Quan hệ Trung Quốc - Nga: 'Chúng tôi biết các bạn thích tiền của chúng tôi nhưng lại chẳng ưa chúng tôi lắm'

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng mối quan hệ Nga-Trung mang tính vụ lợi nhiều hơn là một sự hợp tác nhằm nâng cao lợi ích lâu dài của cả đôi bên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và CHủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Mối quan hệ Trung-Nga đang ngày càng trở nên khăng khít kể từ năm 2014 sau khi Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên nước này.

Nền kinh tế Nga đã gặp phải nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt đã hạn chế thương mại cũng như các dòng vốn vào đây. Để đối phó với tình hình trên, Nga thực hiện chiến lược chuyển trục về phía Đông nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc .

Tuy nhiên, những số liệu thực tế cho thấy cả 2 nước đang gặp khó khăn hơn nhiều trong việc gia tăng quan hệ so với những gì truyền thông đăng tải.

Ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Yang Yujun cho biết Trung Quốc sẽ kết hợp với Nga thực hiện một cuộc tập trận chung trên biển Đông vào tháng 9 tới đây. Thông tin chi tiết của cuộc tập trận này vẫn chưa được tiết lộ.

Thương mại có tăng nhưng không đáng bao nhiêu

Dù tầm quan trọng về thương mại, kinh tế trong hợp tác Nga-Trung là rất rõ ràng nhưng nhiều chuyên gia nhận định mối quan hệ giữa 2 cường quốc này mang màu sắc chính trị hơn là kinh tế.

Hãng Capital Economics cho rằng mặc dù Trung Quốc đang ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Nga và hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, nhưng không thể thừa nhận rằng Trung Quốc mới chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu từ Nga. Đây là một con số thấp hơn nhiều so với thương mại Nga-Tây Âu.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng 1,8% lên 31,7 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch thương mại với Trung Quốc hiện chiếm 13,5% tổng kim ngạch thương mại của Nga tính trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, thị trường Nga mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc.

Theo hãng Macro Advisory, mảng năng lượng là đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại giữa 2 nước. Mỗi ngày Nga xuất khẩu khoảng 50.000 thùng dầu thô sang Trung Quốc thông qua các đường ống dẫn trực tiếp.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là người mua lớn nhất cho các sản phẩm than hay kim loại công nghiệp từ Nga. Còn lại, thương mại giữa 2 nước không có gì đáng nói và cũng không đa dạng lắm.

Công ty tư vấn Verisk Maplecroft cho rằng dù mục đích chính trị là vô cùng rõ ràng trong sự ấm lên của quan hệ Nga-Trung nhưng cơ cấu quyền lực, xã hội, chính trị, kinh tế giữa 2 nước khá khác nhau, qua đó tạo nên những khó khăn khi chính quyền 2 nước muốn gia tăng hợp tác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và CHủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Đầu tư ít, không đa dạng

Cũng theo hãng Verisk Maplecroft, sự thiếu tin tưởng là một trong những nguyên nhân chính khiến mối quan hệ Nga-Trung không tiến triển nhanh như mong muốn của các nhà lãnh đạo.

Chính quyền Moscow hiện vẫn không thoải mái về vấn đề sở hữu nước ngoài trong nền kinh tế Nga, bất kể dòng vốn đến từ đâu và đây là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư Trung Quốc không “mặn mà” với các dự án tại Nga.

Nguyên nhân chính cho yếu tố này là do nhu cầu nội địa tại Nga còn yếu nên chưa tạo đủ áp lực cho việc cải cách sản xuất cũng như doanh nghiệp ở đây. Thêm vào đó, những bất ổn về chính trị , kinh tế trên diện rộng khiến chính quyền Moscow muốn một nền kinh tế ổn định hơn là có thêm các yếu tố bất ổn từ nước ngoài.

