Quản lý, sử dụng kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp đúng mục đích

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y, hiện nay, phần lớn bà con sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để trị bệnh là theo kinh nghiệm mà không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị "Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững". Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận nhất là làm sao để người nông dân sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp đúng mục đích, đúng hướng dẫn nhằm hướng tới nền nông nghiệp sạch.

Theo ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, hiện nay, phần lớn bà con sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để trị bệnh là theo kinh nghiệm mà không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Đây là vấn đề khó khăn lớn trong việc quản lý và sử dụng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, việc quản lý xuất nhập khẩu thuốc kháng sinh hiện cũng còn nhiều bất cập.

Để khắc phục tình trạng này, ông Thành cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có lộ trình đến hết năm 2017 sẽ cấm không được sử dụng 15 loại kháng sinh trong chăn nuôi để kích thích tăng trưởng. Như vậy, sắp tới người chăn nuôi phải sử dụng kháng sinh để trị bệnh chứ không phải để kích thích tăng trưởng như lâu nay.

Mới đây, Cục Thú y và Cục quản lý dược (Bộ Y tế) đã ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường quản lý việc nhập khẩu, sản xuất lưu thông thuốc kháng sinh trong nhân y và thú y.

Bên cạnh đó, trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi thì việc cố tình sử dụng thuốc kháng sinh cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự. Hay việc sử dụng nguyên liệu kháng sinh thì hành vi này cũng bị xử phạt nặng hơn; đồng thời công khai tên các cá nhân, doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Thành cũng nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền cho người sử dụng kháng sinh phải đúng mục đích, đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm đảm bảo nền nông nghiệp sạch.

Ông Lê Anh Ngọc - Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đề xuất cần khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả; vận động, hướng dẫn người nuôi không sử dụng chất cấm/kháng sinh nguyên liệu, không lạm dụng chất xử lý cải tạo môi trường, sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách).

Bên cạnh đó, giám sát tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư hóa chất kháng sinh; theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán chất cấm, kháng sinh nguyên liệu và thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường không nằm trong danh mục được phép lưu hành.

Trong năm 2016, Cục Thú y đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3 đến 12 tháng đối với 6 công ty có hành vi bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng, sai mục đích./.

>>> Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi gặp khó

>>> Có nên "siết" hàng rào kỹ thuật đối với thịt nhập khẩu?

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/quan-ly-su-dung-khang-sinh-trong-san-xuat-nong-nghiep-dung-muc-dich/33002.html