Quản lý ngành than theo thị trường hay kế hoạch hóa?

Nhập khẩu thì thoải mái với thuế nhập khẩu bằng 0%; nhưng lại không cho xuất khẩu, làm cho than vùng Vàng Danh, Uông Bí (chất bốc thấp, lưu huỳnh cao hơn than Hòn Gai) tồn kho cao ngất ngưởng. Ngành than đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi công tác quản lý còn nhiều điều chưa hợp lý. Đây là chia sẻ của ông Đoàn Kiển, cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Một số người hỏi tôi: Tại sao kế hoạch của Bộ Công thương dự tính năm nay 2016 chỉ nhập khẩu 3 triệu tấn than mà thực tế 9 tháng đầu năm than nước ngoài đã vào VN hơn 10 triệu tấn? Mới đây Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm "Nhập khẩu than và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia". Trong buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan liên quan đã đưa ra các số liệu thống kê như: Theo Tổng cục Hải quan, đến 15/9/2016, tổng lượng than nhập khẩu là 10,1 triệu tấn, với kim ngạch 629,5 triệu USD (bình quân 62,95 USD/tấn). Nguồn gốc nhập khẩu từ các nước Úc, Nga, Indonesia và Trung Quốc. Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết: 8 tháng đã nhập khẩu 9,7 triệu tấn than, cao hơn dự toán quy hoạch 3 lần; 3 triệu tấn quy hoạch chưa tính đến việc nhập khẩu của các nhà máy điện BOT, các nhà máy đã nhập than trước đây...

Ông Đoàn Kiển, cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Từ hơn 10 năm trước, Bộ Công thương đã tính đến việc nhập khẩu than vì nhu cầu trong nước, nhất là cho các nhà máy nhiệt điện đốt than sẽ tăng cao sau năm 2015, trong khi ngành than Việt Nam dù có cố cũng không đáp ứng được. Theo quy hoạch phát triển điện và quy hoạch phát triển than đã được duyệt thì sau năm 2020, nhập khẩu than tăng cao và vượt cả sản lượng than sản xuất trong nước. Người ta đã tính đến nhập khẩu cả trên 100 triệu tấn than vào giai đoạn trước hoặc sau năm 2030. Các cơ quan quản lý Nhà nước tính rằng: Lấy tổng số nhu cầu sử dụng than hàng năm trừ đi sản lượng trong nước sản xuất được sẽ ra số cần nhập khẩu, thiếu thì phải nhập và không được phép xuất khẩu than nữa.

Nhìn vào thị trường than 9-10 tháng đầu năm nay 2016 sẽ thấy một số vấn đề. Một là, số lượng than nhập khẩu và số tồn kho than sản xuất trong nước gần như ngang nhau. Hai là, giả sử chỉ nhập khẩu ít thôi (cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng than khác đã từng nhập khẩu từ đầu) thì không phải chi ra hơn nửa tỷ đô la Mỹ để “rước” than nước ngoài về nước ta làm cho ngành than trong nước đã khó khăn lại càng thêm điêu đứng. Việc làm và đời sống thợ mỏ bị đe dọa bất ổn. Và như vậy, than trong nước không tồn kho vượt định mức. Đấy là "giả sử", chứ thực tế không phải như vậy. Có cách nào giải quyết vấn đề ?

Giải quyết vấn đề thế nào?

Nhiều năm trước Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nhiều lần nêu ý kiến và đề nghị. Theo tôi được biết thì hiện nay TKV vẫn giữ mấy nhận xét và kiến nghị.

