Quán triệt và triển khai kết luận số 19 của Ban Bí thư về hoạt động xuất bản

Sáng nay (19/5), tại TPHCM, Bộ Thông tin & Truyền thông cùng Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị 'Quán triệt thông báo kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về công tác xuất bản'.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện các bộ ngành, chức năng trung ương và địa phương.

Đại diện cho Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng dự Hội nghị.

Theo đó, ngày 29/12/2016, Ban Bí thư (khóa XII) đã ban hành Thông báo Kết luận số 19-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Kết luận của Ban Bí thư nêu: Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc của nhân dân….

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động xuất bản vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, yếu kém, chưa đạt chỉ tiêu về số lượng bản sách/người/năm như Chỉ thị đề ra. Số tác phẩm có giá trị chiếm tỉ lệ chưa cao, các hạn chế chậm được khắc phục…

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng( thứ 2 từ trái sang) tại Hội nghị

Do đó, để thực hiện tốt Chỉ thị số 42, Ban Bí thư yêu cầu: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin & truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với nhau để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giao ban xuất bản, định kỳ cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin & Truyền thông cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản, trong đó, ưu tiên quy hoạch lại mạng lưới phát hành sách, xây dựng đề án chương trình sách quốc gia, đề án phát trển xuất bản điện tử…..

Với Hội Xuất bản Việt Nam, Ban Bí thư yêu cầu cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, xây dựng cơ chế phù hợp để Hội Xuất bản Việt Nam hoạt động đúng với tính chất của hội đặc thù được hưởng chế độ của hội chính trị-xã hội- nghề nghiệp.

Với các Nhà xuất bản, Ban Bí thư yêu cầu: Cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản, phát huy vai trò, chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị- xã hội trong Nhà xuất bản…

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông - chỉ rõ những yếu kém còn tồn tại của ngành xuất bản, như: Hoạt động liên kết xuất bản vẫn còn nhiều mặt tiêu cực khi nhiều nhà xuất bản vẫn bị động trong việc liên kết khi các đơn vị phối kết hợp chi phối khá nhiều. Dù hoạt động liên kết xuất bản đã nâng chất lượng và đa dạng hóa các đầu sách, ấn phẩm văn hóa đọc giúp cho người đọc có thêm nhiều lựa chọn, cũng như tạo thêm nguồn thu cho các nhà xuất bản.

Hoạt động hậu kiểm, thanh kiểm tra công tác xuất bản vẫn chưa thật quyết liệt. Bên cạnh đó, việc đội ngũ biên tập viên tại các nhà xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của công tác xuất bản, trình độ đội ngũ biên tập chưa đồng đều, nhiều đơn vị xuất bản thiếu hụt trầm trọng đội ngũ biên tập viên chất lượng cao…

Bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM - phát biểu tại Hội nghị

Theo đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, đây là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong hoạt động in ấn, sai phạm về nội dung các ấn phẩm, cũng như tạo kẽ hở cho các vấn nạn in lậu, in nối bản hoành hành, gây bức xúc cho đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản và bạn đọc. Đặc biệt, gián tiếp là nguyên nhân xảy ra sai sót của không ít quyển sách, chất lượng các tác phẩm.

Về hoạt động in ấn của Hội Xuất bản Việt Nam trong năm qua, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, hoạt động in ấn xuất bản có chiều hướng thay đổi theo hướng tích cực. Các vụ sai phạm đã được chấn chỉnh và kéo giảm khá nhiều. Năm qua có khoảng 30.000 đầu sách với hơn 40 triệu bản in được thực hiện. Trung bình 1 người dân được thụ hưởng 4 quyển sách/người/năm, chưa đạt mục tiêu như Chỉ thị đề ra.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều tán đồng với kết luận số 19 của Ban Bí thư, đồng thời cho rằng cần tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ Chỉ thị số 42 của Ban Bí thứ khóa IX.

Bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM - nhấn mạnh: Để tạo điều kiện cho các địa phương (trong đó có TPHCM) sớm triển khai, thực hiện có hiệu quả kết luận số 19 của Ban Bí thư các Bộ, ngành và các cơ quan TW đã được Ban Bí thư giao nhiệm vụ tại kết luận số 19 cần sớm triển khai, cụ thể hóa các chương trình hành động, quy định hướng dẫn giúp cho việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 42, kết luận số 19 của Ban Bí thư được thuận lợi và sớm đi vào cuộc sống.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/quan-triet-va-trien-khai-ket-luan-so-19-cua-ban-bi-thu-ve-hoat-dong-xuat-ban-3316336-v.html