Quản lý hồ ở Hà Nội: Chồng chéo, khó quy trách nhiệm

Sau các vụ cá chết xảy ra ở hồ Hoàng Cầu, hồ Tây, đến lượt cá hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chịu chung sự cố. Trước đó, người dân quanh khu vực hồ Văn Quán (Hà Đông) cũng phải sống trong bầu không khí ô nhiễm bốc lên từ mặt hồ do hiện tượng tảo chết. Các hồ có địa giới hành chính rõ ràng, nhưng việc quản lý hiện còn chồng chéo, dẫn đến khó xử lý khi có sự cố.

Tình trạng ô nhiễm tại hồ Văn Quán (Hà Đông) chưa được xử lý kịp thời do hồ chưa được HUD bàn giao cho cơ quan chức năng.

Tình trạng ô nhiễm tại hồ Văn Quán (Hà Đông) chưa được xử lý kịp thời do hồ chưa được HUD bàn giao cho cơ quan chức năng.

Cơ quan quản lý chưa tiếp quản hồ

Tối 26/10, người dân tại khu vực hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) phát hiện hàng loạt cá chết trôi dạt vào ven bờ đoạn phía tây hồ Linh Đàm. Chị Phương Liên, người dân tại khu BT4 Linh Đàm cho biết, sống ở đây gần chục năm nhưng lần đầu thấy cá chết nhiều như vậy. “Nhà tôi phải đóng hết các cửa sổ để ngăn không cho mùi hôi xộc vào nhà”, chị Liên chia sẻ.

Ở hồ Văn Quán (quận Hà Đông), tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra thời gian qua. Trưa 27/10, cả hồ nước đều có màu xanh rêu. Phía khu biệt thự BT1, mặt hồ xuất hiệu nhiều tảo, nổi váng dày đặc, kèm theo rác khiến cho khu vực này nồng nặc xú khí. Ông Phạm Văn Quân, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Văn Quán thông tin: Đến thời điểm này mùi hôi đã giảm đi nhiều so với những ngày trước. Tuy nhiên, hồ không có đối lưu nước, trong khi hàng ngày nước hồ vẫn bị các hộ kinh doanh xả thải thì nước hồ sẽ ngày càng ô nhiễm hơn.

Theo đại diện Ban Quản lý (BQL) bảo trì khu đô thị Văn Quán, Tổng Công ty đầu tư và phát triển đô thị (HUD), do nhiều người dân không ý thức, vứt rác xuống mặt hồ, cùng mực nước trong hồ thấp vì nắng nóng… khiến cho hồ bốc mùi hôi thối. “BQL đã đề nghị phường Văn Quán phối hợp xử lý những hộ kinh doanh xả rác ra hồ”, vị này cho hay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, hai hồ Linh Đàm và Văn Quán đều thuộc sự quản lý của HUD, cho đến nay Chi cục Môi trường chưa được chủ đầu tư bàn giao công trình nên đơn vị không thể tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ để cảnh báo các sự cố môi trường.

Thay đổi cách quản lý để cứu hồ Hà Nội

Được biết, giai đoạn 2009 - 2012, thành phố Hà Nội giao Sở TN&MT tiến hành chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn. Sở TN&MT đã tiến hành thử nghiệm xử lý được 12 hồ. Sở này cũng bàn giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước các hồ: Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Kim Liên, Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2B, Đền Lừ, Trúc Bạch. Đối với hồ Văn Quán đã được bàn giao cho HUD. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều hồ đã ở trong tình trạng ô nhiễm cần cải tạo nhưng chưa được phê duyệt.

Theo thống kê, tại các quận nội thành hiện có hơn 30 hồ lớn, nhỏ. Tuy nhiên, Sở TN&MT chỉ chịu trách nhiệm quản lý một số hồ lớn. Một số hồ có diện tích nhỏ được bàn giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý như hồ Ngọc Khánh, Hoàng Cầu, Giảng Võ. Một số hồ điều hòa do chủ đầu tư khu đô thị quản lý như hồ Linh Đàm, Văn Quán. Có một số hồ lại thuộc công ty thoát nước quản lý… Việc chưa có một cơ quan chức năng độc lập đảm nhận trách nhiệm quản lý các hồ tại khu vực nội thành đang khiến cho việc giám sát, kiểm tra định kỳ, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, xử lý khi xảy ra sự cố môi trường hồ gặp nhiều khó khăn.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) hồ Hà Nội cho biết, những vụ cá chết, ô nhiễm hồ liên tiếp trong thời gian gần đây cho thấy hồ Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, có những hồ đã bị “bức tử” hoàn toàn như hồ Linh Quang, Văn Chương… Ông Tiến cho biết, CLB đã đề nghị Sở TN&MT Hà Nội triển khai các dự án để truy tìm các nguồn thải, đưa nước thải vào các khu xử lý nước tập trung, đảm bảo chất lượng nước.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường & Cộng đồng cho biết, các hồ Hà Nội hiện nay phần lớn đều bị ô nhiễm các mức độ khác nhau. Chính công tác quản lý hồ còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước hồ liên tục xuống cấp. Một hồ được quản lý bởi quá nhiều cơ quan chức năng, bà Lý nêu ví dụ, một số hồ điều hòa do Cty Thoát nước quản lý chất lượng nước, nhưng việc giám sát chất lượng nước lại do Sở TN&MT phụ trách, như vậy nếu hồ bị ô nhiễm nặng, người dân cũng không biết báo cho đơn vị nào.

Ngoài ra, theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, một điểm quan trọng là quy định cấm nuôi cá. Nhưng rất ít hồ ở Hà Nội thực hiện quy định này. Nuôi cá không thực sự mang lại hiệu quả kinh tế mà gây hậu quả lớn về ô nhiễm hồ. Bà Lý khuyến nghị thành phố cần lập riêng một cơ quan quản lý hồ Hà Nội độc lập, chịu trách nhiệm quản lý chung về từng hồ. Cơ quan này có trách nhiệm về khôi phục, cải thiện chất lượng hồ, bao gồm chất lượng nước và chất lượng xung quanh, đảm bảo từng bước khôi phục hồ về chức năng của mình.

Ngọc Cương - Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/quan-ly-ho-o-ha-noi-chong-cheo-kho-quy-trach-nhiem-1068405.tpo