Quán quân truyền hình thực tế: Phải chăng nghèo là lợi thế?

Ya Suy, Phạm Quốc Huy, Trần Hữu Kiên... đã đăng quang trong các cuộc thi khác nhau trên truyền hình. Nhưng vì không được đào tạo cơ bản, thiếu định hướng lẫn kinh phí, những quán quân này đã nhanh chóng chìm vào quên lãng. Và điều tương tự, cũng là nỗi lo đang treo lơ lửng với Hồ Văn Cường - cậu bé vừa đăng quang quán quân Vietnam Idol Kids 2016.

Gia cảnh nghèo là... lợi thế?

Vài năm trở lại đây, các cuộc thi hát, game show ca nhạc diễn ra trên sóng truyền hình khá nhiều như Giọng hát Việt, Vietnam Idol, Ngôi nhà âm nhạc, Thần tượng Bolero, Vietnam’s Got Talent… Mỗi năm, có cả chục quán quân được xướng tên. Có thực tế, những gương mặt trẻ, được khán giả ưu ái thường là những gương mặt có xuất thân từ nông thôn, gia cảnh khó khăn nên nhận được rất nhiều sự bình chọn từ khán giả, như trường hợp của chàng trai dân tộc Chu Ru: Ya Suy, quán quân Vietnam Idol 2012.

Với giọng ca truyền cảm, mộc mạc cũng như sự chân thật của anh, Ya Suy đã mang đến cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam một làn gió mới khi là thí sinh người dân tộc thiểu số đầu tiên đăng quang ngôi vị quán quân.

Không được “đánh bóng” tên tuổi, Ya Suy nhanh chóng chìm vào quên lãng sau khi đăng quang. Ảnh: I.T

Ngô Trung Quang - quán quân Thần tượng Bolero 2016 cũng là trường hợp tương tự. Trong suốt cuộc thi, Quang cũng nhận được sự yêu mến của khán giả khi sở hữu giọng ca vô cùng ngọt ngào, phù hợp với sự da diết, trữ tình của dòng nhạc quê hương. Hay như Phạm Quốc Huy với giọng nam cao, khỏe đã giành hai điểm 10 với ca khúc “Mẹ” trong đêm chung kết Ngôi nhà âm nhạc 2012. Có thể kể thêm Trần Hữu Kiên mặc dù là tay ngang tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2013, nhưng bằng chất giọng cao vút, đã vượt qua 3 đối thủ là Cao Hà Đức Anh, Nguyễn Kiều Anh và nhóm Hoa mẫu đơn để giành ngôi quán quân Vietnam’s Got Talent 2013.

Có thể nói, trong các cuộc thi truyền hình thực tế, những thí sinh giành được nhiều cảm tình của khán giả bao giờ cũng đi kèm với 1 lý lịch có nét chung: Con nhà nghèo, mồ côi, vượt khó... Nhạc sĩ Phương Uyên- cố vấn âm nhạc của Thần tượng âm nhạc nhí cho biết: “Ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là lối sống của người dân Việt Nam bao đời nay, trong các cuộc thi truyền hình thực tế lại càng rõ nét”.

Mặc dù nhận được nhiều phiếu bầu của khán giả, nhưng sau khi bước ra từ cuộc thi, hầu như tất cả các gương mặt này đều không thật sự nổi bật. Thậm chí, nhiều tên tuổi còn chìm nghỉm ngay khi vừa kết thúc đêm chung kết.

Đăng quang xong là “lặn”?

Tuy nhiên, một điều đáng buồn là mặc dù nhận được nhiều phiếu bầu của khán giả, nhưng sau khi bước ra từ cuộc thi, hầu như tất cả các gương mặt này đều không thật sự nổi bật. Thậm chí, nhiều tên tuổi còn chìm nghỉm ngay khi vừa kết thúc đêm chung kết.

