Quản lý đất bãi bồi: Nên giao đất ổn định

KTĐT - Theo yêu cầu của Bộ TN&MT, các tỉnh, thành phải gửi báo cáo về việc kiểm tra, rà soát quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển trước 29/3, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, nhiều địa phương cố tình "lờ" báo cáo, hoặc báo cáo sơ sài.

Các địa phương chưa hợp tác

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT), đến thời điểm này, còn hơn 20 tỉnh, thành chưa báo cáo về việc kiểm tra, rà soát quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển. Trong khi đó, những địa phương có báo cáo gửi về lại mang tính chiếu lệ, số liệu sơ sài hoặc chưa đủ nội dung thể thiện việc quản lý và sử dụng đất của địa phương.

Kết quả kiểm kê năm 2010 cho thấy, có hơn 744.000ha đất bãi bồi ven sông, ven biển. Trong đó, diện tích đất mặt nước ven biển là 54.000ha, đất dùng nuôi trồng thủy sản hơn 690.000ha. Tuy nhiên, do phương pháp xác định chưa khoa học, nên diện tích còn chưa chính xác.

Từ thực tiễn quản lý đất bãi bồi cho thấy, loại đất này thường xuyên biến động, phụ thuộc vào dòng chảy của các con sông, thủy triều liên xuống. Vì thế, việc phân ranh giới, cắm mốc gặp khó khăn khiến việc lấn chiếm, tranh chấp ranh giới hay xảy ra. Một số nơi, người dân tự ý chuyển đổi, chuyện nhượng loại đất này. Sai phạm đối với đất bãi bồi chủ yếu là sử dụng sai mục đích, như tập kết vật liệu xây dựng.

Có thể dùng ảnh vệ tinh

Đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai thừa nhận khó quản đất bãi bồi bởi các số liệu có được chỉ từ báo cáo của các địa phương. Tổng cục vẫn chưa có biện pháp gì để "thúc" các địa phương cố tình không báo cáo. Tuy nhiên, qua trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, qua công tác đo bản đồ địa chính, sẽ quản được đất bãi bồi ven sông, ven biển. Ngoài ra, để quản "chặt" đất bãi bồi, hàng năm có thể sử dụng ảnh vệ tinh. Bộ TN&MT đã đầu tư trạm thu ảnh vệ tinh hơn 20 triệu USD. Đây là kênh kiểm tra lại các số liệu, kiểm kê, thống kê đất đai phù hợp, các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất ở các địa phương, tham gia đánh giá hiện trạng quy hoạch sử dụng đất, lập quy hoạch sử dụng đất. "Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Tổng cục Quản lý Đất đai là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT lại không sử dụng, trong khi, nhiều đơn vị khác, như Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam vẫn sử dụng trạm thu ảnh vệ tinh của Bộ TN&MT để tham gia vào công tác quản lý đất đai" - GS Đặng Hùng Võ nói.

Về vấn đề sử dụng ảnh vệ tinh để quản lý đất bãi bồi, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai chia sẻ, Bộ TN&MT có trạm thu ảnh vệ tinh, nhưng các nước có vệ tinh đồng ý bán, mới có thể thu được. Nếu các nước đồng ý, họ sẽ cho biết ngày giờ nào được phép thu ảnh, thông báo các thông số vị trí vệ tinh, ngày giờ phát, khoảng cách từ vệ tinh đến trái đất. Trên cơ sở đó, mới đoán giải được ảnh vệ tinh. Việc thu ảnh vệ tinh không đơn giản, khi nào có các chuyên đề, có tiền mới có thể thu được.

Theo GS Đặng Hùng Võ, Bộ TN&MT nên đưa ra chính sách cởi mởhơn để tạo điều kiện cho bà con nông dân. Ai chưa có đất, thiếu đất thì ưu tiên, giao đất ổn định.

Qua báo cáo của các địa phương, ông Phạm Văn Vân, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Quản lý Đất đai cho hay, một số địa phương kiến nghị, cần tăng thời hạn giao, cho thuê đất bãi bồi vì thời hạn tối đa 20 năm (theo Luật Đất đai, việc cho thuê trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng không quá 20 năm) chưa phù hợp với quá trình đầu tư và khai thác để cho hiệu quả. Nên giao đất ổn định, thời gian giao đất dài hơn, tiện cho bà con đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quý II/2012 quy định và hướng dẫn cụ thể việc giao đất, cho thuê đất nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh đối với hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất nuôi trồng thủy sản...

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/335181/quan-ly-dat-bai-boi-nen-giao-dat-on-dinh.aspx