Quan sát được hiện tượng hiếm thấy về hố đen

Website báo Independent (Anh Quốc) ngày 17/8 đưa tin Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - NASA phát hiện một hiện tượng hiếm thấy về hố đen.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học quan sát thấy khi hố đen quay, nó có thể kéo theo không gian và thời gian xung quanh chúng; khám phá này có khả năng dẫn đến những hiểu biết mới về Thuyết Tương đối của Einstein.

Kính thiên văn Nuclear Spectroscopic Telescope Array (NuSTAR) của NASA đã ghi lại hiện tượng trên. Khi đó, một nguồn dày đặc tia X, được gọi là quầng sáng, chuyển động tới hố đen và bị hút vào trong hố, khiến cho tia X trở nên mờ nhạt không rõ và bị kéo dài ra. Hiện tượng này rất hiếm thấy, trước đây cũng chưa từng được ai nghiên cứu kỹ như vậy.

Ánh sáng phát ra từ quầng sáng đã chiếu sáng hố đen được các nhà khoa học nghiên cứu. NASA mô tả dường như có một bó đuốc được thắp sáng tại nơi họ đang quan sát.
Hố đen nói ở đây được gọi là Markarian 335, cách Trái Đất 324 triệu năm ánh sáng, có khối lượng vào khoảng 10 triệu Mặt Trời nhưng thể tích lại chỉ to gấp 30 lần Mặt Trời. Loại hố đen quay này đã kéo theo không gian và thời gian xung quanh nó. Việc nghiên cứu hiện tượng mờ nhạt đó sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về các quầng sáng hố đen, thứ cho tới nay vẫn còn là bí ẩn.

Ngoài ra, vận tốc hạt của quầng sáng có thể giúp chứng minh một số hiệu ứng được trình bày trong Thuyết Tương đối của Einstein. Fiona Harrison, nhà nghiên cứu phụ trách kính thiên văn NuSTAR (tại Viện Công nghệ California) nói: “Hiện tượng xưa nay chưa từng thấy mà NuSTAR quan sát được có thể giúp chúng tôi tiến hành nghiên cứu hiệu ứng ánh sáng bị bẻ cong – phần cực đoan nhất trong Thuyết Tương đối tổng quát.”

Theo website phys.org/news (Anh Quốc), trong vũ trụ có rất nhiều hố đen, không thể nào đếm được tất cả. Riêng hệ Ngân hà có thể có 100 triệu vật thể làm mê hoặc lòng người này. Hầu như tất cả mọi hố đen đều có thể quy vào một trong hai hoại: lớn và siêu lớn. Các nhà thiên văn tin rằng các hố đen có khối lượng bằng 10 đến 100 khối lượng Mặt Trời là những vật còn lại của các ngôi sao đang chết, những hố đen khối lượng cực lớn bằng hơn 1 triệu lần Mặt Trời thì nằm ở chính giữa phần lớn các hệ sao.

Trong vũ trụ cũng rải rác có một số hố đen bí ẩn hơn, có khối lượng vào loại vừa, bằng từ vài trăm cho tới vài trăm nghìn lần khối lượng Mặt Trời, do khó quan trắc được nên mọi người còn tranh cãi về sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên mới đây, một nhóm nhà thiên văn ở ĐH Maryland (Mỹ) đã tiến hành trắc lượng chính xác được hố đen M82X-1 ở cách Trái Đất 12 triệu năm ánh sáng, có khối lượng bằng 400 lần Mặt Trời, qua đó chứng thực sự tồn tại của nó. Bản online tuần san Nature (Anh Quốc) ngày 17/8 công bố kết quả nghiên cứu này của Dheeraj Pasham, nghiên cứu sinh thiên văn học ĐH Maryland, và hai cộng sự.

Một trong các tác giả bản báo cáo là Richard Mushotzky nói: “Khó gặp nhất là loại hố đen có khối lượng trong phạm vi như vậy. Bao lâu nay các nhà thiên văn luôn thắc mắc những vật thể đó có tồn tại hay không? Chúng có các đặc tính gì? Trước đây người ta chưa thể thu được các số liệu để trả lời câu hỏi đó.” Ông cho biết hố đen được nhóm của mình nghiên cứu là hố đen đầu tiên thuộc loại khối lượng trung bình có được kết quả đo lường chính xác, qua đó “trở thành thí dụ khiến mọi người tin cậy về loại hố đen này”.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Nguồn:

http://www.independent.co.uk/incoming/nasa-gets-a-rare-glimpse-of-a-black-hole-9674026.html

http://phys.org/news/2014-08-fascinating-rhythm-pulses-illuminate-rare.html

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=2&News=7830&tabid=111