Quản lý du lịch mạo hiểm: Vẫn chờ quy chế

Những năm gần đây, hoạt động du lịch mạo hiểm (DLMH) tại Việt Nam phát triển khá mạnh, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, DLMH luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm, trong khi công tác quản lý nhà nước về hoạt động này còn lỏng lẻo... Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có quy chế “Tổ chức, quản lý và khai thác hoạt động kinh doanh DLMH” trong khi người trong cuộc vô cùng sốt ruột.

Nhiều du khách phớt lờ các điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia loại hình du lịch mạo hiểm

DLMH tại nước ta gồm: Dù lượn, đu dây, leo núi, thám hiểm hang động, vượt thác..., song trong Luật Du lịch Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa về loại hình du lịch này cũng như quy định, điều kiện cụ thể khai thác. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng cho rằng, hoạt động tổ chức và kinh doanh DLMH còn nhiều bất cập và tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn như: Tổ chức các chương trình DLMH mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm. Hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể đối với hoạt động quản lý, kinh doanh DLMH; chưa có quy định về kỹ thuật chuyên ngành để làm căn cứ thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật, độ an toàn của các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng cho hoạt động DLMH và chưa có cơ sở đào tạo, tổ chức nghề nghiệp đào tạo chuyên sâu đối với hoạt động DLMH...

Theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ở nước ngoài, khi muốn mua tour du lịch mạo hiểm, du khách phải chứng minh khả năng có thể thực hiện được tour đó. Còn ở Việt Nam, du khách cứ có tiền là mua được tour và tự chịu trách nhiệm về tính mạng của mình" - bà Nguyễn Thị Kim Khánh cho biết thêm.

Qua khảo sát các công ty lữ hành kinh doanh DLMH cho thấy, trang thiết bị của các công ty khá sơ sài, đôi khi chỉ là vài sợi dây chuyên dụng, mấy bộ đai an toàn... Khi bán tour cho khách, các công ty hứa sẽ bảo đảm an toàn nhưng khi tai nạn xảy ra thì đổ lỗi, do khách không tuân thủ hướng dẫn… Thực trạng nêu trên, không phải các cơ quan chức năng ở địa phương không biết, song do chưa có quy định về điều kiện để thực hiện tour DLMH, nên cơ quan không quản lý được hoạt động kinh doanh này.

Ngay sau khi xảy ra vụ 3 du khách nước ngoài tử nạn ở thác Datanla (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vào tháng 2-2016, các bộ, ban, ngành, địa phương đã lập tức vào cuộc. Tháng 9-2016, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị quản lý, kinh doanh loại hình DLMH về dự thảo quy chế “Tổ chức, quản lý và khai thác hoạt động kinh doanh DLMH”.

Điều đáng tiếc, quy chế “Tổ chức, quản lý và khai thác hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm” chưa được ban hành, thì ngày 23-2-2017 lại xảy ra một vụ tai nạn đáng tiếc tại thác Hang Cọp, TP Đà Lạt làm một du khách nước ngoài và một hướng dẫn viên người Việt Nam tử vong. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết, từ vụ tai nạn đáng tiếc tại thác Hang Cọp và những vụ việc đã xảy ra trước đây, Tổng cục tiếp tục đôn đốc và cảnh báo, khuyến cáo các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch, nhất là loại hình DLMH. Đồng thời, chỉ đạo các công ty lữ hành tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật, không đưa du khách đến những nơi nguy hiểm mà chưa được trang bị các điều kiện bảo đảm an toàn cho du khách. Tổng cục Du lịch cũng sẽ đề xuất, báo cáo, trình Bộ VH-TT&DL xem xét và ban hành Thông tư về quản lý du lịch mạo hiểm, trong đó có du lịch thác nước ngay trong quý II năm 2017.

Hy vọng rằng, với những động thái quyết liệt và khẩn trương hơn của cơ quan chức năng, DLMH sẽ sớm đi vào nền nếp, tránh được những tai nạn đáng tiếc.

Lâm Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/863519/van-cho-quy-che-