Quản lý hàng tạm nhập tái xuất: Nhìn từ biên giới Cao Bằng

Vài năm trở lại đây, tỉnh Cao Bằng nổi lên là một trong số địa phương biên giới phía Bắc có hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất khá nhộn nhịp (cùng với Quảng Ninh, Lạng Sơn). Công tác quản lý đối với loại hình có nhiều phức tạp này được các lực lượng chức năng tại đây thực hiện thế nào? Đầu tháng 10 này, phóng viên Báo Hải quan có mặt tại Cao Bằng để ghi nhận từ thực tế.

Sau khi đối chiếu thông tin chính xác, công chức Hải quan đồng ý cho doanh nghiệp cắt niêm phong để tái xuất hàng hóa. (Ảnh: T.Bình)

Xem Hải quan giám sát

Trong năm 2015, thông qua số thu lệ phí từ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, Cao Bằng đã bổ sung thêm vào ngân sách được 207,2 tỷ đồng và hết tháng 9 năm nay là 179 tỷ đồng (cao hơn số thu ngân sách của Cục Hải quan Cao Bằng trong 9 tháng đầu năm 2016-PV).

Tại Cao Bằng, việc quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất chủ yếu là thực hiện giám sát thực xuất đối với hàng hóa tạm nhập được mở tờ khai (tờ khai tạm nhập và tờ khai tái xuất) tại Hải quan Hải Phòng.

Chiều 4-10, chúng tôi có mặt tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng (Cục Hải quan Cao Bằng). Đây là địa điểm có hàng hóa tái xuất nhiều nhất ở Cao Bằng (qua cửa khẩu Tà Lùng và lối mở Nà Lạn). Khi chúng tôi có mặt, Đội Nghiệp vụ 1 (làm thủ tục tại cửa khẩu Tà Lùng) của Chi cục vừa tiếp nhận tờ khai tái xuất 5000572xxxxx của một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. Lô hàng (hàng thực phẩm đông lạnh) được mở tờ khai tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III. Sau khi tiếp nhận tờ khai, lãnh đạo Đội Nghiệp vụ 1 phân công thực hiện công tác giám sát hải quan theo quy định.

Cầm tờ khai do lãnh đạo phân công, một công chức Hải quan tiến hành đối chiếu số tờ khai trên tờ khai do DN xuất trình với số tờ khai đã được khai báo trên hệ thống của cơ quan Hải quan. Nhận thấy số tờ khai trùng khớp, công chức Hải quan cầm theo tờ khai và di chuyển ra địa điểm lô hàng đang được lưu giữ tại địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung của Công ty Phúc Anh (nằm trong địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu Tà Lùng).

Tại đây, với sự chứng kiến của đại diện doanh nghiệp, công chức Hải quan tiến hành kiểm tra số container, số niêm phong hải quan (số seal). Khi các thông số trên tờ khai và thực tế hàng hóa đồng nhất, công chức Hải quan cho phép doanh nghiệp được cắt niêm phong để tái xuất hàng hóa. Sau khi doanh nghiệp hồi báo đã tái xuất hết hàng hóa, công chức Hải quan kiểm tra thực tế lại container xem hàng hóa đã thực xuất hết chưa. Xem xét hàng hóa được tái xuất hết, công chức Hải quan tiến hành xác nhận trên hệ thống để Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III- nơi mở tờ khai tái xuất nắm bắt được lô hàng thuộc tờ khai 5000572xxxxx đã thực xuất hết theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng Lê Viết Phong cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, Hải quan Cao Bằng đã thực hiện quản lý, giám sát cho 17.747 tờ khai (thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất và kho ngoại quan), tăng gần 47% so với cùng kỳ 2015, với tổng giá trị kim ngạch đạt gần 848 triệu USD, tăng gần 30%. Các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, quả khô, ô tô… Công tác quản lý, giám sát hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất của đơn vị được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật, quy trình của Ngành, vừa tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, không để xảy ra các trường hợp vi phạm, nhất là thẩm lậu vào nội địa.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới

Là đơn vị được UBND tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng đánh giá, công tác quản lý đã được các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định.

Làm việc với chúng tôi, ông Lê Thành Chung- Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay trên địa bàn có 9 kho, bãi kiểm tra hàng hóa được Tổng cục Hải quan công nhận, tập trung ở các khu vực biên giới cửa khẩu, đã tạo thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và công tác quản lý của cơ quan chức năng. Các kho, bãi được Tổng cục Hải quan công nhận trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về diện tích, kho, bãi, hàng rào cứng, hệ thống camera giám sát và nhiều hạ tầng kỹ thuật đi kèm.

Chúng tôi nhận thấy với hệ thống kho, bãi hiện nay nên hàng tạm nhập tái xuất lên Cao Bằng đều lưu giữ trong các địa điểm theo quy định, không còn tình trạng hàng nằm chờ tái xuất dọc theo đường quốc lộ, tỉnh lộ gần các khu vực cửa khẩu như những năm trước đây

Đồng thời, với chức năng, nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh Cao Bằng cũng tiến hành thẩm định và cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan theo quy định của pháp luật. Hiện nay, UBND tỉnh Cao Bằng đã cấp phép cho 44 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động này.

Ông Lê Thành Chung cho biết thêm, để đảm bảo công tác quản lý, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành Quyết định về quy chế quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất; tạm xuất, tái nhập chuyển cửa khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Trong đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, đơn vị chức năng như Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng, Cục Hải quan Cao Bằng, Sở Công Thương, Bộ đội Biên phòng… Chính vì vậy, công tác quản lý được thực hiện thống nhất, tránh sự chồng chéo để không gây khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo yêu cầu quản lý. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan đang ngày càng có sự đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa bàn còn nhiều khó khăn như Cao Bằng.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng đánh giá, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan trên địa bàn, ngoài nỗ lực của các đơn vị chức năng ở Cao Bằng còn có sự hỗ trợ lớn từ các bộ, ngành Trung ương, nhất là Tổng cục Hải quan. Ngoài việc xem xét công nhận các kho, bãi kiểm tra hàng hóa tập trung để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan còn thường xuyên duy trì lực lượng, chủ yếu là lực lượng chống buôn lậu để kịp thời phối hợp với Cục Hải quan Cao Bằng kiểm tra, giám sát công tác quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất trên địa bàn.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quan-ly-hang-tam-nhap-tai-xuat-nhin-tu-bien-gioi-cao-bang.aspx