Quản lý hiệu quả mại dâm và giảm thiểu tác hại của mại dâm ở Việt Nam

Ngày 22-9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ( LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand nhằm góp phần định hướng để đổi mới cách tiếp cận về vấn đề mại dâm, bảo đảm quyền công dân; hướng đến mục tiêu quản lý mại dâm hiệu quả ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, 8 tháng đầu năm 2016, tình hình mại dâm và tội phạm có liên quan đến mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện, gia tăng nhiều hình thức mại dâm mới.

Từ đầu năm đến nay đã có thêm 28.677 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được thống kê, nâng tổng số cơ sở loại hình này lên hơn 126 nghìn cơ sở, với gần 100 nghìn nữ nhân viên làm việc, có nguy cơ cao nếu không được quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên.

Hiện còn 711 tụ điểm địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu…

Quang cảnh buổi Hội thảo

Trước những yêu cầu mới đặt ra trong công tác phòng, chống mại dâm hiện nay, Bộ Bộ LĐ- TB&XH đang nghiên cứu, xây dựng dự án Luật phòng, chống mại dâm nhằm thể chế hóa quan điểm mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam, tuy nhiên việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm phải đảm bảo tôn trọng quyền con người, chú trọng giải pháp mang tính xã hội, nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra; tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống mại dâm.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại Hội thảo, định hướng nghiên cứu xây dựng chính sách pháp luật của chúng ta về vấn đề mại dâm hiện nay đang đặt ra một số vấn đề cần ưu tiên đó là: Tăng cường phòng ngừa, xây dựng khuôn khổ hợp lý để giảm thiểu tác hại của mại dâm.

Đồng thời xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội, y tế.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hiện nay, có nhiều cách thức mà các quốc gia lựa chọn để xử lý vấn đề này. Việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách luật pháp về mại dâm của Việt Nam kết hợp so sánh, đánh giá, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới để quản lý có hiệu quả vấn đề mại dâm là vấn đề quan trọng đang đặt ra đối với Việt Nam trong nghiên cứu xây dựng Luật phòng, chống mại dâm hiện nay.

Ông Nguyễn Trọng Đàm cũng cho biết, theo lộ trình, năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng báo cáo tổng quan đánh giá tác động của các chính sách pháp luật hiện hành về phòng, chống mại dâm; thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng dự án Luật; xây dựng đề cương sơ bộ dự án Luật.

Bà Artrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam phát biểu tại buổi Hội thảo.

Năm 2017, Bộ sẽ xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết sự án Luật; tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ quan báo chí về dự thảo chi tiết dự án Luật; trình Chính phủ dự án Luật Phòng, chống mại dâm. Đến 2018 sẽ trình Quốc hội phê chuẩn dự án Luật này.

Hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp chúng ta có cách tiếp cận mới về vấn đề mại dâm, làm thay đổi nhận thức, phương pháp truyền thông cũng như cách ứng xử về vấn đề mại dâm ở Việt Nam, để từ đó không để vấn đề mại dâm cản trở cho sự phát triển chung của đất nước, không để vấn đề mại dâm là mầm mống, nguyên nhân để làm lan truyền các dịch bệnh xã hội, đặc biệt là HIV –AIDS và xây dựng một xã hội bình đẳng, tất cả mọi người trong xã hội đều được bảo vệ pháp luật, đồng thời phòng chống hiệu quả tội phạm liên quan đến mại dâm ở nước ta.

Tâm Phạm

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quan-ly-hieu-qua-mai-dam-va-giam-thieu-tac-hai-cua-mai-dam-o-viet-nam-409295/