Mặc dù vào đầu năm 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Nga có tăng nhưng vẫn còn khá nhỏ nếu so với nhiều nước khác. Hơn nữa, hầu hết những dòng vốn FDI này được đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn chứ không có sự tham gia nhiều của mảng kinh tế tư nhân.

Một trong những dự án đó là kế hoạch xây dựng đường ống “Năng lượng từ Siberia” nhằm cung cấp khí đốt trong vòng 30 năm cho Trung Quốc. Hợp đồng này được ký kết vào năm 2014 và được vinh danh là hợp đồng lớn nhất của tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom từ trước đến nay.

Đầu năm nay, một dự án khủng khác của Nga là Yamal LNG- xây dựng nhà máy khai thác khí đốt tại vùng biển bắc cực của Nga- mới được nhận 12 tỷ USD vay vốn từ ngân hàng thương mại quốc doanh Trung Quốc (EIBC) và ngân hàng phát triển quốc doanh Trung Quốc (CDB).

Như vậy, Trung Quốc sẽ nắm 49% cổ phần trong sự án Yamal LNG.

Dẫu vậy, hãng Verisk Maplecroft cũng cho rằng chính quyền Moscow đang cố gắng thúc đẩy hợp tác kinh tế trên diện rộng thay vì chỉ có các dự án lớn mang ý nghĩa chính trị. Cuối năm 2015, Nga có ý định phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ nhằm tạo xơ sở tài chính cho các dự án kinh tế tầm trung và nhỏ.

Không nắm giữ nhiều trái phiếu

Nguồn vốn từ trái phiếu thường đóng vai trò rất lớn trong các nền kinh tế mà Trung Quốc muốn tham gia. Chúng ta có thể thấy rõ điều này nếu nhìn số trái phiếu của Mỹ và Châu Âu mà nước này nẵm giữ. Dẫu vậy, Trung Quốc lại nắm rất ít trái phiếu Nga.

Theo Verisk Maplecroft, tổng giá trị trái phiếu bằng ngoại tệ của Nga chỉ chiếm 14% GDP và phần lớn trong đó là trái phiếu doanh nghiệp.

Hãng Verisk cũng cho rằng mặc dù Trung Quốc có thể mua những trái phiếu phát hành bằng đồng Euro của Nga nhưng tỷ lệ này chắc chắn sẽ không lớn.

Trong tổng số 500 tỷ USD nợ nước ngoài của Nga, chỉ có 50 tỷ USD là nợ bằng trái phiếu và Trung Quốc hầu như không nắm giữ một tỷ lệ đáng kể nào trong số đó.

Như vậy, rõ ràng cái gọi là hợp tác kinh tế thương mại giữa Nga với Trung Quốc hiện còn khá mơ hồ và chưa có dấu hiệu thực sự tích cực nào cho thấy 2 nền kinh tế này sẽ gắn kết hơn trong tương lai.

Không có sự kết nối thực sự

Bên cạnh đó,

Hiện tại, mối quan hệ giữa 2 nước có thể nồng ấm trong ngắn hạn nhưng không có nhiều dấu hiệu về sự gia tăng trong quan hệ văn hóa, xã hội hay kinh tế tư nhân. Hãng Verisk cho rằng hầu hết những dự án hợp tác giữa 2 nước đều chỉ nhằm phục vụ lợi ích nhiều nhất có thể cho từng bên mà không hướng tới một mối quan hệ lâu dài.

Chuyên gia Daragh McDowell của Verisk nói: “Mối quan hệ Nga-Trung giống như những gì mà một nữ doanh nhân Trung Quốc đã phát biểu trong một hội nghị tại Nga gần đây, rằng ‘Chúng tôi biết rằng các bạn thích tiền của chúng tôi nhưng chẳng ưa chúng tôi lắm’”.

Hoàng Nam

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn CafeBiz: http://cafebiz.vn/quan-he-trung-quoc-nga-chung-toi-biet-cac-ban-thich-tien-cua-chung-toi-nhung-lai-chang-ua-chung-toi-lam-20160729105623641.chn