Quản lý chuyên sâu đối với loại hình gia công và SXXK

(HQ Online)- Góp ý cho dự thảo quy trình đánh giá loại hình gia công, nhập sản xuất xuất khẩu (NSXXK) do Cục Giám sát Quản lý- Tổng cục Hải quan xây dựng nhằm thay đổi cách thức quản lý đảm bảo chặt chẽ hơn đối với loại hình này, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng nên duy trì mô hình quản lý chuyên sâu đối với hai loại hình này, đồng thời siết chặt điều kiện quản lý để hạn chế DN nợ thuế, bổ trốn.

Nguyên liệu nhập theo loại hình SXXK qua Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Quản lý chuyên sâu

Tại khoản 2.1 Điểm 2 Mục III của dự thảo quy trình quy định về nơi làm thủ tục hải quan: “Do loại hình gia công, nhập sản xuất xuất khẩu thuộc diện được chuyển cửa khẩu, do vậy, dự kiến sửa đổi theo hướng doanh nghiệp thông báo hợp đồng gia công tại nơi có sơ sở sản xuất, theo đó tất cả các chi cục nơi có cơ sở sản xuất đều tiếp nhận, quản lý hợp đồng gia công, nhập sản xuất xuất khẩu”

Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, hiện nay đơn vị đang tổ chức quản lý 2 loại hình này chuyên sâu tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư và Chi cục Hải quan Quản lý hàng gia công, phù hợp với tính chất đặc thù của TP.HCM và đề nghị được duy trì mô hình như hiện nay.

Lý do Cục Hải quan TP.HCM đưa ra đó là, đơn vị quản lý các doanh nghiệp thực hiện gia công và NSXXK trên địa bàn TP.HCM lớn nhất cả nước, với khoảng trên 76.000 doanh nghiệp. Năm 2012, Cục Hải quan TP.HCM đã tiếp nhận gần 1.922 hợp đồng (chiếm gần 40% cả nước), với 183.966 tờ khai xuất gia công, 176.176 tờ khai nhập gia công, 91.491 tờ khai nhập SXXK, 157.887 tờ khai xuất SXXK.

Chính vì thế, việc quản lý theo mô hình chuyên sâu tại 2 chi cục như hiện nay đã giúp cho việc theo dõi doanh nghiệp và thanh khoản hợp đồng gia công và xuất khẩu thuận tiện, chặt chẽ. Đồng thời, tạo nên tính chuyên môn hóa cao, cán bộ công chức nắm vững về chế độ chính sách quản lý của 2 loại hình này.

Siết chặt để hạn chế DN bỏ trốn

Đối với tình trạng tồn đọng hợp đồng gia công, tờ khai NSXXK quá hạn chưa thanh khoản, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, có một số nguyên nhân khách quan như: chính sách của Nhà nước cho miễn thuế (đối với loại hình gia công) và ân hạn thuế thời gian dài (đối với loại hình SXXK) nên việc tồn đọng là không tránh khỏi; do suy giảm kinh tế toàn cầu nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng loạt các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Mặt khác, việc cấp phép hoạt động gia công, NSXXK khá thông thoáng, nhiều doanh nghiệp không có năng lực thực sự về cơ sở sản xuất về tài chính vẫn được cấp phép, các doanh nghiệp này sẵn sàng bỏ trốn để chiếm đoạt tiền thuế khi có điều kiện.

Trước thực tế trên, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị, cần bổ sung thêm tiêu chí doanh nghiệp không còn các hợp đồng gia công quá hạn chưa thanh khoản để xác định doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan. Bởi vì trên thực tế, một số doanh nghiệp lợi dụng vấn đề ưu đãi miễn thuế đối với hàng gia công không thực hiện nghĩa vụ thanh khoản. Đến khi cơ quan Hải quan kiểm tra, đôn đốc thanh khoản thì doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thanh khoản, nghĩa vụ thuế. Do đó, các doanh nghiệp này cần được đánh giá không thuộc diện chấp hành tốt pháp luật hải quan.

Về xử lý hợp đồng gia công, tờ khai NSXXK tồn đọng chưa thanh khoản, tại dự thảo quy trình quy định:“Đối với trường hợp bỏ trốn mất tích khó có khả năng thanh khoản thì giao cho cơ quan chức năng để truy tìm, xử lý theo quy định pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh doanh nghiệp bỏ trốn kết quả rất hạn chế, nên không thể giao hết toàn bộ việc này cho các cơ quan chức năng mà cần phải sự phối hợp giữa cơ quan Hải quan và các đơn vị chức năng trong việc truy tìm doanh nghiệp bỏ trốn.

Ngoài ra, để tránh nợ thuế ảo do việc ấn định thuế đối với doanh nghiệp không đến thanh khoản, đề nghị cho phép cơ quan Hải quan được sử dụng các chứng từ điện tử để thực hiện việc thanh khoản; doanh nghiệp phải khai đầy đủ các tiêu chí để đảm bảo việc thanh khoản bằng chứng từ điện tử.

Ngoài ra, cần quy định ràng buộc đối với doanh nghiệp thực hiện việc gia công lại phải có đầy đủ năng lực sản xuất, năng lực tài chính; cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra và thông báo những doanh nghiệp được phép gia công lại. Việc gia công lại nên thực hiện một phần không nên thực hiện toàn bộ như hiện nay dễ gây rủi ro về mặt quản lý cho cơ quan Hải quan./.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quan-ly-chuyen-sau-doi-voi-loai-hinh-gia-cong-va-sxxk.aspx