Quan điểm của Đại tướng Văn Tiến Dũng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002) là một trong những vị tướng xuất sắc và có uy tín lớn của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QĐND Việt Nam. Những quan điểm cơ bản của Đại tướng Văn Tiến Dũng về xây dựng QĐND Việt Nam thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau:

1. Quân đội ta là một đội quân cách mạng của nhân dân (từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu), đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, được xây dựng toàn diện trên cơ sở xây dựng vững mạnh về chính trị

Đi theo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền” [1] . Để giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền thì Đảng phải tổ chức ra quân đội, trực tiếp lãnh đạo và giáo dục, rèn luyện quân đội theo bản chất, lập trường, quan điểm, nguyên tắc của Đảng…

Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng, QĐND Việt Nam là "con đẻ của nhân dân ta, là sản phẩm của cách mạng, của chế độ mới ở nước ta" [2] . Đó là quân đội ra đời từ lực lượng và phong trào chính trị của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được tôi rèn trong những chặng đường dài của lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân, từ những đội tự vệ, du kích nhỏ bé đầu tiên phát triển thành Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, QĐND Việt Nam như ngày nay, Quân đội ta luôn mang bản chất của giai cấp công nhân; lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng là mục tiêu chiến đấu của mình; lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam làm nền tảng tư tưởng lý luận, kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng, chiến đấu và giải quyết các mối quan hệ chính trị-xã hội... Đại tướng Văn Tiến Dũng nhấn mạnh: "Sự lãnh đạo của Đảng, đường lối cách mạng của Đảng quyết định bản chất cách mạng, phương hướng và nội dung xây dựng quân đội về chính trị cũng như về tổ chức và trang bị, khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự (NTQS) và kỹ thuật quân sự" [3] . Ông còn chỉ rõ: Sự lãnh đạo của Đảng là "nguồn gốc sức mạnh vô địch" của quân đội; "đường lối cách mạng của Đảng quyết định mục tiêu chiến đấu của quân đội"… quyết định "phương hướng xây dựng Quân đội ta thành công cụ bạo lực tin cậy và sắc bén để thực hiện đến cùng mục tiêu cách mạng của Đảng" [4] .

Trong xây dựng quân đội, Đại tướng chỉ ra phải chú trọng xây dựng một cách toàn diện cả về con người, tổ chức và vũ khí trang bị; khoa học NTQS; trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; ở mọi nhiệm vụ SSCĐ, chiến đấu, hậu cần, kỹ thuật, huấn luyện quân sự... Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng quân đội về chính trị vì đây là vấn đề cơ bản nhất, có tính nguyên tắc và là “cái gốc” làm cơ sở, nền tảng để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu. Đó là lấy đường lối, chủ trương, chính sách, nguyên tắc tổ chức, chế độ hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam vào xác định mục tiêu lý tưởng, chiến đấu và chức năng, nhiệm vụ của quân đội; vào xây dựng hệ thống tổ chức và con người quân đội; để tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ của quân đội... Truyền thống xây dựng Quân đội ta cho thấy hạt nhân của xây dựng quân đội về chính trị là xác định, xây dựng và tăng cường bản chất giai cấp của quân đội; tiến hành trên hai mặt: Tư tưởng và tổ chức, trong đó tư tưởng là cơ sở, linh hồn của tổ chức. Vì vậy, phải bám sát nhiệm vụ cách mạng và hình thức đấu tranh cách mạng mà giải quyết vấn đề tư tưởng và tổ chức trong xây dựng quân đội. Ở mỗi thời kỳ cụ thể của cách mạng, cần phải xác định rõ chức năng nào là chủ yếu, quan trọng để phân định rõ ràng, phù hợp; trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chức năng chủ yếu của quân đội là chiến đấu, khi đất nước thống nhất, hoàn toàn độc lập, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là xây dựng và bảo vệ đất nước thì quân đội vừa phải luôn luôn SSCĐ bảo vệ Tổ quốc, vừa phải tích cực làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, “vấn đề quân đội vừa SSCĐ vừa làm kinh tế không chỉ là vấn đề nhất thời mà là một vấn đề thuộc về nhiệm vụ chính trị cơ bản lâu dài của quân đội trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một vấn đề thuộc về bản chất của một quân đội cách mạng” [5] . Thực hiện tốt nhiệm vụ này trong giai đoạn cách mạng mới, quân đội sẽ “không chỉ là một công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản mà còn là một lực lượng lao động sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội” [6] . Có như vậy, QĐND Việt Nam mới tương xứng với tầm vóc vĩ đại của nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong kỷ nguyên mới của dân tộc và vị trí quốc tế của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, tương xứng với lòng tin cậy của Đảng và nhân dân.

