Quản lý sữa: Thi nhau cãi lý!

Trong khi các bộ tranh cãi về trách nhiệm quản lý giá và chất lượng các sản phẩm sữa thì quyền lợi người tiêu dùng bị bỏ ngỏ

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang tranh cãi nhau về việc sửa đổi Nghị định 177/2013/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá) giao bộ nào quản lý giá sữa. Trong khi đó, kiến nghị sửa đổi Luật Quảng cáo với quy định cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi thay vì 24 tháng tuổi cũng đang gặp nhiều ý kiến phản đối.

Bộ nào quản cũng như nhau

Với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177 mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị đưa việc quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương. Trước đó, tại tờ trình về việc giao nhiệm vụ quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ gửi Chính phủ ngày 10-9-2015, Bộ Tài chính cũng kiến nghị giao ngành công thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá và các luật khác.

Quá nhiều sản phẩm sữa trên thị trường nên người tiêu dùng quan tâm liệu giá sữa có được kiểm soát hay không Ảnh: Tấn thạnh

Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là bởi nguồn thông tin của bộ này về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới để phục vụ công tác quản lý còn rất hạn chế. Bộ Tài chính đã nhiều lần phải đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan tham tán tại các quốc gia cung cấp thông tin để làm cơ sở quản lý giá sữa. Ngoài ra, đối với vấn đề kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, cơ quan quản lý giá, Bộ Tài chính không đủ lực lượng và thẩm quyền.

Tuy nhiên, lần đề xuất nào của Bộ Tài chính cũng vướng sự “phản đối” từ phía Bộ Công Thương. Lý lẽ được Bộ Công Thương viện dẫn để “từ chối” quản giá sữa là theo quy định tại Luật Giá, Bộ Tài chính mới là cơ quan chủ trì kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, trong đó có sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng với căn cứ pháp luật như thế thì việc dự thảo nghị định đề nghị giao cho Bộ Công Thương quản lý giá là trái luật.

Điều đáng nói là trong khi 2 cơ quan quản lý tranh cãi nhau thì vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm lại là liệu giá sữa có được kiểm soát để tránh tăng vô tội vạ và chất lượng có được bảo đảm hay không.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chỉ ra việc quản lý giá sữa là vấn đề nhạy cảm, luôn hứng búa rìu dư luận nên cơ quan nào cũng đùn đẩy, trốn tránh. Dù vậy, cần cân nhắc đưa chức năng quản lý giá về cơ quan chuyên ngành là Bộ Công Thương bởi cơ quan này quản lý nguồn cung, thị trường, lưu thông hàng hóa, cạnh tranh…

“Dù về cơ quan nào thì việc quản lý giá vẫn phải làm theo luật đã quy định. Hành lang pháp lý, cơ sở quản lý đã có, cơ quan nào làm thì cũng phải tuân thủ quy định chung, không có gì khác biệt. Người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu các bộ quản lý về cơ bản vẫn điều hành giá theo luật pháp hiện hành” - ông Long đánh giá.

Cấm quảng cáo sữa: Có cần thiết?

Đề xuất giảm giới hạn cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi như hiện hành xuống dưới 12 tháng tuổi cũng đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các tổ chức thế giới, bởi “không phù hợp với các cam kết mà Việt Nam khẳng định với quốc tế; hơn nữa, rất bất lợi cho sức khỏe trẻ em”.

Việc Chính phủ đề xuất giảm giới hạn cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ xuất phát từ kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi rà soát các điều kiện kinh doanh bất hợp lý.

VCCI cho rằng cần phải xóa bỏ hoàn toàn ngay quy định cấm này. Kiến nghị của VCCI được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận nhưng không nhất trí xóa bỏ quy định hoàn toàn mà đề nghị sửa theo hướng chỉ cấm quảng cáo sữa với loại dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi thay vì 24 tháng tuổi.

Xung quanh vấn đề này, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng mấu chốt không phải là cấm hay không cấm quảng cáo mặt hàng sữa mà cần phải kiểm soát thông tin về sản phẩm đến tay người tiêu dùng có đầy đủ và đúng sự thật hay không.

Theo ông Tuấn, một trong những quyền của người tiêu dùng được ghi nhận trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Ông Tuấn cho rằng nhà nước không nên đặt vấn đề là người tiêu dùng thiếu kiến thức, từ đó phải cấm các luồng thông tin đến với người tiêu dùng để bảo vệ họ. Việc hạn chế thông tin sẽ gây ra những thiệt hại nhiều hơn đối với người tiêu dùng.

“Chúng tôi hoàn toàn tán thành chính sách khuyến khích việc nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm cho các bà mẹ khả năng tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung an toàn và tốt nhất” - ông Tuấn nhìn nhận.

Nhu cầu không hề giảm dù cấm quảng cáo

Giới chuyên gia về sức khỏe cho rằng trong thực tế, dù cấm hay không cấm quảng cáo thì nhu cầu của các bà mẹ sử dụng sữa công thức cho trẻ nhỏ vẫn không hề giảm. Bởi vậy, nếu không tạo điều kiện cho các bà mẹ tiếp cận thông tin thì có thể dẫn đến tình trạng họ tự tìm hiểu trên mạng xã hội hoặc các kênh không chính thống. Khi đó, việc tiếp nhận thông tin sẽ khó chính xác, gây nhiều rủi ro.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đơn vị soạn thảo Luật Quảng cáo, khi bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dẫn chứng thực tiễn ở Việt Nam có đến 80% trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi phải sử dụng sản phẩm dinh dưỡng bổ sung do phần lớn các bà mẹ chỉ được nghỉ 6 tháng thai sản, phải đi làm sau khi sinh con.

Phương Nhung - Tô Hà

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/quan-ly-sua-thi-nhau-cai-ly-20161007225207596.htm