Thứ nhất, khai thác than trong nước tại Vùng mỏ Đông Bắc ngày càng khó hơn trước với chi phí cao hơn trước do mỏ xuống sâu hơn, bóc đất đá nhiều hơn, đào lò sâu hơn, chi phí sản xuất, chi phí bảo đảm an toàn lao động, an toàn môi trường cao hơn.... Còn ở Vùng đồng bằng sông Hồng thì phải thử nghiệm khai thác theo cả công nghệ truyền thống lẫn công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất tại địa điểm thuận lợi trước, chứ ban đầu mà làm thử ở ngoài bãi biển thì chắc không thành.Thử nghiệm sẽ cho kết quả: Có khai thác được than ở đồng bằng sông Hồng hay không? Và nếu được thì có thể được bao nhiêu? (xét dưới các yếu tố công nghệ, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực...). Chi phí sản xuất than tăng lên là yếu tố khách quan, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, về phía chủ quan thì phải áp dụng mọi giải pháp có thể kiểm soát chi phí sao cho đúng các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật - kinh tế.

Thứ hai, có thể nhập khẩu được than nhưng khó lòng nhập khẩu với khối lượng lớn như dự báo trong quy hoạch. Hơn nữa, sẽ khó có nhà sản xuất nước ngoài nào dám cam kết bán than dài hạn cho cả đời hoạt động của nhà máy điện hay nhà máy xi măng ở Việt Nam ngoại trừ trường hợp người Việt Nam đầu tư khai thác mỏ than ở nước ngoài rồi xuất khẩu than về nước như các công ty Nhật Bản đã làm. Theo tôi biết thì vừa qua chưa có công ty điện lực nào của VN ký được hợp đồng nhập khẩu than dài hạn; đó là minh chứng cho nhận định của TKV. Hiện đang có trên 50 công ty Việt Nam tham gia nhập khẩu than trong 10 tháng qua. Hầu hết là “ăn xổi”, kiếm được thì làm vì pháp luật không cấm, thuế nhập khẩu lại bằng 0%!

Thứ ba, nếu coi than là 1 trong 3 trụ cột an ninh năng lượng quốc gia thì Nhà nước cần ban bố và thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất than trong nước. Xét về mặt trữ lượng và tài nguyên than thì nước ta không phải là nghèo, không phải không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Có chính sách đúng khuyến khích thì dù khó vẫn phát triển được ngành than, trước hết ở vùng Đông Bắc, sau đó ở đồng bằng sông Hồng (sau thử nghiệm). Phát triển ngành than là dành thế chủ động bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ít lệ thuộc vào nước ngoài.

Thứ tư, chính sách đã được TKV đề xuất là :

- Giao tài nguyên than cho Công ty mẹ TKV (nay là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc) để chủ động thăm dò, khai thác và bảo vệ như Chính phủ đã thực hiện trước đây tại quyết định 481 của Bộ công nghiệp nặng năm 1995;

- Đánh thuế hợp lý, không cao hơn các nước sản xuất than trong khu vực;

- Nếu giao kế hoạch sản xuất thì cần có cơ chế được luật hóa cho bên sản xuất than và bên sử dụng than ký kết và thực hiện hợp đồng dài hạn theo giá cả do cơ quan Nhà nước kiểm soát, trên cơ sở các chỉ tiêu công nghệ, các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật - kinh tế;

- Nếu không làm như trên thì cho thực hiện theo cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán; có nhập khẩu và có xuất khẩu trên nguyên tắc hiệu quả. Nhà sản xuất than không phải chịu trách nhiệm với nhà sử dụng than và với Nhà nước, ngoài phạm vi hợp đồng mua bán dài hạn hay ngắn hạn. Được như vậy, nhà sản xuất sẽ chủ động đầu tư phát triển sản xuất, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và các hợp đồng đã và sẽ giao kết.