Trên các cương vị Chính trị Phó cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Chính trị đầu tiên của Quân đội ta, Phó bí thư Trung ương Quân ủy, Chính ủy và Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có nhiều đóng góp quan trọng thiết lập và bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội trong mọi thời kỳ. Đưa sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội thành nguyên tắc cơ bản, quy luật trong xây dựng quân đội; thành nhân tố cơ bản bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc; chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân; hoàn thành tốt chức năng đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất để thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy, công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm Bộ đội Hải quân năm 1984. Ảnh tư liệu

2. Xây dựng quân đội phải nằm trong tổng thể xây dựng LLVT nhân dân Việt Nam, được tổ chức khoa học, ngày càng phát triển

Đại tướng Văn Tiến Dũng khẳng định: "Tổ chức là một vấn đề vô cùng quan trọng" [7] ; "có phương hướng đúng đắn xây dựng LLVT rồi phải có tổ chức thật tốt mới thực hiện được phương hướng ấy" [8] .

Tiếp thu và kế thừa truyền thống quân sự dân tộc, đặc biệt là kinh nghiệm của cha ông trong xây dựng LLVT; lại trực tiếp tham gia đấu tranh giành và giữ chính quyền, xây dựng LLVT nhân dân Việt Nam, theo Đại tướng Văn Tiến Dũng thì quy luật đấu tranh vũ trang, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta thế nào thì bộ máy quân sự của Nhà nước ta phải được tổ chức và hoạt động phù hợp với quy luật đó. Sự phù hợp được thể hiện ở chỗ hệ thống tổ chức quân sự trên cả nước phải được xây dựng hoàn chỉnh, thật sự khoa học, thống nhất trong cả nước, từ Trung ương đến các quân khu, quân chủng, binh chủng, đơn vị, địa phương; có lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, thống nhất với nòng cốt là một lực lượng thường trực mạnh và một lực lượng dự bị hùng hậu; một QĐND chính quy, hiện đại, có các quân chủng và binh chủng cần thiết, có sức chiến đấu lớn.

Đại tướng Văn Tiến Dũng nhấn mạnh, quân đội cách mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trung thành vô hạn với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng; đó phải vừa là đội quân chiến đấu giỏi lại vừa là đội quân lao động sản xuất giỏi, tuyên truyền vận động nhân dân tốt. Đi đôi với giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng của quân đội và trên cơ sở đó, cần không ngừng kiện toàn tổ chức đảng, chế độ công tác chính trị, cải tiến tổ chức chỉ huy và đẩy mạnh hơn nữa việc chính quy hóa, hiện đại hóa quân đội.

Để chiến thắng những kẻ thù hung bạo có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta nhiều lần thì phải có LLVT mạnh với quy mô tổ chức ngày càng lớn, có khả năng tiêu diệt ngày càng nhiều lực lượng quân sự của đối phương, đánh những trận quyết chiến chiến lược với sự tập trung cao độ, đè bẹp quân địch. Vì vậy, Đại tướng Văn Tiến Dũng yêu cầu phải ra sức xây dựng, kiên quyết tổ chức bộ đội chủ lực thành những binh đoàn cơ động chiến lược ngày càng lớn, đủ sức đánh những trận tiêu diệt lớn về chiến lược và đây là một phương hướng tất yếu để kết thúc thắng lợi chiến tranh; phải “có những quân chủng ngày càng hiện đại, cả lục quân, không quân, hải quân và phòng không với những binh chủng cần thiết có thể cơ động trên khắp các chiến trường, có khả năng đánh độc lập và đánh hiệp đồng quân chủng, binh chủng trên các quy mô, đánh địch trên đất liền, trên biển và trên không” [9] … tạo nên những "quả đấm chủ lực" mạnh của chiến tranh chính quy, chủ động đánh theo cách đánh của mình, sẵn sàng giáng những đòn tiêu diệt lớn vào quân xâm lược, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chiến trường, góp phần quyết định, kết thúc chiến tranh.

