Quản lý quỹ phát triển khoa học & công nghệ của doanh nghiệp nói gì ?

(Tamnhin.net) - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; ngày 09 tháng 02 năm 2011 Bộ Tài chính đã ban hành tiếp Thông tư số 15/2011/TT-BTC hướng dẫn về thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, có hiệu lực từ 24/4/2011.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (dưới đây xin gọi tắt là Quỹ) thuộc sở hữu doanh nghiệp, hình thành chủ yếu từ các nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, các khoản tài trợ tự nguyện của các rổ chức, cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp, trong và ngoài nước và phục vụ cho mục tiêu, yêu cầu phát triển của mỗi doanh nghiệp. Quỹ được thành lập để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Quỹ là một bộ phận, không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp, do người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp (bao gồm: Chủ tịch hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc tổng giám đốc, giám đốc đối với doanh nghiệp không có hội đồng quản trị của doanh nghiệp) quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy tổ chức, chỉ đạo và điều hành các hoạt động để phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ, Doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ cho Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở và cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước hoặc cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên. Vì vậy, cần chú ý những điểm nhấn sau đây trong quản lý Quỹ: Thứ nhất, nên nới rộng mức trích quỹ để tăng nhanh nguồn lực tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Do đa số các doanh nghiệp Việt Nam là loại vừa và nhỏ, doanh thu thấp, nên mức trích Quỹ nên nâng lên tối đa không quá 15% thu nhập tính thuế trong kỳ thay cho mức 10% như quy định của Thông tư 15/2011/BTC ngày 9/2/2011 nêu trên và có thể nâng lên tùy theo tính chất ngành, các khó khăn và mục tiêu hoạt động cần khuyến khích của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc nâng mức trần này còn là liệu pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn chung kinh tế trong nước và quốc tế, cũng như do mức thuế chung còn khá cao hiện nay ở Việt Nam. Đối với các DN được tổ chức theo mô hình công ty Mẹ-Con thì đối với các Công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên còn có thêm phần điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Tổng Công ty, Công ty mẹ. Ngược lại, đối với Tổng công ty hoặc các Công ty mẹ thì Quỹ phát triển khoa học và công nghệ có thể được bổ sung thêm nguồn điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các Công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên. Việc điều chuyển và tỷ lệ điều chuyển nguồn giữa các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Tổng Công ty, Công ty mẹ với các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các Công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên và ngược lại do chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp quyết định theo phân công của Hội đồng quản trị của Tổng Công ty, Công ty mẹ. Mức độ (số tiền) được điều chuyển được quyết định trên cơ sở tỷ lệ trích Quỹ theo quy định, nhu cầu đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp thành viên và nhu cầu, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của toàn hệ thống. Thứ hai, cần mềm dẻo các nội dung, mức và quy trình hỗ trợ tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (bao gồm cả của công ty thành viên, công ty con trong trường hợp là Quỹ của Tổng công ty, Công ty mẹ). Cùng với sự phát triển của KH&CN, yêu cầu cạnh tranh và mở rộng hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp sẽ ngày càng đa dạng và mở rộng. Đối tượng chi từ Quỹ là rộng, bao phủ hầu hết các khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể theo Thông tư trên bao gồm: a) Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, máy móc trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển). b) Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thông tin khoa học và công nghệ, các tài liệu, sản phẩm có liên quan để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ. c) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. d) Chi phí cho đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ. đ) Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. e) Chi phí cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao kết quả và kinh nghiệm KH&CN qua biên giới, nên cần mở rộng đối tượng chi của Quỹ cả cho các hoạt động