Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq: Lún sâu trong khủng hoảng

Sự kiện Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kéo dài hiện diện của quân đội nước này tại Iraq và Syria thêm 1 năm nữa đang khiến quan hệ giữa quốc gia này với Iraq bất ngờ trở nên căng thẳng. Giới chính trị gia Iraq đồng loạt kêu gọi Chính phủ xem xét lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hai nước cùng triệu Đại sứ của mỗi bên để thảo luận về bất đồng này. Thậm chí Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi còn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, việc duy trì quân đội nước này tại Iraq có thể dẫn đến “một cuộc chiến tranh khu vực”.

Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì 150 binh sĩ và 25 xe tăng trên lãnh thổ Iraq.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ duy trì khoảng 150 binh sĩ cùng 25 xe tăng tại trại quân sự Bashiqa ở tỉnh Nineveh thuộc miền Bắc Iraq - một mặt trận có cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhiệm vụ trên được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua lần đầu tiên vào tháng 10-2014 và được gia hạn thêm 1 năm vào tháng 9-2015. Với biện pháp này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được phép tiến hành các hoạt động quân sự ở hai nước láng giềng phía Nam là Syria và Iraq chống lại IS cũng như những nhóm mà Ankara cho là các tổ chức khủng bố. Là một cường quốc ở Trung Đông với đa số người dân theo dòng Sunni, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ mật thiết với lực lượng người Kurd ở Iraq do chính trị gia Massoud Barzani lãnh đạo hơn chính quyền trung ương do người Shiite nắm quyền kiểm soát ở Baghdad. Do đó, kể từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức huấn luyện và hỗ trợ cho các đơn vị chiến binh người Kurd và dân quân người Hồi giáo dòng Sunni, còn có tên lực lượng Hash al-Watani tại trại quân sự Bashiqa, dưới sự cho phép của Chính phủ Iraq. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ đưa quân vào thị trấn Bashiqa, cách thành phố lớn thứ hai của Iraq là Mosul chỉ vài ki lô mét và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 80km. Hành động của Ankara đã vấp phải sự lên án và chỉ trích gay gắt của chính quyền Iraq khi khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa hề tham vấn Baghdad và cũng chưa từng xin phép Chính phủ Iraq để triển khai thêm binh sĩ nên có thể coi đây là hành động vi phạm chủ quyền.

Tuy nhiên, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã phủ nhận sự việc, đồng thời tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuân thủ thỏa thuận trước đó với phía Iraq. Tới thời điểm này, quyết định kéo dài sứ mệnh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq đã khiến những bất đồng giữa hai quốc gia ngày càng căng thẳng hơn. Trong khi Ankara khẳng định sự đồn trú của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Iraq là để huấn luyện lực lượng địa phương chiến đấu chống lại IS, thì Baghdad coi đây là một sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ và đe dọa đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong một tuyên bố trên truyền hình mới đây, Thủ tướng H.al-Abadi đã bày tỏ sự phản đối dữ dội việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thâm nhập lãnh thổ nước này, yêu cầu chính quyền của Tổng thống R.Erdogan không can thiệp vào công việc nội bộ của Iraq, đồng thời tỏ rõ quan điểm không muốn dấn sâu vào cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng giận dữ của Chính phủ Iraq thể hiện mối quan hệ căng thẳng ngày càng tăng giữa Baghdad và chính quyền tự trị người Kurd ở Erbil. Với việc điều quân tới gần Mosul, Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa chính quyền trung ương Iraq và lãnh đạo khu vực này. Theo ông Mehmet Kaya, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tigris ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc Ankara điều quân tới Bashiqa là một động thái nhằm ngăn ngừa người Kurd ở Iraq đi theo đảng PKK, một lực lượng chính trị đòi độc lập cho người Kurd ở khu vực biên giới và bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Ngoài ra, đây còn là một nỗ lực nhằm khoét sâu mâu thuẫn, xa cách giữa cộng đồng người Kurd tự trị ở Iraq với chính quyền nước này nhằm gia tăng vị thế cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.

Trong bối cảnh này, dư luận khu vực lo ngại cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao vừa bùng phát giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến những tác động bất lợi nghiêm trọng đến cuộc chiến chống IS mà hai nước tham gia.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/850927/quan-he-tho-nhi-ky---iraq-lun-sau-trong-khung-hoang-