Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung gấp 3 lần công bố: Bài toán khó cho Donald Trump?

Báo cáo phân tích về tổng mức đầu tư của Mỹ vào nền kinh tế Trung Quốc trong 25 năm qua, cao hơn khoảng 3 lần so với con số được công bố chính thức. Mức độ sâu rộng trong quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ-Trung càng lớn, thì các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về kinh tế của ông Trump sẽ càng khó thực hiện.

Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như cứ mỗi ngày qua đi thì lại xuất hiện thêm các thông tin mới cho thấy những mục tiêu mà tân tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra trong giai đoạn tranh cử là không dễ dàng thực hiện.

Sau cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với vị tân tổng thống Mỹ vào tuần này, trong đó ông Tập đã thuyết phục ông Trump rằng một sự hợp tác thay vì đối đầu về kinh tế là sự lựa chọn tốt nhất và đúng đắn nhất cho cả hai bên, thì các con số thống kê cũng đang nghiêng về gợi ý của vị Chủ tịch Trung Quốc.

Một báo cáo phân tích về tổng mức đầu tư của Mỹ vào nền kinh tế Trung Quốc trong 25 năm qua, vốn là một phần trong báo cáo tổng quát của Ủy ban Quốc gia Mỹ, đang cao hơn gấp khoảng 3 lần so với con số được công bố chính thức. Mức độ sâu rộng trong quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ-Trung càng lớn, thì các biện pháp theo xu hướng trừng phạt Trung Quốc về kinh tế của ông Trump sẽ càng khó thực hiện.

Một báo cáo phân tích của Rhodium Group về tổng số các giao dịch kinh tế-thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong vòng 25 năm qua, giai đoạn 1990-2015, vốn là một phần trong bản báo cáo tổng quát của Ủy ban Quốc gia Mỹ về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, đang hé lộ những sự thật có thể khiến tân tổng thống Donald Trump phải bất ngờ.

Theo đó, đã có khoảng 6.700 các dự án đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Trung Quốc trong giai đoạn 1990-2015, với tổng giá trị lên tới khoảng 228 tỉ USD, cao gấp khoảng 3 lần so với con số báo cáo chính thức về dự toán thương mại của Bộ Ngoại giao Mỹ - chỉ đạt khoảng 75 tỉ USD, và cũng cao hơn con số báo cáo chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ khoảng 70 tỉ USD.

Điều tương tự cũng diễn ra theo chiều ngược lại. Tổng số dự án đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Mỹ trong những năm qua cũng đã đạt con số 1.200, với tổng giá trị lên tới khoảng 64 tỉ USD, cao hơn nhiều so với các con số thống kê chính thức trước đó: theo thống kê của Mofcom thì con số này chỉ đạt khoảng 41 tỉ USD, còn số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ thì cho rằng nó chỉ dao động trong khoảng 15-21 tỉ USD mà thôi.

Điều này đồng nghĩa với việc, mức độ sâu rộng trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là lớn hơn rất nhiều so với dự đoán cũng như thống kê chính thức từ phía các Bộ ngành của cả hai nước. Số lượng các dự án và tổng giá trị thực tế của những dự án đó thực tế đều cao hơn khoảng 3 lần so với những con số báo cáo chính thức.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng về hợp tác kinh tế thông qua đầu tư trực tiếp giữa hai nước cũng đang ngày càng gia tăng. Năm 2015 là năm đầu tiên mà tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào nền kinh tế Mỹ lớn hơn số vốn mà các công ty Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

Và xu hướng tiến triển đang ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn, khi trong vòng 10 tháng đầu năm nay vốn đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc đã tăng tới 53% so với cùng kỳ 2015, đạt giá trị tổng cộng 961,9 tỉ nhân dân tệ (tương đương 140 tỉ USD), trong đó phần lớn là vào thị trường Mỹ. Trong khi đó ở chiều ngược lại đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trung Quốc chỉ tăng có 4,2% và đạt giá trị tổng cộng 666,3 tỉ nhân dân tệ mà thôi.

Sự chênh lệch về tỷ suất đầu tư này cho thấy các dự án đầu tư từ phía Trung Quốc đang ngày càng chiếm một vị trí và tầm quan trọng lớn hơn đối với nền kinh tế các nước phương Tây, trong đó đặc biệt là Mỹ. Nếu như trong giai đoạn 1990-2005 đầu tư song phương Mỹ-Trung thường chỉ diễn ra theo một chiều, thì giờ đây xu hướng này đang bị đảo ngược, Trung Quốc ngày càng đầu tư nhiều hơn vào Mỹ trong khi các dự án đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đang giảm đi và chậm lại.

Theo báo cáo đánh giá của Rhodium, hiện tầm quan trọng của các dự án đầu tư song phương đang ngày càng gia tăng với nền kinh tế của cả hai nước. Theo đó, các công ty Mỹ hiện đang sử dụng khoảng 1,6 triệu lao động tại Trung Quốc, còn các công ty Trung Quốc đang tạo ra khoảng 100.000 việc làm tại Mỹ.

Ngoài ra, lợi ích từ sự đầu tư song phương này cũng lan tỏa ra khoảng 90% các tiểu bang ở Mỹ cũng như các tỉnh ở Trung Quốc. Hiện tại, có khoảng 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, trong đó có khoảng 430 công ty có mức đầu tư trên 50 triệu USD và khoảng 56 công ty có mức đầu tư trên 1 tỉ USD.

Những con số thống kê này là một bằng chứng cho thấy quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung đang lớn hơn và có tầm quan trọng hơn rất nhiều so với suy nghĩ của không ít người, trong đó có tân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trung Quốc hiện tại không chỉ là một trong những thị trường đầu tư lớn nhất của các doanh nghiệp Mỹ, nắm giữ sự thịnh vượng của hàng loạt các tên tuổi Mỹ như Apple, Microsoft,… mà còn đang ngày càng là một nhà đầu tư quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn tại nền kinh tế Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ rất khó có thể áp dụng các biện pháp được xem là trừng phạt kinh tế mà Donald Trump đang định áp đặt lên Trung Quốc, khi tác động tiêu cực của nó có thể sẽ diễn ra theo cả 2 chiều và kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.

Một trong những cam kết lớn nhất của ông Trump là kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn, và việc gây ra một cuộc chiến kinh tế-thương mại với Trung Quốc thì có vẻ như đang mâu thuẫn với mục tiêu đó.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/quan-he-kinh-te-my-trung-gap-3-lan-cong-bo-bai-toan-kho-cho-donald-trump-48046.html