Quan hệ Trung Quốc-Malaysia: Sẽ có sự thay đổi?

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Trung Quốc đã ký 14 thỏa thuận với tổng trị giá 143,64 tỷ ringgit (34,4 tỷ USD), trong đó có một thỏa thuận quốc phòng quan trọng. Giới phân tích nhìn nhận động thái trên dự báo sẽ có những điều chỉnh mới trong quan hệ Trung Quốc-Malaysia.

Tâm điểm của chuyến thăm là việc Kuala Lumpur và Bắc Kinh ký 14 văn kiện hợp tác với tổng trị giá hơn 34 tỷ USD, trong đó có một số văn kiện quan trọng như thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt ven bờ biển phía Đông Malaysia, thỏa thuận triển khai đường ống dẫn khí ở bang Sabah của Malaysia... Tuy nhiên, thỏa thuận Malaysia mua 4 tàu tuần tra của Trung Quốc mới khiến dư luận quan tâm. Hãng tin Reuters dẫn trang Facebook của Bộ Quốc phòng Malaysia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Husein cho biết ngày mùng 5/11 tới, thỏa thuận mua các tàu tuần tra sẽ được ký kết chính thức. Như vậy, đây sẽ là kế hoạch hợp tác quốc phòng đầu tiên giữa hai bên.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải)

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang có chuyến thăm chính Trung Quốc, kéo dài từ ngày 31 tháng 10 đến 6/11. Diễn ra trong bối cảnh Biển Đông diễn biến phức tạp, chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia được cho là đang báo hiệu những thay đổi mới trong chính sách của quốc gia này với Trung quốc. Trên thực tế, Malaysia là một bên tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như Philippines dưới thời cựu Tổng thống Aquino, Malaysia lựa chọn chính sách mềm dẻo hơn, tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Vì thế, việc Malaysia lần đầu tiên hợp tác quốc phòng với Bắc Kinh đã và đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu Malaysia có thiết lập một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc mà phớt lờ Mỹ như Philippines đã làm hay không?

Hai bên cùng có lợi

Thực tế cho thấy, mối quan hệ Mỹ-Malaysia đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng đi xuống. Mặc dù cả Washington và Kuala Lumpur từ lâu đều là những đối tác kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ, nhưng mọi việc đã thay đổi khi Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 7 mở cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền tại quỹ đầu tư 1MDB do chính phủ Malaysia điều hành. Vụ bê bối này không chỉ khiến uy tín của chính phủ sụt giảm mà còn khiến dòng vốn đầu tư vào Malaysia giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, Trung quốc luôn sẵn sàng “chìa tay” hỗ trợ Malaysia bằng những cam kết viện trợ kinh tế khổng lồ và “kề vai” cùng quốc gia này nếu họ cần. Một điều chắc chắn, nếu có được Malaysia “là bạn tốt”, Trung quốc có thể sẽ có được một đồng minh chiến lược khác trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Trước đó, Tổng thống Philippines Duterte, một trong những bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông, đã chính thức tuyên bố chia tay với đồng minh truyền thống Mỹ để gần gũi với Trung quốc.

Trong khi đó, bản thân Thủ tướng Najib Razak cũng đang phải đối mặt với nhiều sức ép, mà kinh tế là yếu tố mấu chốt chi phối sự phát triển của Malaysia. Thủ tướng Malaysia Najib Razak dự kiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2017 đạt 4-5%, cao hơn so với mức 4-4,5% năm nay. Trong một báo cáo kinh tế trước đó, Malaysia dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng lên 45 USD vào năm 2017. Hãng tin Reuters dẫn lời Tiến sĩ Mustafa Izzuddin, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng Thủ tướng Najib mong muốn thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Malaysia trong năm 2017 để tạo cú hích thúc đẩy Malaysia tiến bước; đồng thời vực dậy uy tín chính trị của cá nhân ông và chính chủ khi cuộc bầu cử Quốc hội 2018 đang đến gần.

Như vậy, chuyến thăm Trung quốc 6 ngày của Thủ tướng Najib Razak mang theo nhiều thông điệp. Đó là Malaysia cần tiền và Trung Quốc cần đồng minh. Một khi hai bên đáp ứng được nhu cầu của nhau thì tất yếu mối quan hệ mới sẽ được hình thành. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn mở rộng hầu bao và tỏ ra hào phóng. Chỉ có điều những đồng tiền của Trung quốc đều có mục đích chứ chẳng bao giờ cho không.

N. Minh

(theo BBC, Reuters)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/quan-he-trung-quoc-malaysia-se-co-su-thay-doi-n124485.html