Quản lý chặt, ngăn chặn điều chỉnh quy hoạch tràn lan

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ hai, ngày 21-11, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch và dự án Luật Cảnh vệ. Trong đó, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, Luật Quy hoạch sẽ trở thành công cụ để khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong quy hoạch thời gian qua; đặc biệt là quản lý chặt, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tràn lan.

Khắc phục tình trạng quy hoạch cho có

Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí cho rằng, việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết và không thể chậm trễ. Đánh giá cao dự thảo luật, tuy nhiên ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thiết kế các quy định nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch cho có, quy hoạch nhưng không dùng, làm trái quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích, tư duy nhiệm kỳ, "tân quan, tân quy hoạch".

Bàn về phản biện trong việc lập quy hoạch, ĐB Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, mọi quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên đều phải có hội đồng thẩm định, cơ quan lập quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch trên cơ sở kết luận của hội đồng thẩm định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Cả cơ quan lập quy hoạch và cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định đều lấy ý kiến hoặc tham vấn ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau.

Ý kiến tham vấn, phản biện phải độc lập và tham vấn ý kiến của nhiều thành phần khác nhau, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quy hoạch. Liên quan đến vấn đề này, có ĐB đề nghị quy định, tất cả các quy hoạch của ngành, vùng, tỉnh phải thống nhất với quy hoạch của quốc phòng, an ninh, và khi xin ý kiến, phải có ý kiến bằng văn bản của các bộ chủ quản, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Thảo luận về hệ thống quy hoạch, ĐB Trần Thị Hằng (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị, cần xác định rõ trong dự thảo luật là hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể, cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó được quyền điều chỉnh quy hoạch.

Còn theo ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), cần thiết phải có quy hoạch vùng, nhưng trước khi có quy hoạch vùng thì phải có quy định về việc phân vùng, đồng thời phải quy định về việc thành lập các cơ quan quản lý vùng như ủy ban quản lý vùng hoặc hội đồng quản lý vùng.

Giải trình sau khi nghe ĐBQH góp ý, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến. “Luật Quy hoạch sẽ trở thành công cụ quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong một khuôn khổ đồng bộ và thống nhất nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc sắp xếp, cơ cấu lại các nguồn lực của kinh tế hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế” - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định.

Quy định cụ thể trường hợp được nổ súng

Quy định về trường hợp lực lượng cảnh vệ được nổ súng hoặc nổ súng tiêu diệt đối tượng và trưng dụng tài sản là những nội dung được trao đổi sôi nổi khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ.

Đề cập đến vấn đề sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ quy định tại Điều 23, dự thảo Luật Cảnh vệ, ĐB Nguyễn Văn Được (Đoàn Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại, không nên quy định dẫn chiếu vào luật khung mà nên quy định cụ thể từng trường hợp được nổ súng để tránh lạm dụng hoặc do dự trong khi thi hành nhiệm vụ của cảnh vệ. ĐB phân tích: Theo Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ.

Không ai được tước đoạt tính mạng trái pháp luật”. Do đó, đối tượng bị nổ súng tiêu diệt quy định tại Điểm C, Khoản 2, Điều 23 của dự thảo luật là chưa hoàn toàn phù hợp. Thực tế, đối tượng có hành vi tấn công đối tượng cảnh vệ hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ mà không nguy hiểm, không trong tình thế khẩn cấp, cấp bách, không bắt buộc phải nổ súng tiêu diệt mà còn cách khác để ngăn chặn.

Ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Được nhận được sự ủng hộ của nhiều ĐBQH phát biểu sau. Các ĐB cho rằng, cần đặt ra các mức độ tấn công cụ thể và việc áp dụng các biện pháp tương xứng, tránh để người thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật.

Các ĐBQH cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định rõ từng trường hợp được trưng dụng tài sản trong khi thi hành nhiệm vụ cảnh vệ. ĐB Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) đề nghị, nên quy định trường hợp nào là cấp bách được trưng dụng, từng đối tượng cụ thể được phép trưng dụng. Các ĐBQH cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét toàn diện dự thảo luật để quy định nhất quán, xác định đúng vai trò, vị trí, trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đối với công tác cảnh vệ.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) đề nghị rà soát lại các quy định để dự thảo luật có tính khả thi, không bị chồng chéo với các luật mới ban hành (như Luật Công an nhân dân, Luật Trưng thu, trưng mua tài sản) và sắp ban hành (như Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ)…

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu nghiêm túc các ý kiến ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh vệ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/855740/quan-ly-chat-ngan-chan-dieu-chinh-quy-hoach-tran-lan