Với Ya Suy, khán giả dường như chỉ biết đến tên anh trên báo bởi những thị phi về chuyện con rơi. Hoặc nếu có biết đến sản phẩm âm nhạc, thì là album duy nhất mang tên “Về với lúa”, nhưng không mấy người chú ý. Với Ngô Trung Quang - quán quân Thần tượng Bolero mùa đầu tiên cũng tương tự. Kể từ lúc đăng quang, chàng trai 18 tuổi không thấy xuất hiện nhiều tại các sự kiện ca nhạc. Bản thân Ngô Trung Quang cũng cảm thấy khó khăn trong việc giữ được tên tuổi trong lòng khán giả. Hiện tại, Trung Quang đã chuyển vào TP.HCM để tiếp tục con đường âm nhạc.

Luật sư Trần Hữu Kiên – quán quân Vietnam’s Got Talent cũng chung số phận với các quán quân khác. Đến giờ, có lẽ Kiên đang làm nghề chính của mình, dẹp lại mọi ước mơ đi hát. Ngay cả với những ca sĩ có tiềm năng về giọng hát, được đào tạo chuyên nghiệp như Phạm Quốc Huy – quán quân Ngôi nhà Âm nhạc 2012, con đường âm nhạc vẫn rất ghập ghềnh, gian nan. Sau vài tháng giành ngôi vị quán quân, Phạm Quốc Huy ra mắt single/MV “Rồi em cũng ra đi”, song không thu hút được nhiều sự chú ý của người yêu nhạc. Điều này khiến Huy chán nản và đến nay chưa thấy ra thêm bất cứ sản phẩm âm nhạc nào khác.

Để trở thành quán quân của bất kỳ cuộc thi nào cũng là mơ ước, khát khao của thí sinh khi tham gia cuộc thi. Thế nhưng, với những ca sĩ trẻ, để trở thành ca sĩ nổi tiếng, được công chúng biết đến dường như quá khó đối với họ. Bởi đa phần các ca sĩ này có xuất thân từ nông thôn, có gia cảnh nghèo khó, không có mối quan hệ, không có tiền để đầu tư các sản phẩm âm nhạc. Hết cuộc thi, ban tổ chức cũng hoàn toàn không có trách nhiệm để đào tạo cho họ tiếp tục phát triển, hầu như bỏ lửng, để lại bắt đầu một cuộc kiếm tìm thí sinh mới cho mùa thi mới. Vậy là quán quân bơ vơ, lạc lối, mờ mịt đường đi cho sự nghiệp... Bởi vậy, ngôi vị quán quân cuộc thi truyền hình thực tế xét cho cùng cũng chỉ là “mua vui chỉ được một vài trống canh”.

Nhạc sĩ Thụy Kha: Muốn thành công phải có kiến thức

Tôi không nhớ hết tên cuộc thi chứ đừng nói nhớ người dự thi qua từng năm. Vì vậy, để khán giả nhớ đến tên quả không dễ. Hơn nữa, các cuộc thi hát là những sân chơi, để ở đó mọi người được thỏa sức thể hiện bản thân, chứ đâu phải để đào tạo ra thêm ca sĩ cho showbiz... Tuy nhiên, các ca sĩ khi bước ra từ cuộc thi cũng phải chuẩn bị cho mình phông nền kiến thức về âm nhạc, cách sống, cách nhìn nhận, đặc biệt là với những ca sĩ xuất tay ngang, xuất thân từ nông thôn.

Ca sĩ Tùng Dương: Cần nỗ lực tự thân vận động

Với một ca sĩ bước ra từ cuộc thi, có rất nhiều lý do để níu giữ tên tuổi của mình trong lòng công chúng. Từ cố gắng nỗ lực bản thân, từ trau dồi kiến thức âm nhạc, nhân sinh quan đến phong cách, quan điểm sống. Cách nhìn nhận khả năng của mình đến đâu để chọn con đường âm nhạc của mình… đến cảm xúc, một ca sĩ vừa phải có tài nhưng cũng có tâm thì mới chạm tới trái tim khán giả.

Huy Hoàng (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/quan-quan-truyen-hinh-thuc-te-phai-chang-ngheo-la-loi-the-695199.html