khẩn cấp vì bờ sông đã “ăn” vào sâu đến sát nhà.

Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Võ Xuân Trường lo lắng: “Quỹ đất tái định cư xã không lớn nên việc tái định cư cho số hộ này gặp nhiều khó khăn, song điều quan trọng là ngân sách địa phương không có để hỗ trợ hơn 300 hộ này di dời đến nơi ở mới. Xã báo cáo lên cấp trên để được hỗ trợ việc di dời khẩn cấp hơn 10 trường hợp nhà dân ở sát mép nước trước”.

Phía dưới xã Đức Hóa, thôn Thượng Phủ, xã Văn Hóa - nơi sông Gianh chạy uốn khúc nên tạo nên vùng nước xiết cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân nơi đây thon thót giật mình do nước chảy xiết, xoáy vào bờ cuốn theo nhiều đất đai, cây cối. Nhiều ngôi nhà đầu thôn phải di dời để bảo đảm an toàn. Ông Nguyễn Văn Nam cho biết, trước kia, bờ sông còn khá rộng nhưng qua hai trận lũ, đất canh tác, cây cối bị nước cuốn cứ rụng rơi dần, nhiều gia đình chúng tôi đã cận kề với các điểm sạt lở nên nơm nớp lo.

Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tuyên Hóa Nguyễn Văn Đình cho biết: “Tại xã Đức Hóa có dự án kè chống sạt lở bờ sông đang thi công nhưng do thiếu vốn nên phải dừng lại tại điểm dừng kỹ thuật. Vừa rồi hai trận lũ lụt gây sạt lở nghiêm trọng tại điểm dừng công trình đang thi công và đoạn chưa đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây. Chúng tôi đã kiểm tra thực tế và làm văn bản tham mưu cho UBND huyện Tuyên Hóa báo cáo với UBND tỉnh Quảng Bình và các ngành cấp tỉnh hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng hoàn thiện đoạn kè này để ổn định nơi sinh sống cho bà con”.

Có nhiều đoạn, bờ sông sạt lở sát mép nhà dân nhưng việc di dời gặp khó khăn.

Đại diện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, tình trạng sạt lở đất ở các xã ven sông Gianh là nỗi lo của chính quyền địa phương từ nhiều năm qua. Cứ trước mỗi mùa mưa bão, các cấp chính quyền hỗ trợ, động viên nhân dân trồng các loại cây như tre, bần, sú vẹt chắn sông và hạn chế sạt lở đất. Đồng thời, lên kế hoạch di dời khẩn cấp những hộ dân ở vùng sạt lở nặng song hiệu quả không cao.
Nguồn kinh phí cho các giải pháp chống sạt lở hai bờ sông Gianh và tổ chức di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nơi đây vẫn chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của T.Ư.

Trong lúc đó, cứ đến mỗi mùa mưa lũ, nạn sạt lở đất ở hai bờ sông Gianh vẫn diễn ra với mức độ ngày một nghiêm trọng, tính mạng và tài sản của hàng nghìn người dân đang bị đe dọa hằng ngày, hằng giờ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31297002-quang-binh-bo-song-gianh-sat-lo-uy-hiep-an-toan-nha-dan.html