Thứ năm, dù cơ chế nào thì khi xử lý chính sách đối với ngành than cũng cần lưu ý một thực tế đã và đang hiện hữu: Ngành sản xuất than không chỉ là kinh tế mà nó có vai trò và ý nghĩa chính trị lớn, không chỉ tại vùng Mỏ Quảng Ninh. Đối xử với ngành than tức là đối xử với giai cấp công nhân Mỏ giầu truyền thống cách mạng. Tôi viết ra điều này không phải để đề cao hay để cảnh báo, mà thực tế nó thế; chả thế mà 48 năm trước Bác Hồ đã dạy: "Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc..." (15/11/1968). Cộng đồng thợ mỏ đông đến cả chục vạn người sống và làm việc tập trung ở 3 thành phố: Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, thị xã Đông Triều, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và huyện Sơn Động (Bắc Giang). Thợ mỏ và gia đình thợ mỏ chiếm gần một nửa dân số tỉnh Quảng Ninh. Ngành than phát triển, Quảng Ninh ổn định, đi lên; ngành than sa sút thì an sinh xã hội Quảng Ninh bất ổn.

Khai thác than là một nghề rất vất vả nguy hiểm của người thợ lò.

Đáng tiếc, những vấn đề nêu trên chưa hoặc không được giải quyết. Ngược lại, sự quản lý hiện tại càng làm khó cho ngành than. Cụ thể, thuế đã tăng từ ngày 01/7/2016 vượt cao hơn hẳn các nước trong khu vực 7 đến 10% ( theo Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên phát biểu tại Tọa đàm ở Cổng thông tin điện tử Chính phủ). Chỉ cần giảm đi 7% thôi thì chắc là không có đến hơn 10 triệu tấn than nhập khẩu và không tồn kho đến 12 triệu tấn như vừa rồi. Và đặc biệt, thợ mỏ không đến nỗi vất vả, lận đận vì thiếu việc làm.

Điều hành thì thị trường không ra thị trường, kế hoạch hóa tập trung không ra kế hoạch hóa tập trung. Nhập khẩu thì thoải mái với thuế nhập khẩu bằng 0%; nhưng lại không cho xuất khẩu, làm cho than vùng Vàng Danh, Uông Bí (chất bốc thấp, lưu huỳnh cao hơn than Hòn Gai) tồn kho cao ngất ngưởng. Nếu cho TKV chủ động xuất khẩu thì tình hình không đến nỗi bi đát như vừa rồi! Cách điều hành nói trên đã chuyển việc làm của thợ mỏ ngành than Việt Nam, GDP của Việt Nam sang cho thợ mỏ các nước xuất khẩu than vào Việt Nam và tăng GDP cho họ, thật đáng tiếc !

Cuối cùng xin nói đến các nhà sản xuất than: Dù cơ chế gì thì cũng phải chủ động và "quyết liệt" cắt giảm chi phí sản xuất, nâng sức cạnh tranh lên. Vẫn biết TKV, Tổng Công ty Đông Bắc và các công ty than đang hành động với nhiều giải pháp khác nhau để giảm giá thành; nhưng cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời cũng nên xem xét giảm giá đi mà bán để giảm bớt tồn kho, giảm bớt dư nợ vay ngân hàng. Giảm giá thì TKV, Đông Bắc thiệt, nhưng các nhà sử dụng than được lợi, nền kinh tế được lợi và cũng nên coi đó là một sự đóng góp của ngành than. Về lâu dài, dù cho thuế có giảm bằng các nước trong khu vực mà chi phí sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở các chỉ tiêu công nghệ, định mức kỹ thuật - kinh tế tiên tiến thì khó lòng cạnh tranh được. Muốn nói gì thì nói, giá than bán trong nước tại cùng một địa điểm không được cao hơn than nhập khẩu, chỉ nên tiệm cận với giá nhập khẩu thôi. Đó chính là nguyên tắc hành động của sản xuất than trong nước!

Giá than trên thị trường thế giới đang có tín hiệu gia tăng, có lẽ thời gian tới sẽ bớt khó khăn tý chút. Mong rằng những nhà quản lý và thợ mỏ cùng cố gắng vượt qua giai đoạn phức tạp, khó khăn này!

Đoàn Kiển - Cựu Chủ tịch TKV (Văn Nguyễn ghi)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/quan-ly-nganh-than-theo-thi-truong-hay-ke-hoach-hoa.html