Quản lý hàng rong vỉa hè ở Hà Nội: Không được kiên trì thực thi?!

(PL&XH) - Mặc dù quy định về thực hiện cấm bán hàng rong tại 63 tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đã có hiệu lực thi hành từ hơn hai năm nay nhưng tình trạng hàng rong vỉa hè vẫn diễn ra công khai, tràn lan.

Theo ghi nhận của PV ngày 1-12 tại phố Phủ Doãn, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm rất nhiều hàng rong ngồi la liệt trên vỉa hè khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường, gây nên tình trạng lộn xộn về trật tự giao thông (TTGT) ở khu vực này. Ngay ở đầu phố Phủ Doãn, nút giao cắt giữa tuyến phố Triệu Quốc Đạt với phố Tràng Thi, những người bán hàng rong đứng la liệt, tràn lan trên vỉa hè, ngay cạnh tấm biển “Cấm để các loại xe, kinh doanh trên hè phố”. Thậm chí, tấm biển này còn bị những người bán hàng, những chiếc xe máy, xe đạp để bừa bãi che khuất. Các mặt hàng rong được bán rất đa dạng, từ hoa quả đến thức ăn đường phố như bún đậu, bún ốc, trứng vịt lộn... Người mua được phục vụ tại vỉa hè thì cũng xả rác ngay ở vỉa hè. Cộng thêm trải suốt hai bên vỉa hè của tuyến phố này là những hàng dài xe máy, xe đạp được nhận trông, giữ, chiếm hết chỗ của người đi bộ. Người đi bộ nếu muốn vượt qua “cửa ải” này thì chỉ còn cách vòng xuống lòng đường mới đi được. “Biết là đi dưới đường toàn ô tô, xe máy là không an toàn nhưng chẳng còn cách nào khác. Khắp dãy phố này người ta dựng xe máy, bán hàng rong, hàng ăn chật cứng. Muốn qua cũng không thể lách nổi mà đi”-bác Thoa, ở phố Tràng Thi cho biết. Mặc dù, giáp cổng phía bên ngoài Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có tấm biển: Không đỗ ô tô, xe máy, buôn bán lấn chiếm vỉa hè trước cổng bệnh viện”. Nhưng có lẽ tấm biển này đã hết “hiệu lực” thi hành và trở thành phản tác dụng đối với hàng rong vỉa hè và lộn xộn về TTGT!. Người bán hàng rong vẫn ngồi khắp vỉa hè mặc cho tấm biển cấm đứng im câm lặng. Thêm vào đó, các loại xe dừng, đỗ đón/trả khách, gửi xe, đưa bệnh nhân vào cấp cứu… khiến giao thông ách tắc, đình trệ. Phía đối diện cổng bệnh viện, những gánh hàng ăn, thức ăn đường phố ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè với nhộn nhịp thực khách ngồi ngổn ngang, lộn xộn. Chị Phương ở quận Đống Đa, TP Hà Nội bức xúc: “Hôm nay tôi đến đây thăm bà con bị ốm nằm viện, muốn qua cổng để gửi xe vào trong mà mất đến 15 phút vẫn chưa được. Đi tìm chỗ gửi xe thì chỗ nào cũng lắc đầu kêu hết chỗ, vòng qua vòng lại thì vướng ô tô ra, vào, xuôi, ngược. Lại còn người đi bộ cũng tràn xuống đường để đi khiến tôi không biết lách vào đâu nữa. Thật là mệt mỏi quá”. Bên cạnh đó, những người bán hàng rong “có điều kiện” hơn đã dùng xe máy, xe đạp chở hàng dọc tuyến phố để rao bán. Đối diện cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bán thịt bò nhanh tay cắt, xén và cân thịt cho khách. Những miếng thịt cân vội, mua vội ngay gần hàng thức ăn chín cảnh báo những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn cảnh phố Phủ Doãn là sự mất trật tự, lộn xộn và nhếch nhác! Ngày 9-1-2008 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 02/2008/QĐ-UB về việc quản lý hoạt động bán hàng rong, trong đó có khu vực cổng bệnh viện, trường học… Tuy nhiên, ở hầu hết ở các tuyến phố cấm, quy định chỉ là quy định, còn việc bán vẫn cứ tiếp diễn như chuyện thường ngày!. Phố Phủ Doãn có vai trò quan trọng, không chỉ đơn thuần có ý nghĩa nối liền giao thông mà còn là nơi có Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức-nơi chuyên tiếp nhận những bệnh nhân cấp cứu, trong tình trạng nguy kịch. Vì vậy, cần giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để trả lại giao thông thông suốt, đảm bảo cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Hơn nữa, đây là một tuyến phố gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long nên không thể kéo dài mãi tình trạng lộn xộn, nhếch nhác này. Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2010120309444521p1001c1017/quan-ly-hang-rong-via-he-o-ha-noi-khong-duoc-kien-tri-thuc-thi.htm