Quán hủ tiếu hồ 40 năm: 'Khó ăn' nhưng khách vẫn đông

Món này khác biệt hẳn với các thể loại hủ tiếu khác ở chỗ thay vì ăn chung với thịt heo, gà hay cá thì hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua.

Hủ tiếu hồ là món ăn quen thuộc của người Tiều, ăn kèm với lòng heo và phần bánh hủ tiếu hình vuông độc đáo - Ảnh: Lưu Trân

Mặc dù hương vị khá “khó ăn” nhưng quán hủ tiếu hồ trên đường Gia Phú (quận 6, TP.HCM) vẫn luôn nườm nượp khách. Quán nằm ở địa chỉ 167 Gia Phú (phường 1, quận 6, TP.HCM) vẫn đều đặn mở cửa suốt 40 năm qua.

Thưởng thức hủ tiếu hồ 40 năm tuổi - Thực hiện: Lưu Trân

Hủ tiếu của người Hoa ở Sài Gòn có rất nhiều phiên bản khác nhau, nhưng muốn ăn món hủ tiếu hồ thì chỉ có thể tìm thấy ở các quán do người Tiều làm chủ. Độc đáo nhất là bánh hủ tiếu hồ được làm từ những miếng bột mỏng, gần giống bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông cỡ 3 nhân 4cm.

Món này khác hẳn với các thể loại hủ tiếu khác ở chỗ thay vì ăn chung với thịt heo, gà hay cá thì hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Hình thức thú vị này có lẽ do thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều.

Nước tương sate để thực khách có thể tăng hương vị mặn, ngọt theo sở thích

Hủ tiếu hồ phải ăn chung với lòng heo, lỗ tai heo, lưỡi heo... đem khìa với nước dừa tươi và ngũ vị hương. Cải chua ướp thêm đường, tỏi và ớt, xào hoặc hầm chung với lòng heo. Độ giòn của tép mỡ thắng và hành phi khiến vị giác của thực khách được kích thích hơn hẳn.

Nói đến hủ tiếu hồ thì phải ghé quán hủ tiếu 2 thế hệ của gia đình họ Nhan. Cách đây 40 năm, 2 mẹ con bà Lâm Giang Huệ di cư từ Quảng Đông xuống Sài Gòn lập nghiệp. Nhìn thấy hàng ăn uống có vẻ đắt khách, bà Huệ đánh liều đem tất cả vốn liếng có được mở một gánh hàng nhỏ nhằm kiếm sống qua ngày. Không ngờ, món hủ tiếu hồ được nấu dựa trên công thức gia truyền của cha mẹ bà lại được nhiều người ưa chuộng đến vậy.

Thời đó bà hay bán lúc sáng sớm cho công nhân kịp ăn trước khi đi làm. Từ đó mà quán có cái tên “hủ tiếu hồ tờ mờ sáng”. Sau này khi đã đông khách, bà thuê một miếng đất trống (là địa chỉ hiện tại), mua thêm bàn ghế để phục vụ nhu cầu ghé ăn của đông khách hơn.

Hai mẹ con chủ quán vẫn làm luôn tay để kịp phục vụ khách

Anh Nhan Hưng Phú (32 tuổi), chủ quán đời thứ 2 cho biết: “Tên gọi hủ tiếu hồ bắt nguồn từ cách nấu nguyên bản từ xa xưa của người Tiều khi cho chút bột năng vào nước hủ tiếu để có độ sệt như hồ. Thời gian sau này do khách ăn thấy ngán nên quán tôi mới nấu nước dùng dạng trong, không pha bột nữa. Khi nào có khách vào mới làm ăn cho nóng, bánh không bị nhão”.

Anh nói thêm, tất cả lòng heo đều được gia vị kiểu phá lấu cho thấm. Cải chua được ướp và xào theo công thức gia truyền, đảm bảo độ giòn, hương vị chua ngọt và thơm mùi thuốc bắc. Để chế biến một tô hủ tiếu hồ, đầu tiên trụng bánh hủ tiếu, sau đó trụng rau cải.

Tiếp theo là trụng lòng heo, tai heo…bỏ vào đó chút cải chua “thần thánh”, rồi lần lượt cho hành phi, tóp mỡ, hành lá vào. Bước cuối cùng để hoàn thiện tô hủ tiếu hồ là cho vào 2 vá nước dùng nóng hổi, ngọt thanh vị xương ống hầm.

Nhiều khách hàng ghé quán ăn từ thời còn đi học cho đến khi lập gia đình vẫn trung thành

“Tôi ăn ở đây thấy một tô hủ tiếu có rất nhiều thịt, lòng, cải chua cũng rất vừa miệng. Nói giá 32.000 đồng/tô nhiều người nghĩ là mắc, nhưng nó hợp lý với một tô hủ tiếu chất lượng”, chị Hồng Xuyên (ngụ quận 11), nhận xét.

Không chỉ chủ quán mới làm nghề “cha truyền con nối”, mà ngay cả những thực khách đến ăn cũng theo kiểu “cha truyền con nối” luôn. Ông Lâm Đệ, khách ruột của quán cho biết: “Tôi theo cha ăn riết quen, ăn từ thời bà già bán cho đến thời con trai lên làm chủ. Nói chứ vài bữa mà không ăn lại thấy thèm”.

Anh Phú nói: “Nhiều người đến đây ăn từ lúc còn đi học, rồi sau dẫn vợ con đến. Tôi vui lắm vì thấy vẫn còn nhiều người thích món hủ tiếu hồ này. Bây giờ mỗi ngày quán bán chừng mười mấy kg bánh, chủ nhật có khi được hai chục ký hoặc hơn”.

Dù đông nhưng thực khách vẫn vui vẻ chờ đợi, phần vì chất lượng của món ăn, phần vì sự dễ chịu của chủ quán

Theo cá nhân tôi, ngoài việc sử dụng nước dùng trong thì hương vị hủ tiếu hồ ở đây được nấu đúng kiểu Tiều nên hơi khó ăn. Nhiều người không quen sẽ thấy ngại bởi mùi tai vị và mùi thuốc Bắc hơi nồng. Đồng thời, cũng dễ bị ngán với mùi vị của cải chua xào và ruột heo hầm trong nhiều giờ.

Song, nhiều thực khách vẫn nhận xét hủ tiếu hồ của quán anh Phú ngon, chất lượng và giá cả hợp lý. Phần nữa là phong cách phục vụ của chủ quán rất dễ chịu và cởi mở. Nhiều khi đông khách, quán hết chỗ nhưng mọi người luôn vui vẻ chờ đợi để anh Phú xếp ra chỗ mới.

Thực khách chỉ cần bỏ ra 32.000 đồng đã có thể thưởng thức một tô hủ tiếu hồ mang hương vị ẩm thực Triều Châu

Thậm chí, nhiều khách khó tính tới quán kêu đổi món đến 3 lần nhưng anh vẫn nhanh chóng chiều lòng và luôn tay phục vụ. Chỉ chừng một phút sau khi gọi món, khách hàng đã có thể thưởng thức tô hủ tiếu hồ đặc trưng, mang đậm dấu ấn ẩm thực Triều Châu.

Lưu Trân

Lưu Trân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/quan-hu-tieu-ho-40-nam-kho-an-nhung-khach-van-dong-793595.html