Quan ngại vụ Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ

Giới quan sát cho rằng vụ Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn tự hành của hải quân Mỹ ở Biển Đông đã được lên kế hoạch từ trước.

Tàu khảo sát USNS Bowditch của hải quân Mỹ

Lầu Năm Góc hôm qua 17.12 cáo buộc Trung Quốc thu giữ trái phép một thiết bị lặn tự hành (UUV) của hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, theo AFP. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis nói rõ UUV bị một tàu cứu hộ thuộc hải quân Trung Quốc lấy đi tại khu vực cách vịnh Subic của Philippines khoảng 90 km về phía tây bắc vào tối 15.12, trong lúc tàu khảo sát đại dương USNS Bowditch chuẩn bị thu hồi thiết bị này.

“UUV đang thực hiện cuộc khảo sát hợp pháp ở Biển Đông”, một quan chức Mỹ khẳng định với Reuters và cho hay thiết bị này nằm trong chương trình thu thập dữ liệu đại dương, bao gồm độ mặn, nhiệt độ và độ trong của nước. Khi đó, USNS Bowditch cố liên lạc với tàu Trung Quốc qua sóng vô tuyến để yêu cầu trả lại. Tàu Trung Quốc đã nhận tín hiệu nhưng không phản hồi, theo ông Davis.

Dù chiếc tàu sử dụng công nghệ khá phổ biến và có giá chỉ khoảng 150.000 USD nhưng Lầu Năm Góc xem hành động của phía Trung Quốc là nghiêm trọng vì đó là tài sản của quân đội Mỹ. “Chúng tôi muốn lấy lại và không muốn xảy ra những vụ tương tự”, phát ngôn viên Davis nhấn mạnh. Sau đó, một phát ngôn viên khác của Bộ Quốc phòng Mỹ là Peter Cook khẳng định Trung Quốc đã hành xử phi pháp, đồng thời yêu cầu nước này “thực hiện tất cả nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế”.

Ngày 17.12, AFP dẫn lời thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh: “Vụ việc phù hợp với cách hành xử ngày càng gây bất ổn của Trung Quốc, trong đó có quân sự hóa Biển Đông. Chuyện này sẽ tiếp tục cho đến khi nào gặp phải phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt”.

Đến tối cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc quyết định trả thiết bị lặn cho phía Mỹ theo cách thích hợp và hai bên đã liên lạc về vấn đề này”, theo Reuters. Hoàn Cầu thời báo thì dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc nói nước này tin rằng vụ việc “sẽ được giải quyết êm đẹp”.

Trong khi đó, chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) nhận định với AFP rằng Trung Quốc rất có thể đã lên kế hoạch trước nhằm phản ứng các tuyên bố và động thái gần đây của giới chức Mỹ, đặc biệt là Tổng thống đắc cử Donald Trump, về vấn đề an ninh và chiến lược khu vực. Hơn nữa, vụ việc xảy ra ở vùng biển quốc tế nên càng làm gia tăng quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự và hành xử bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông. “Về mặt pháp lý, Trung Quốc sẽ rất khó biện luận cho hành động của mình”, chuyên gia Mira Rapp-Hooper tại Trung tâm an ninh Mỹ mới nói.

Malaysia phản ứng về vũ khí phi pháp ở Biển Đông

Báo Free Malaysia Today dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein cho biết sẽ sớm đề nghị người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn giải thích về thông tin nước này lắp đặt hệ thống vũ khí quy mô tại 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Theo ông, nếu thông tin này chính xác thì hành động của Trung Quốc sẽ gây thêm quan ngại và đe dọa an ninh, ổn định cũng như an ninh ở Biển Đông.

Hôm 16.12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng khẳng định “VN hết sức quan ngại về thông tin này” và “Chúng tôi phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền VN, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Văn Khoa

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/quan-ngai-vu-trung-quoc-thu-giu-thiet-bi-lan-cua-my-775143.html