Quan 'liêu' lâu sẽ thành quan 'tài'

Phải thoát khỏi nỗi ám ảnh “Việt Nam là một nước nhỏ”, thì mới có tầm nhìn và phương pháp quản trị quốc gia từ chỉ huy bị động sang kiến tạo chủ động.

Chuyện cổ tích của Andersen kể về “Nàng công chúa và hạt đậu”. Bằng một vài chi tiết tài tình: “ngày xửa ngày xưa có một vương quốc nọ, mỗi khi khách đến thăm thì đích thân nhà vua cầm đèn cho hoàng hậu ra mở cổng”, nhà văn đã cho chúng ta hình dung độ “lớn” của một quốc gia Châu Âu trung cổ.

Thời nay, có một cổ tích khác ở Đông Nam Á - câu chuyện Singapore. Ở đây, du khách đến (trên đường về trung tâm từ sân bay Changi) cũng được người dân kể về lịch sử lập quốc kèm theo xuất xứ của những cây Mưa đã được Lý Quang Diệu gây dựng, vun trồng với một tình cảm trân trọng.

Một xã hội quy củ, sạch sẽ, tất cả đều được quy hoạch, quản lý, không một mét đất nào còn vô chủ, nhà nước chăm lo đến từng công dân, vuông cỏ, loài cây. Thế giới không có nhiều quốc gia như Singapore.

Nhưng giả sử, bỗng nhiên chính phủ Mỹ muốn học theo Singapore, quan tâm và trực tiếp duyệt quy hoạch, cấp phép các công trình, dự án trong khoảng 19.500 đô thị, thì cần bao nhiêu nhiệm kỳ? Có lẽ là đời đời, kiếp kiếp vì cái cũ chưa hết, cái mới đã sinh ra.

Phải thoát khỏi nỗi ám ảnh “Việt Nam là một nước nhỏ”

Phi tập trung chính là cơ sở cho các sáng tạo, sự khác biệt đây là đặc trưng ưu việt trong quản trị đô thị tại Mỹ (Nội các Mỹ không có Bộ Xây dựng hay Kế hoạch và Đầu tư).

Theo đó, lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và công trình xây dựng hoàn toàn do chính quyền đô thị tự quyết định chọn tác giả và phương án. Tự chịu trách nhiệm, không bao cấp trong tư duy về mô hình, không độc quyền tư vấn quy hoạch, thiết kế đô thị đàng hoàng, không sao chép quy chuẩn, tiêu chuẩn nên hệ thống đô thị không bị lây bệnh “ngập lụt, tắc đường, ô nhiễm” tràn lan và “copy” phong cách giống nhau như ở ta.

Thành ngữ “nhanh như Thâm Quyến” có được là do Trung Quốc học cách quản trị đô thị của Mỹ và áp dụng thí điểm tại thành phố này.

Quốc gia cũng như con người, việc xác định tư cách là “lớn” (tức trưởng thành) hay “nhỏ” (vị thành niên – chưa trưởng thành) sẽ ảnh hưởng tới tư duy và hành xử; Ở bình diện khác, trên thực tế, việc quản trị một quốc gia có quy mô “bé và ít” khác nhiều, khác rất nhiều so với một quốc gia “to và đông” (diện tích và dân số); Và cũng vậy, có quốc gia “lớn - trưởng thành” dù qui mô “bé và ít”, ngược lại có quốc gia “to và đông” nhưng lại trong nhóm “nhỏ - chưa trưởng thành”.

Việt Nam đang ở đâu là câu hỏi lớn, ai cũng biết nhưng ngại trả lời.

Tôi không rõ từ bao giờ nỗi ám ảnh “Việt Nam là một nước nhỏ” đã trở nên thường trực trong tiềm thức chúng ta. Tác hại của việc quản trị nhầm quy mô sẽ dẫn tới “một quốc gia không chịu phát triển”.

Việc lựa chọn phương thức quản trị không tương thích tất sẽ dẫn đến bao cấp, bao biện, bao quan (liêu), nghĩ thay, làm thay, quản thay khiến cho địa phương (cấp dưới) một mặt thì trông chờ (xin - cho) trung ương (cấp trên), một mặt thì đổ lỗi cho chỉ đạo điều hành cũng do trung ương (cấp trên);

Khi một vị quan (chức) hay bộ, ngành không đủ thời gian, không gian để quan sát, giám sát hết những gì mình phụ trách, quản lý thì sẽ phải phó thác cho cấp dưới, cho giấy tờ, cho các báo cáo mà đúng sai không thể kiểm chứng. Tham nhiều quyền mà lại vô quyền.

Đó là thực trạng trên bảo dưới không nghe hay có muốn nghe theo cũng không thực hiện được vì các mệnh lệnh duy ý chí và xa rời thực tiễn, luật pháp sẽ bị vô hiệu hóa. Tập trung (xin cho), quan liêu (mất kiểm soát), bao cấp (trông chờ, ỷ lại, lãn công) là chỗ trú ngụ “vững chắc” cho tham nhũng lãng phí.

