Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước

KTĐT - Thời gian gần đây, những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể như tình trạng khô hạn vụ Xuân 2010 ở miền Bắc, Tây Nguyên và hiện tượng xâm mặn ở ĐBSCL hiện nay. Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước còn nhiều điểm bất hợp lý. Do vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước. 70% lưu lượng nước sông Việt Nam từngoài chảy vào Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết: Trước đây, nhiều người vẫn quan niệm rằng nước ta thừa nước tuy nhiên theo báo cáo tổng quan ngành nước vừa công bố cho thấy vào mùa khô chúng ta thiếu nước trầm trọng, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó nguồn nước ở các hệ thống sông quốc tế ngày càng suy giảm do các quốc gia ở thượng nguồn tăng cường khai thác. Điều đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhận định hiện nay vấn đề sử dụng nước đang trở nên “nóng”. Vì hơn 70 % lưu lượng nước của Việt Nam thuộc các sông từ nước ngoài chảy vào, phụ thuộc vào các quốc gia ở thượng nguồn. Vào mùa khô, tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước và cạnh tranh trong sử dụng nước diễn ra ngày càng phổ biến với mức độ ngày càng trầm trọng. Trong tương lai Việt Nam có thể sẽ trở thành một quốc gia thiếu nước, đe dọa đến an ninh nguồn nước, năng lượng và an ninh lương thực. Vì nếu theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng lên 1m thì khoảng 40 % vùng đất ven biển ĐBSCL bị mất đi. Đồng nghĩa với việc vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của cả nước bị thu hẹp. Hiện tại nhiều địa phương phía Bắc gặp khó khăn về nước tưới vụ cho lúa vụ Xuân trong khi đó ở ĐBSCL đang bước vào thời kỳ cao điểm mùa khô và xâm mặn với gần 1,5 triệu ha đất bị chi phối bởi ngập mặn. Chúng ta cũng có hơn 7000 hồ chứa nhưng nhiều hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho sản xuất. Trong khi đó công tác quản lý nguồn nước vẫn còn rất yếu kém. Cần quản lý chặt và sử dụng hiệu quả nguồn nước Trước tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa soạn thảo Dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước. Trong đó có nhiều vấn đề đề cập đến việc quản lý, sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước một cách tổng hợp, bền vững và hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước từ các sông quốc tế chảy vào nước ta. Mục tiêu cụ thể là bảo đảm thông tin, số liệu về tài nguyên nước, phấn đấu đến năm 2020 tiết kiệm được từ 8 – 10 % tổng mức sử dụng nước so với dự báo hiện nay. Đồng thời chủ động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ô nhiễm, hạn hán thiếu nước trong mùa khô trên 13 lưu vực sông ưu tiên (lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Đồng Nai, Cửu Long thuộc nhóm ưu tiên cao nhất). Trong vòng 10 năm (2010 – 2020), 100% các lưu vực sông thuộc nhóm 1 và 50% các lưu vực sông thuộc nhóm 2 và 3 được hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phân bổ tài nguyên nước; 100% hồ chứa thủy điện vừa và lớn có quy trình vận hành đảm bảo điều tiết nguồn nước cho hạ du. Đồng thời xây dựng được mô hình quản lý sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tổn thất nước và tái sử dụng nước để áp dụng vào thực tế 10 công trình thủy lợi. Trong Dự thảo này, Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp. Bộ sẽ biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình thành công ở trong và ngoài nước về quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, giảm tổn thất trong hoạt động tưới; xây dựng 10 mô hình mẫu về quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong hệ thống thủy lợi. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu khai thác, sử dụng nước trong nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt nông thôn và nuôi trồng thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học đánh giá cao tính cấp thiết của Dự thảo nhằm thắt chặt công tác quản lý nguồn nước, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Đào Xuân Học thì cũng rất cần quan tâm đến công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra. Vì hiện nay trên 90 % thiên tai ở Việt Nam liên quan đến nước. Thắng Văn

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=44&newsid=215426