Quá trình xây dựng quân đội phải chú trọng xây dựng lục quân thành quân chủng chủ yếu, tiếp tục được hiện đại hóa, có các binh chủng cần thiết, có hỏa lực mạnh, có sức đột kích lớn, có khả năng cơ động cao, thật tinh nhuệ… và xây dựng các sư đoàn, đơn vị cơ sở, đại đội mạnh. Không quân là một lực lượng có nhiều ưu thế, cần phải chú trọng nâng cao khả năng SSCĐ, hiệp đồng chiến đấu với các quân chủng khác, đồng thời phải độc lập tiến công tốt, có như vậy mới đủ sức bảo vệ vùng trời, bảo vệ chủ quyền đất nước. Phòng không là lực lượng của bộ đội chủ lực phải được xây dựng ngày càng mạnh, kết hợp chặt chẽ với bộ đội không quân, tên lửa, pháo cao xạ, ra-đa và mạng lưới phòng không nhân dân rộng khắp. Nước ta có bờ biển dài, vùng biển rộng, cho nên hải quân giữ vai trò rất quan trọng và quá trình xây dựng Quân chủng Hải quân một mặt phải khẩn trương nâng cao sức mạnh chiến đấu trong mọi điều kiện hoàn cảnh, mặt khác phải cùng nhân dân khai thác tài nguyên biển. Các quân chủng, binh chủng phải phát triển cân đối, dần dần hoàn chỉnh, đồng bộ thì sức mạnh chiến đấu của quân đội sẽ có một chất lượng mới. Quá trình xây dựng quân đội phải gắn chặt, thống nhất biện chứng với xây dựng bộ đội địa phương phù hợp với đặc điểm, vị trí, hoàn cảnh, điều kiện của mỗi địa phương; với xây dựng dân quân tự vệ một cách linh hoạt, có số lượng đông và chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mở rộng các quân chủng, binh chủng của QĐND. Xây dựng quân đội như vậy là một cuộc cách mạng về tổ chức để tăng cường hơn nữa sự thống nhất hành động của quân đội, hiệp đồng chặt chẽ giữa các quân, binh chủng của quân đội hợp thành, giữa các thứ quân của LLVT cách mạng phù hợp với điều kiện cụ thể nhất định về chính trị, xã hội, cơ sở vật chất và truyền thống dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp của cả nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Kết hợp chặt chẽ xây dựng con người và vũ khí, trong đó lấy xây dựng con người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm nhân tố quyết định

Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng, sức mạnh quân sự của một nhà nước là kết hợp sức mạnh của con người và vũ khí; đây là hai yếu tố cơ bản hợp thành LLVT nhân dân Việt Nam, trong đó con người là cơ bản nhất.

Quân đội ta từ nhân dân mà ra nên những quân nhân cách mạng ưu tú trong quân đội phải có những nét đặc trưng: “Có giác ngộ lý tưởng cộng sản… giác ngộ sâu sắc vị trí, ý nghĩa của mình đối với sự nghiệp bảo vệ đất nước, SSCĐ hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội; có tinh thần ham học cầu tiến bộ, có trình độ văn hóa ngày càng cao, luôn luôn vươn lên nắm vững tri thức về mọi mặt, đặc biệt là tri thức quân sự hiện đại; có phong cách sống văn minh, lành mạnh, phù hợp với đạo đức mới xã hội chủ nghĩa, có tình cảm cách mạng trong sáng, cao thượng, đoàn kết...; có thể lực cường tráng đủ sức vượt qua mọi khó khăn và căng thẳng trong huấn luyện chiến đấu và sản xuất” [10] . Khi quân đội đã phát triển đến chính quy hóa, hiện đại hóa thì vai trò, đặc điểm của vũ khí hiện đại cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với những con người làm chủ nó. Để có những quân nhân cách mạng ưu tú, phát triển toàn diện thì phải đặt nhiệm vụ rèn luyện, bồi dưỡng quân nhân cách mạng trong mối quan hệ chặt chẽ với quá trình rèn luyện, bồi dưỡng con người mới nói chung. Có kế hoạch và chương trình thật khoa học, thiết thực, cụ thể; tiến hành bằng nhiều biện pháp; trên các mặt phẩm chất chính trị, kiến thức kỹ thuật, kiến thức văn hóa và nghề nghiệp, tác phong, thể lực và nếp sống… Chú ý xây dựng tập thể tốt để thu hút, lôi cuốn những người chiến sĩ vào không khí hăng say, tích cực chung, làm cho mỗi chiến sĩ tự hào về tập thể của mình…

Trong khi quan tâm hàng đầu đến xây dựng con người, Đại tướng Văn Tiến Dũng xác định: "Vũ khí, trang bị là một yếu tố cơ bản” của quân đội và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức chiến đấu của quân đội. Đại tướng Văn Tiến Dũng nhấn mạnh: “Không có vũ khí, dù là vũ khí thô sơ, không thể nói đến đấu tranh vũ trang và xây dựng LLVT” [11] . Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ rõ, trong đấu tranh giành chính quyền, chúng ta đã dùng gậy tầm vông, giáo mác để đánh địch, tiến tới cướp súng địch để đánh địch, tận dụng mọi thứ vũ khí có trong tay để chiến đấu; trong 30 năm chiến tranh giải phóng, bằng sức sáng tạo và tinh thần tự lực cánh sinh, quân và dân ta kết hợp đánh địch lấy súng địch trang bị cho ta với sản xuất vũ khí, đạn dược; bên cạnh đó còn tranh thủ nguồn viện trợ vũ khí, trang bị của bạn bè quốc tế, nhất là của phe xã hội chủ nghĩa. Đến trước thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ta đã chủ động mua sắm nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội lên một bước mới… Nhờ đó góp phần làm cho QĐND Việt Nam ngày càng phát triển.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn xem trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu hoàn chỉnh, cân đối, bao gồm những cán bộ: Chỉ huy, chính trị, hậu cần, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, nghiên cứu, giảng dạy, làm kinh tế, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng thường trực và lực lượng hậu bị. Ra sức bồi dưỡng, nâng cao năng lực quân sự, chính trị, chuyên môn kỹ thuật, kinh tế, văn hóa cho cán bộ. Tích cực triển khai việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại trường theo phương hướng chính quy, cơ bản toàn diện, hệ thống thống nhất đi đôi với chú trọng bồi dưỡng tại chức một cách có tổ chức, nền nếp. Cần tiến tới tiêu chuẩn hóa yêu cầu trình độ về các mặt của cán bộ các cấp, các ngành để có phương hướng đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, phải hết sức quý trọng và sử dụng đúng những cán bộ đã qua thử thách, trưởng thành từ phong trào cách mạng, trưởng thành từ dưới lên; phát huy cao nhất tài năng và kinh nghiệm của cán bộ… Tích cực chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ để giúp cán bộ có thêm thời gian, điều kiện học tập, nghiên cứu, cống hiến.