Truyền nhân thường gọi hiện tượng quan “chức” mà không quan “sát” được sẽ thành quan “liêu”, quan “liêu” lâu sẽ thành quan “tài”. Cấp trên sẽ bị cấp dưới bắt làm con tin. Và lịch sử cũng cho thấy, sức nặng của hệ thống quan liêu chính là nguy cơ đe dọa khiến quốc gia đó khó phát triển, khó bền vững.

Giải pháp thường dùng (hạ sách) là tăng cường sức lực bằng vốn vay; Trung sách là phải tìm ra các giải pháp để trút bỏ gánh nặng tự thân là những lực cản, ì trệ của hệ thống, chuyển hóa thành lực lượng lao động mới (có trình độ); Qua đó, giảm được thâm hụt ngân sách để tập trung đầu tư cho phát triển mà không làm tăng tỷ lệ nợ công.

Và cần nhất (thượng sách) là thoát khỏi nỗi ám ảnh “Việt Nam là một nước nhỏ”, để có mô hình, hệ thống quản trị và tầm nhìn đúng đắn, chuyển từ chỉ huy bị động sang kiến tạo chủ động.

Tôi thử điểm ra một số gánh nặng cần loại bỏ, nút thắt cần tháo gỡ và đề xuất giải pháp tương ứng:

Thứ nhất: Chúng ta đã duy trì mô hình (nội các xô viết cũ) chính phủ từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung quá lâu, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực chồng chéo, cản trở nhau, cản trở xã hội phát triển.

Giải pháp: Cải tổ cho phù hợp với mô hình nội các hiện đại theo hướng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển.

Thứ hai: Các cơ quan nghiên cứu, tham mưu chiến lược, mô hình viện hàn lâm (có từ thời Xô Viết, trên thế giới hầu như không còn) đã quá cũ, trì trệ không phát huy được tác dụng.

Giải pháp: Cải tổ hệ thống này từ trung ương tới địa phương, xóa bỏ bao cấp, đặt vào môi trường cạnh tranh. Các viện sỹ phải được bầu lại theo nhiệm kỳ. Các đề tài chiến lược quốc gia cần thực hiện theo phương thức đặt hàng, đấu thầu ý tưởng.

Thứ ba: Hiện tượng “não bộ ở sân sau” hay “não (của) bộ ở sân sau”.

Giải pháp: Xóa bỏ các cơ quan sự nghiệp có thu (cũng như doanh nghiệp) ở sân sau các bộ ngành, để chuyển đổi trở thành các cơ quan tư vấn có tiếng nói độc lập, tránh việc thông lưng khép kín, vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm chính sách vừa duyệt quy hoạch, dự án như hiện nay.

Thứ tư: Cách làm luật và chính sách kiểu một người nghĩ thay cho muôn người.

Giải pháp: Quy trình làm luật và thiết kế chính sách phải theo hướng minh bạch, hàm lượng trí tuệ cao hơn, theo cách đặt hàng các tổ chức, nhóm chuyên gia có uy tín, có tư cách. Đồng thời dành quyền giải thích luật cho cơ quan lập pháp. Xóa bỏ cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi.

Thứ năm: Hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn lạc hậu, độc quyền, cát cứ theo bộ ngành, không giống ai.

Giải pháp: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn trên thế giới đều có xuất xứ từ các quốc gia phát triển, vì vậy, việc kế thừa là đương nhiên.

Có thể tham khảo mô hình tổ chức ANSI là “tổ chức quốc gia đại diện cho Hoa Kỳ về tiêu chuẩn” và là điều phối viên của hệ thống tiêu chuẩn tự nguyện tại Hoa Kỳ, trông đó liên kết quốc tế, các hiệp hội chuyên ngành và các hãng sáng tạo tư nhân (luôn có giám sát xã hội).

Thứ sáu: Chuyện "13 tỉnh làm, nuôi 50 tỉnh"; hiện tượng không chịu phát triển, trông chờ, ỷ lại trung ương và các địa phương khác.

Giải pháp: Xóa bỏ bao cấp cho các địa phương theo lộ trình; Tập trung hỗ trợ các nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng; Tập trung có trọng điểm cho các địa phương có năng lực phát triển tốt để tạo ra các hiệu ứng lan tỏa.

Thứ bảy: Sự trì trệ của bộ máy hành chính.

Giải pháp: Phân cấp, phân quyền rõ ràng cùng với quy trách nhiệm đến cùng từ trung ương đến địa phương, các ngành, các lĩnh vực. Minh bạch cho người dân cần phải biết những gì không được phép làm và hậu kiểm.

Thứ tám: Thay đổi chất lượng tham mưu chính sách

Giải pháp: Không bao cấp các nhóm có ưu thế (trí thức, thương gia, cán bộ, công chức); Liên tục “thay máu”, “thay người nghĩ” tại cơ quan tham mưu chính sách.

Tạo điều kiện để nhanh chóng mở cửa thị trường giáo dục, khoa học công nghệ; mở cửa từng phần thị trường tài chính (gián tiếp thông qua các đặc khu kinh tế hoặc trực tiếp), phát triển thị trường tư vấn luật và chính sách công để nhà nước có thể đặt hàng, chống lại sự lũng đoạn chính sách của các nhóm lợi ích.

Phương Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/quan-lieu-lau-se-thanh-quan-tai-340471.html