Quản lý cao độ nền: Kiểm soát thực hiện mốc giới ngay từ thiết kế cơ sở

Sáng 19/9, Thứ trưởng Lê Quang Hùng chỉ đạo điều hành cuộc họp rà soát cao độ nền các khu vực đô thị trong TP Hà Nội, TP HCM và đề xuất hướng xử lý đối với những vướng mắc về cao độ nền, với sự tham gia của các Sở: Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc và các Viện nghiên cứu chuyên ngành cùng các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng. Không có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ảnh minh họa.

Chưa thống nhất quản lý

Tại cuộc họp, Cục Hạ tầng Kỹ thuật nêu các vấn đề cần rà soát, làm rõ về: Văn bản quy phạm pháp luật, việc thực hiện thẩm quyền trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương, tình hình lập quy hoạch và quản lý cao độ nền các khu vực đô thị tại địa phương cũng như các bất cập, tồn tại và nguyên nhân, đề xuất hướng xử lý đối với những vướng mắc về cao độ nền địa phương.

Theo Cục Hạ tầng Kỹ thuật, nguyên nhân khách quan của những bất cập về cao độ nền hiện nay là do cao độ nền đô thị được tính toán dựa trên lưới độ cao quốc gia và lưới tọa độ quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý trên toàn quốc.

Tuy nhiên, do điều kiện khách quan và quá trình lịch sử, các tư liệu trắc địa tại một số nơi vẫn tồn tại hai hệ tọa độ khác nhau NH-72 và VN-2000, dẫn đến không thống nhất quản lý.

Mặt khác, quá trình đô thị hóa, biến đổi điều kiện địa chất thủy văn đã làm chuyển dịch, thay đổi mốc lưới cao độ quốc gia và lưới tọa độ quốc gia, ảnh hưởng đến độ chính xác trong tính toán, xác định cao độ nền đô thị.

Cao độ nền được tính toán, dự báo trên cơ sở chuỗi số liệu tự nhiên (tần suất mực nước cao nhất 10-100 năm), ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng có nhiều bất thường, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang được cập nhật, hiện tượng mưa cực đoan thủy triều cao bất thường xảy ra không theo quy luật, cơ sở dự báo các quy luật tự nhiên còn rất hạn chế.

Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều cơn mưa với cường độ, lượng mưa lớn bất thường, nước biển dâng làm ảnh hưởng đến thoát nước đô thị.

Các đô thị lớn thường ở vùng có địa hình bằng phẳng, thấp trũng, bên sông, cửa sông chịu ảnh hưởng lớn của chế độ thủy văn, thủy triều, tốc độ đô thị hóa tự phát không theo quy hoạch, san lấp các khu vực cây xanh…gây ảnh hưởng lớn đối với việc quản lý cao độ nền đô thị.

Nguồn kinh phí cho công tác lập quy hoạch, quản lý cao độ nền đô thị còn hạn chế.

Chưa chủ động và quan tâm kịp thời

Nguyên nhân chủ quan, việc triển khai tổ chức lập, thẩm định quy hoạch đô thị trong đó nội dung định hướng hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị còn thiếu quan tâm, chất lượng hạn chế, chưa xem xét, đánh giá đầy đủ tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên địa hình, địa chất thủy văn khu vực…

Các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I nhưng lại thiếu tính chủ động và chưa kịp thời lập quy hoạch cao độ nền theo quy định nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý đô thị. Việc lập kế hoạch, bố trí nguồn vốn cho các dự án phát triển đô thị thiếu quan tâm đến phát triển hạ tầng, đặc biệt là cao độ nền và thoát nước mặt.

Công tác quản lý đô thị chưa chú trọng đúng mức đến quản lý cao độ nền trong đô thị, còn chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu phối hợp giữa các ngành, các dự án phát triển đô thị về độ cao nền đô thị.

Cao độ nền đô thị và hệ thống thoát nước mặt hình thành và tồn tại cùng với phát triển đô thị, qua nhiều thời kỳ, công tác quản lý và áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn có sự khác biệt, không đồng bộ giữa khu đô thị hiện hữu và khu đô thị mới, mạng lưới thoát nước trải qua thời gian bị xuống cấp, hư hỏng làm giảm năng lực thoát nước, ảnh hưởng lớn tới ổn định nền đất đô thị.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Hùng yêu cầu các đại biểu đề xuất hướng xử lý đối với những vướng mắc về cao độ nền tại địa phương về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cao độ nền đô thị và công tác quản lý cao độ nền.

Qua đánh giá của Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng như các ý kiến tham gia đề xuất của các Sở, ngành địa phương, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết: Về cơ bản hệ thống văn bản pháp luật đã điều chỉnh công tác quản lý, xác định quy hoạch cao độ nền cụ thể. Và, các cơ quan quản lý địa phương như các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng của Hà Nội và TP HCM đã nắm bắt rõ vấn đề.

Tuy nhiên, lý do dẫn đến sự lộn xộn đến từ chính tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, làm cho hệ thống hạ tầng đô thị không theo kịp cộng thêm biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là sự thiếu quản lý chặt chẽ, chưa kiểm soát kịp thời một số yếu tố trọng yếu.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng: Việc kiểm soát thực hiện mốc giới phải được thực hiện ngay từ khâu thẩm định chi tiết cho đến thiết kế cơ sở trong cấp phép xây dựng cho đến khâu kiểm tra nghiệm thu. Bên cạnh đó, cần đưa ra giải pháp cụ thể đối với từng loại đô thị hiện hữu hay đô thị mới, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện phát triển địa phương.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/quan-ly-cao-do-nen-kiem-soat-thuc-hien-moc-gioi-ngay-tu-thiet-ke-co-so.html