Quản lý an toàn các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện

Vụ việc ba thanh niên ở Phú Yên tự ý mở hồ chứa nước suối Vực (huyện Sơn Hòa) tạo ra lũ quét cục bộ gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, khiến dư luận đặc biệt quan tâm và bày tỏ lo ngại về công tác an ninh, bảo vệ các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở nhiều địa phương. Việc bảo vệ hồ chứa, đập tràn là hết sức quan trọng, không thể lơ là, chỉ cần sơ suất nhỏ, thì hậu quả cũng rất khó lường.

Hiện, cả nước có hơn 1.700 hồ chứa thủy lợi và 330 hồ thủy điện đang vận hành, với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tập đoàn: Điện lực (EVN), Dầu khí (PVN), Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, với trữ lượng nước chứa nhiều tỷ m3 phục vụ chạy máy phát điện và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Để điều tiết hợp lý lượng nước trong các hồ đập, ngoài việc xây dựng quy trình vận hành khoa học, thì việc bảo vệ an toàn cho các công trình cũng không thể xem nhẹ, nhất là đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ.

Do đó, các chủ hồ đập cần tăng cường đầu tư công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo lũ; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa trên địa bàn; quy định trách nhiệm cụ thể trong việc điều tiết nguồn nước. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra hồ chứa trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố vỡ đập, xả tràn sai quy trình…

Qua “sự cố” ở Phú Yên, đã đến lúc phải nhìn lại, công tác kiểm tra, bảo vệ các công trình thủy điện, thủy lợi, về năng lực quản lý, vận hành, an toàn kỹ thuật..., sớm đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết các chế tài quản lý, bảo vệ hướng dẫn thực hiện, tránh bị xâm phạm. Bởi nếu các dự án, công trình đó không sớm được phát hiện, xử lý để bảo đảm an toàn thì nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Muốn vậy, cần rà soát các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về vận hành điều tiết, bảo trì công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện để thường xuyên duy tu bảo dưỡng. Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách cũng như năng lực của chủ đập. Thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý an toàn hồ, đập của chủ hồ, đập trên địa bàn; kiên quyết xử lý các chủ hồ, đập không thực hiện đầy đủ quy định về an toàn hồ đập. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết và thực hiện các quy định về bảo vệ các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, nghiêm cấm vi phạm.

THÀNH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/32369602-quan-ly-an-toan-cac-cong-trinh-ho-dap-thuy-loi-thuy-dien.html