Quảng Bình: Ẩn họa khi vượt lũ trên ngầm Sông Ngang

Ngầm Sông Ngang là tuyến đường độc đạo, nối thị trấn Hoàn Lão đi xã Tây Trạch và xã Phú Định (huyện Bố Trạch). Cầu được xây dựng từ năm 1978 với kết cấu từ những thanh ray, tận dụng từ cây cầu đường sắt chạy song song liền kề.

Trong khoảng thời gian 3 ngày 14–16/10, địa bàn tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mưa lũ, nước ngập nhiều khu vực. Đường quốc lộ 1A tắc nghẽn; đường sắt qua một số huyện cũng không thể lưu thông. Ngầm Sông Ngang là cây cầu liên xã nối từ tiểu khu 7 thị trấn Hoàn Lão đi xã Tây Trạch và xã Phú Định. Vài trận mưa lớn, cây cầu này sẽ bị ngập sâu khiến người dân không thể lưu thông. Giải pháp duy nhất để cư dân di chuyển là đi trên cầu đường sắt... Đây là thực trạng mà bao người người dân xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch) đang phải đối mặt hiện nay.

Ngầm Sông Ngang ngập hoàn toàn trong nước lũ.

Trưa ngày 16/10, phóng viên Báo Xây dựng đã có mặt tại khu vực ngầm Sông Ngang sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân. Theo đó, lúc 9h sáng cùng ngày, đã có 1 trường hợp bị lũ cuốn khi vượt ngầm. Do chủ quan nên một người đàn ông đã quyết định vượt qua con ngầm đầy nước này nhằm đi qua địa phận xã Tây Trạch. Tuy nhiên, khi đang ở giữa ngầm, người đàn ông trên cùng xe máy đã bị nước lũ cuốn đi. Xe máy bị cuốn xuống ngầm; người đàn ông trên may mắn bấu víu được vào một cây cọc tiêu. Khi ấy có một nhóm người đang đi trên cầu đường sắt trông thấy, họ đã nhanh chóng lao xuống cứu vớt. May mắn người đàn ông trên không sao. Sau khi ổn định tâm lý, người đàn ông trên rất hối lỗi. (Xin được giấu tên theo đề nghị của nhân vật).

Cứ vài trận mưa to là ngầm bị nhấn chìm.

Theo tìm hiểu sơ bộ, chúng tôi được biết: ngầm Sông Ngang là tuyến đường độc đạo, nối thị trấn Hoàn Lão đi xã Tây Trạch và xã Phú Định. Cầu được xây dựng từ năm 1978 với kết cấu từ những thanh ray tận dụng từ cây cầu đường sắt chạy song song liền kề.

Xuyên suốt 40 năm nay, cây cầu này thường xuyên chịu cảnh ngập lụt chỉ sau vài trận mưa. Để về trung tâm huyện Bố Trạch và ngược lại, người dân cần phải đi qua cầu đường sắt. Nếu không sẽ phải đi vòng lên đường Hồ Chí Minh rồi theo đường Chánh Hòa hoặc Phú Định với hành trình gần 20km.

Trước mối ẩn họa này, chính quyền và nhân dân xã Tây Trạch đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng tại các hội nghị tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên đến thời điểm này, ngầm Sông Ngang vẫn phải chịu cảnh ngập lụt khi mùa mưa đến.

Có mặt tại khu vực này khi cơn mưa vừa ngắt, chúng tôi được chứng kiến cảnh người và xe lưu thông trên cầu đường sắt. Trẻ em, người lớn dắt xe máy, xe đạp chênh vênh trên cầu.

Theo lời kể của nhiều người dân địa phương, khi đang đi trên cầu mà tàu đến, giải pháp duy nhất là vứt xe xuống sông còn người thì tìm chỗ bám. Khi không còn chỗ bám thì nhảy xuống sông.

Khi ngầm Sông Ngang ngập, người dân chỉ còn cách đi qua cầu đường sắt, vô cùng nguy hiểm nếu tàu đến.

Tính đến thời điểm hiện tại chưa có tai nạn nào thương tâm xảy ra. Thế nhưng, đọng lại trong kí ức người dân bản địa vẫn luôn thường trực về trường hợp thương tâm của đôi vợ chồng sắp cưới bị tai nạn khi vượt lũ trên cây cầu đường sắt này. Vụ việc xảy ra vào thời điểm tháng 10/2011, anh Nguyễn Duy Thành (1983), đang làm việc tại Hà Nội, xin cơ quan nghỉ phép để về quê cưới vợ. Ngày 17/10/2011, vợ chồng Thành đi đưa thiệp cưới đúng vào thời điểm ngầm Sông Ngang bị ngập sâu, họ đành dắt xe qua cầu đường sắt. Đang ở giữa cầu thì tàu đến; dưới sông nước lũ cuồn cuộn. Không biết tránh vào đâu, anh Thành chỉ kịp nghiêng người. Hậu quả là cả phần thân bên trái bị thương nặng, chân bị gãy nát.

Sau một năm rưỡi điều trị do phần chân bị hoại tử, bác sĩ đã quyết định cắt chân của anh Thành để bảo đảm tính mạng... Bỗng dưng anh Thành trở thành người tàn phế và sống bám vào gia đình. Sau tai nạn, đám cưới phải trì hoãn.

Người dân xã Tây Trạch và xã Phú Định luôn hi vọng sẽ có một cây cầu vững chãi, đủ rộng, đủ an toàn để đảm bảo cho người dân tham gia đi lại trên cung đường này. Mùa mưa lũ đang đến, hàng trăm người dân vẫn tiếp tục cảnh chênh vênh trên vượt lũ trên cây cầu đường sắt này.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại tại hiện trường:

Khung cảnh ngầm Sông Ngang.

Dưới dòng nước là bao ẩn họa.

Cầu đường sắt song song với ngầm Sông Ngang.

Đánh cược tử thần để vượt lũ.

Đoàn người chênh vênh trên cầu đường sắt.

Tránh né, nhường đường.

PV

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-binh-an-hoa-khi-vuot-lu-tren-ngam-song-ngang.html