Quan tâm tới giáo viên vùng khó

Nghề giáo là một nghề cao quý, đặc biệt nhất trong tất cả các nghề...

...Bởi chính nhà giáo là người mang tri thức đến cho cuộc sống, giúp cho mọi học trò mở mang kiến thức, tạo tiền đề để cống hiến cho đất nước, giúp ích bản thân, gia đình và xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, giáo viên lại là một nghề có mức thu nhập thấp so với những nghề khác. Đúng là đề cập đến chuyện tiền lương hết sức tế nhị nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, người ta coi trọng nghề giáo ở cái danh xưng "thầy, cô" chứ về đời sống của giáo viên thì còn eo hẹp, khổ sở lắm!

Làm giáo viên ở những trung tâm thành phố thì còn đỡ vì trường tự cân đối thu-chi, lại được sự ủng hộ kinh phí từ phía phụ huynh nên vật chất của nhà trường cũng như đời sống của giáo viên có thể tương đối ổn định. Trong khi đó, những giáo viên vùng sâu, vùng cao lại có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Thực sự ai trong chúng ta cũng đều hết sức khâm phục những giáo viên ở những rẻo cao, bưng biền heo hút. Đó là những nhà giáo tình nguyện, họ chấp nhận công tác trong hoàn cảnh khắc nghiệt vì sự nghiệp đưa đò, trồng người. Đã chấp nhận đặt chân đến những miền đất gian khổ, thiếu thốn trang thiết bị dạy học, hầu như giáo viên nào cũng nêu cao tiêu chí: dạy là chính. Vì thế đối với họ, chuyện nợ vài tháng tiền lương, không có thưởng lễ, Tết là điều bình thường, không có gì phải phàn nàn. Hay đường đến trường làng gồ ghề đá sỏi, sình lầy lấm lem, phải chui vào bao nylon để qua suối, đu dây qua sông cứ như là chuyện ăn cơm mỗi ngày. Những hình ảnh ấy truyền thông đã đưa tin rất nhiều, làm cho độc giả khâm phục, thương cảm biết bao những giáo viên vượt khó. Họ biết chịu đựng gian khó, dù hoàn cảnh giảng dạy khắc nghiệt nhất, chỉ mong sao cho các trẻ đều được học hành đàng hoàng.

Đành rằng đó là sự hy sinh thầm lặng, nhận lấy gian khó về mình, không chút ta thán. Nhưng cuộc đời, công việc không phải bao giờ cũng suôn sẻ nếu như không có một động lực thúc đẩy, an ủi, củng cố. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương, ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương cần phải quan tâm đặc biệt đến những giáo viên vùng sâu, vùng cao bằng nhiều hình thức khác nhau. Có như thế sự nghiệp trồng người mới xuôi chèo mát mái, đời sống văn hóa, giáo dục của người dân vùng sâu, vùng xa mới ngày một nâng cao.

NGUYỄN THANH VŨ

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ban-doc/quan-tam-toi-giao-vien-vung-kho-20161116173326519.htm