4. Chú trọng xây dựng và phát triển NTQS

Trong tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển sáng tạo NTQS độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại mới, trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn, ta kém về số lượng, trang bị vũ khí và tiềm lực kinh tế, quân sự.

Thấm nhuần quan điểm của Đảng, Đại tướng Văn Tiến Dũng rất chú trọng chỉ đạo việc kế thừa, vận dụng sáng tạo NTQS Việt Nam vào lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động quân sự, đặc biệt là trong chỉ huy tác chiến. Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng, NTQS Việt Nam từ khi Đảng lãnh đạo có đặc điểm: Là NTQS của chiến tranh chính nghĩa, tự vệ giải phóng của một nước nhỏ yếu đánh thắng một đội quân xâm lược của một nước lớn mạnh, đánh thắng giặc ngay trên đất đai của Tổ quốc ta; là nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang của toàn dân có LLVT gồm ba thứ quân làm nòng cốt, kết hợp hai phương thức đánh giặc cơ bản là đánh du kích và đánh tập trung; là nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang hiệp đồng chặt chẽ với đấu tranh chính trị, với khởi nghĩa vũ trang và các mặt đấu tranh khác; là nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang trong các cuộc chiến tranh tự vệ và giải phóng đánh lâu dài và dựa vào sức mình là chính; là nghệ thuật đánh địch bằng cách đánh mà ta đã lựa chọn và không cho địch đánh theo cách đánh sở trường của chúng. Trong 30 năm chiến tranh giải phóng, đặc biệt vào giai đoạn kết thúc chiến tranh, quân đội và các quân chủng, binh chủng đã có bước phát triển trong nghệ thuật tác chiến, đánh độc lập giỏi, hiệp đồng quân chủng, binh chủng ngày càng tiến bộ, trên các quy mô khác nhau, cả quy mô lớn nhất như Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Đại tướng Văn Tiến Dũng nhấn mạnh: “Mỗi cuộc tiến công, mỗi chiến dịch, chiến cục, mỗi cuộc tổng tiến công đều có những nét đặc sắc riêng cả trong nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật và vận dụng các loại binh khí kỹ thuật” [12] , vì vậy, để có một nền NTQS Việt Nam phát triển, cần phải quán triệt đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng mà Đảng ta đã đề ra cả trong phạm vi chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, theo một chiến lược tổng hợp để tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất của chiến tranh nhân dân, vì đây là vấn đề cơ bản nhất, then chốt nhất quyết định thắng lợi của chiến tranh vũ trang; là điểm xuất phát để giải quyết đúng đắn mọi vấn đề về NTQS Việt Nam.

Sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội hiện nay khởi nguồn từ những thành quả mà các thế hệ cán bộ như Đại tướng Văn Tiến Dũng dày công gây dựng. Nhớ đến Đại tướng Văn Tiến Dũng-vị tướng xuất sắc, có uy tín lớn của QĐND Việt Nam, mỗi cán bộ, chiến sĩ trên các cương vị công tác khác nhau hãy ra sức phấn đấu làm tròn chức trách, nhiệm vụ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị, quân đội, thiết thực góp phần xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thượng tướng BẾ XUÂN TRƯỜNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, tr.12, tr.304.

[2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12] Văn Tiến Dũng, Sức mạnh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr.77, tr.81, tr.83, tr.145, tr.145, tr.175, tr.176, tr.47, tr.207-208, tr.125.

[11] Văn Tiến Dũng, Chiến tranh nhân dân quốc phòng toàn dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1978, tr.311.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dai-tuong-van-tien-dung-2-5-1917-2-5-2017/quan-diem-cua-dai-tuong-van-tien-dung-ve-xay-dung-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-505578