Quản lý chất thải rắn: Xây dựng cơ chế và chính sách riêng

Mặc dù đã có nhiều chính sách trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại như: Nghị định về quản lý chất thải rắn; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050... Tuy nhiên theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị ước tính khoảng 37 nghìn tấn/ngày và năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày, cao gấp 2 - 3 lần hiện nay.

Đô thị lớn ngập ngụa trong... rác Trên thực tế hiện phần lớn các đô thị của nước ta đang phải đối mặt với lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 21.500 tấn/ngày. Song điều đáng lo ngại là trong khi lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị gia tăng nhanh chóng nhưng hiện tại, công nghệ xử lý chủ yếu vẫn chỉ là chôn lấp và chế biến chất thải hữu cơ thành phân compost. Trong khi đó, có tới 85% số đô thị từ thị xã trở lên sử dụng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường. Chính vì những hạn chế đó mà lượng chất thải rắn thu gom chỉ mới đạt khoảng 70%. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc quản lý chất thải rắn không hợp lý là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí).Ví dụ các bãi rác không hợp vệ sinh đã làm nhiễm bẩn các nguồn: nước mặt, nước ngầm. Kết quả nghiên cứu khoa học đã cho thấy gần 22 căn bệnh của con người liên quan đến việc quản lý chất thải rắn không hợp lý. Theo quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025 của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 100% lượng chất thải rắn (CTR) y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý, trong đó 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Bộ Xây dựng đề xuất trước mắt, sẽ ưu tiên thực hiện dự án nâng cao năng lực quản lý và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, thời gian dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn, tổng kinh phí khoảng 122,1 tỉ đồng. Hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan Mặc dù chất thải rắn nguy hại chỉ chiếm 1% trong tổng lượng chất thải rắn, nhưng theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nếu không được quản lý tốt sẽ là mối hiểm họa lớn đối với sức khỏe người dân và môi trường. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo đánh giá của các chuyên gia ý thức của cộng đồng về lĩnh vực này chính là mấu chốt. Mặc dù Nhà nước đã có quy hoạch và nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư, tuy nhiên lĩnh vực đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn trong thực tế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do còn vướng mắc nhiều về cơ chế chính sách và hiệu quả kinh tế thấp. Mặt khác chỉ riêng vấn đề chất thải rắn mà có tới 3 Bộ (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Y tế cùng tham gia quản lý). Sự chồng chéo trong các văn bản pháp quy về lĩnh vực này cũng chính là nguyên nhân khiến việc quản lý chất thải rắn gặp khó khăn khi triển khai. Ông Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường - Tổng cục Môi trường cho biết: Việt Nam cần phải đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho quản lý chất thải rắn, đánh giá lại hiệu quả của quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn, chất thải rắn nguy hại (trong đó có chất thải y tế) cho các vùng tỉnh, vùng liên tỉnh, vùng đặc thù..., đảm bảo tất cả các đô thị và khu công nghiệp đều có quy hoạch bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc trung tâm xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh. Thực tế cho thấy về lâu dài hay trước mắt để công tác xử lý chất thải rắn đạt được hiệu quả như mong đợi thì phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn và đổi mới công nghệ xử lý. Về mặt pháp lý, cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tránh sự chồng chéo dẫn đến hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm khi sự việc phát sinh. Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=31065&menu=1479&style=1