đầu tư khoa học và công nghệ của doanh nghiệp với các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu ngoài lãnh thổ Việt Nam, chẳng hạn, để đào tạo lao động ở nước ngoài phục vụ chuyển giao công nghệ, thiết bị; Sẽ là không hợp lý khi doanh nghiệp không được phép cấp kinh phí từ Quỹ cho các hoạt động tham quan và tập huấn kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chuyển giao KH&CN ở nước ngoài (nhất là trường hợp doanh nghiệp có mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ nước ngoài), trong khi ngay cả các đề tài KH&CN từ nguồn NSNN cũng không bị những hạn chế này. Đặc biệt, nên loại bỏ các quy định kiểu can thiệp quan liêu vào quy trình quản lý Quỹ. Doanh nghiệp cần được toàn quyền chủ động và linh hoạt cấp kinh phí cho mọi đề tài, dự án nghiên cứu và hoạt động khoa học &công nghệ nào mà mình thấy cần thiết và không thuộc phạm vi hoạt động bị cấm bởi pháp luật có liên quan, hoàn toàn không cần phải thông qua bất kỳ một sự cho phép nào của cơ quan quản lý nhà nước. Đề tài, dự án khoa học và công nghệ, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của doanh nghiệp cũng không cần phải được cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học có thẩm quyền xác nhận hoặc phê duyệt, mà chỉ cần doanh nghiệp làm đủ thủ tục đăng ký và báo cáo theo mẫu quy định, cũng như có đủ chứng từ tự ghi về thủ tục xét duyệt, nghiệm thu, có thể có hay không có hội đồng đánh giá đầu vào, hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả đầu ra. Cần nhấn mạnh rằng không nên tư duy quản lý Quỹ kiểu áp đặt máy móc và mô phỏng như quản lý nhà nước đối với chi NSNN cho KH&CN kiểu cũ, vì như TP.Hà Nội và HCM thì cả sở KH&CN và sở Tài chính cũng không thể có đủ nhân lực, thời gian và trình độ, kinh phí cho việc xác nhận, thông qua thủ tục các hoạt động KH&CN của hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên địa bàn được; Hơn nữa,sẽ càng khó nếu hoạt động đó diễn ra trên nhiều địa bàn. Đặc biệt, trong khi Thông tư 15/2011/TT-BTC đã có quy định đúng và thoáng là đối với các khoản chi mua tài sản cố định phục vụ hoạt động KH&CN, doanh nghiệp ghi giảm Quỹ tương ứng và không phải trích khấu hao, chỉ mà theo dõi hao mòn tài sản cố định. Ngoài ra, nên mềm hóa quy định về thu hồi phần thuế thu nhập doanh nghiệp từ các khoản tiền trích lập Quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó; Cụ thể, chỉ nên thu hồi thuế thu nhập hoặc buộc xuất toán những khoản chi cảu Quỹ nào không sử dụng đúng mục đích thôi, còn dùng không hết sau 5 năm vẫn được kết dư như một khoản tiết kiệm, tích lũy dài hạn của doanh nghiệp. Điều này là cần thiết để tránh việc doanh nghiệp buộc phải biến báo làm giả chứng từ , hoặc cố chi hết cho những mục tiêu chưa cần thiết, trong khi thiếu vốn tích lũy chi cho những hoạt động KH&CN dài hạn, đòi hỏi vốn lớn trong bối cảnh thu nhập cảu doanh nghiệp có hạn, và chi cho KH&CN ngày càng đắt đỏ, tốn kém và nhiều rủi ro hơn. Thứ ba, cần khuyến khích mở rộng phối hợp hoạt động giữa các loại Quỹ KH&CN của doanh nghiệp, quốc gia và địa phương. Sự cần thiết phải tăng cường phối hợp hoạt động giữa các loại quỹ này là do sự hạn chế của mỗi loại quỹ cả về quy mô nguồn vốn (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ); tính chất và phạm vi hoạt động …; đồng thời, còn do tính đa dạng và gắn kết, bổ sung và thống nhất về mục tiêu chung với nhau trong các hoạt động KH&CN, dù cấp quốc gia hay địa phương và doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các quỹ cần được mở rộng và thông qua nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, như: - Cùng tài trợ và chia sẻ lợi ích cho một hoạt động KH&CN của doanh nghiệp, địa phương hay ngành; - Tài trợ để tiếp tục đưa kết quả nghiên cứu từ nguồn quỹ quốc gia hay địa phương vào thử nghiệm và thực tiến sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp; - Tài trợ để thực hiên các đăng ký bản quyền, thương mại hóa và quốc tế hóa, cũng như bảo hộ trong tranh chấp các kết quả nghiên cứu KH&CN của doanh nghiệp. Thứ tư, phòng tránh các lạm dụng trong hoạt động của Quỹ Mỗi doanh nghiệp cần quy định trong Điều lệ hoặc Quy chế quản lý tài chính doanh nghiệp các nội dung và quy trình kế toán quản trị, kế toán tài chính về quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Để phòng tránh các hiện tượng lạm dụng Quỹ cho các mục tiêu trốn thuế có thể xẩy ra, các khoản chi từ Quỹ phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp không được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế nếu như các khoản chi này đã được tài trợ từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Hàng năm doanh nghiệp phải lập Báo cáo trích, sử dụng Quỹ và kê khai mức trích lập, số tiền trích lập, tổng hợp vào tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu quy định và được nộp cùng tờ khai quyết toán thuế TNDN. Việc giám sát của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước đối với việc quản lý sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp không nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách. Ngược lại, thông qua công tác giám sát của cơ quan quản lý mà thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến hoạt động nghiên cứu và phát triển. Thứ năm, tạo môi trường và phối hợp đồng bộ các giải pháp khác hỗ trợ phát triển KH&CN Bên cạnh đó, từ thực tiễn thế giới và trong nước cho thấy, để tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động khoa học nói chung, hoạt động của các loại Quỹ KH&CN nói riêng, Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý chung định hướng và kích thích các hoạt động khoa học công nghệ ở các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, các trường đại học theo yêu cầu và nguyên tắc thị trường; thúc đẩy và duy trì cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát độc quyền, xóa bỏ những bao cấp, đặc quyền, đặc lợi cho các doanh nghiệp nhằm tạo sức ép đổi mới công nghệ lên các doanh nghiệp; Sửa đổi, bổ sung các quy định về chuyển giao công nghệ; Sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định về thị trường khoa học và công nghệ, cũng như thực hiện tốt các quy định về sở hữu trí tuệ phát triển thị trường khoa học –công nghệ và các dịch vụ có liên quan đến chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học-công nghệ, trong đó có dịch vụ tư vấn và thẩm định khoa học-công nghệ; phát triển các thể chế dịch vụ chuyên môn về thị trường khoa học công nghệ như công ty dịch vụ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu thị trường… tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ, trong đó có hỗ trợ phát triển nguồn lao động có kỹ năng; khuyến khích sự gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học trong hoạt động khoa học công nghệ; sử dụng các công cụ thuế, tín dụng cho doanh nghiệp áp dụng và đầu tư công nghệ mới; thúc đẩy chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức KH & CN, các viện nghiên cứu hoạt động theo cơ chế thị trường; cần áp dụng hài hòa các nguyên tắc cạnh tranh, đấu thầu thị trường và chỉ định thầu, cũng như tạo thuận lợi tối đa cho mọi thành phần tham gia thầu và đảm nhận các hoạt động khoa học công nghệ, phù hợp với thực tiến địa phương, đặc điểm của loại hình hoạt động khoa học công nghệ và năng lực thực khoa học thực sự của cá nhân và đơn vị nhận thầu. Thực tế còn cho thấy, để thành công trong đổi mới và phát triển công nghệ, các doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu thị trường để định hướng các hoạt động đổi mới công nghệ phù hợp với yêu cầu thị trường, xây dựng chiến lược đổi mới công nghệ bao gồm chiến lược đầu tư cho R & D, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới trong doanh nghiệp. Đối với việc tiếp cận công nghệ ngoại nhập, doanh nghiệp phải chú trọng đến khâu hấp thụ hiệu quả công nghệ, cải tiến và thích hợp công nghệ phù hợp với nguồn lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa nghiên cứu khoa học ở các trường và viện nghiên cứu với ứng dụng, triển khai công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời quan tâm đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực KH & CN trong doanh nghiệp. Thực hiện chế độ Quỹ khoa học công nghệ là xu thế phát triển chung của thế giới và là một quyết sách chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam, thúc đẩy cải cách thể chế khoa học công nghệ theo chiều sâu và thúc đẩy nguồn vốn khoa học kỹ thuật phân bổ tối ưu nhất. Chế độ Quỹ sẽ thúc đẩy cơ chế cạnh tranh và hợp tác bình đẳng, vừa tạo áp lực vừa tạo động lực khuyến khích sáng tạo, khắc phục những tồn tại trong phương thức cấp phát hành chính, thực hiện phân bổ tối ưu các yếu tố sản xuất mang tính trí tuệ, không ngừng thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thể chế khoa học công nghệ phù hợp với nền kinh tế thị trường, cũng như phù hợp với quy luật phát triển khoa học công nghệ; đồng thời đặt nền móng, tạo ra kết quả và bồi dưỡng nhân tài KH&CN trong cả phạm vi doanh nghiệp và quốc gia. PV

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/thuongmaidientu/12624/quan-ly-quy-phat-trien-khoa-hoc--cong-nghe-cua-doanh-nghiep-noi-gi-.html