Quan tâm người lao động yếu thế

Lao động yếu thế thông thường được hiểu là những lao động có hạn chế, yếu thế trong thị trường lao động, tức là những người gặp khó khăn trong tìm được việc làm, hoặc có được việc làm nhưng thu nhập thấp hơn người làm công việc tương tự, hoặc dễ bị mất việc khi có sự sắp xếp lại bộ máy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đó là các nhóm lao động: lao động di cư, lao động nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là người khuyết tật. Nhìn rộng hơn, lao động yếu thế còn nằm ở những nhóm lao động có trình độ học vấn thấp, lao động lớn tuổi, lao động từng bị sa thải…

Nếu cộng cả 2 nhóm lao động này thì tỷ lệ lao động yếu thế phải lên đến hơn 40%. Đây là con số không nhỏ và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, năng suất lao động, hiệu quả của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Trong các nhóm lao động yếu thế, có những đặc điểm yếu thế do yếu tố khách quan, chẳng hạn nhóm lao động người dân tộc thiểu số, nhóm người khuyết tật, còn ở những nhóm khác thì tính chất yếu thế sẽ giảm đi nhiều nếu có sự can thiệp phù hợp. Do đó, cần có sự nhìn nhận đúng mực về tính yếu thế của các nhóm lao động để có biện pháp can thiệp hợp lý.

Chẳng hạn, với lao động di cư, để giảm tính yếu thế thì biện pháp quan trọng nhất là giảm sự di cư, mà cần thiết tạo việc làm ngay tại nơi người lao động có sự quen thuộc. Tức là các địa phương phải thống kê đầy đủ từng loại lao động trên địa bàn và từ đó có giải pháp sử dụng lao động một cách hợp lý nhất, gắn với phát triển các loại hình kinh tế phù hợp. Hay việc quan tâm đào tạo nghề cũng chính là cách giảm bớt số lao động yếu thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề lao động yếu thế, dù trực tiếp hay gián tiếp. Hiện nay, pháp luật đã quy định khá rõ ràng về các trường hợp không được sa thải người lao động, như người đang trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng, nghỉ việc có phép, đang bị tạm giữ, tạm giam, lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi...

Đó là những cách bảo vệ người lao động, trong đó có người lao động yếu thế. Tuy nhiên, với các nhóm lao động yếu thế khác như người lao động lớn tuổi, người lao động nghèo…, thì việc bảo vệ gần như không có. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, trong đó cần có những quy định bắt buộc tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, cần có quan tâm nhiều hơn, chứ không phải chỉ hỗ trợ được đến đâu hay đến đó.

TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức, TPHCM)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quan-tam-nguoi-lao-dong-yeu-the-459875.html