Quan điểm của Đại tướng Văn Tiến Dũng về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong chiến tranh

Với hơn 65 năm tham gia hoạt động cách mạng, trong đó phần lớn là hoạt động trong quân đội, Đại tướng Văn Tiến Dũng là 'một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng'.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320, trực tiếp chỉ huy đánh địch ở vùng Liên khu 3. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng được giao trọng trách chỉ đạo trực tiếp nhiều chiến dịch lớn: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971); Chiến dịch Trị - Thiên (1972); Chiến dịch Tây Nguyên (3-1975) và làm Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định (4-1975). Là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của quân đội, Đại tướng Văn Tiến Dũng có những quan điểm đúng đắn về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong chiến tranh. Nhờ đó, đã góp phần đặc biệt quan trọng trong chỉ huy, chỉ đạo chiến tranh, quyết định những thắng lợi vẻ vang về quân sự trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (người ngồi thứ nhất bên trái) cùng đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Đại tướng Văn Tiến Dũng (người ngồi thứ nhất bên trái) cùng đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Với những hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật quân sự cùng sự mẫn cảm của người tướng cầm quân, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn nhận thức và đánh giá đúng tầm quan trọng đặc biệt của thời cơ trong chiến tranh. Theo Đại tướng, “thời cơ chính là cơ hội thuận lợi trong một thời điểm nhất định”. Nếu biết tạo và chớp thời cơ sẽ biết mở đầu, điều khiển và kết thúc chiến tranh đúng lúc, đúng cách giành thắng lợi. Chính từ quan điểm đúng đắn này mà trong suốt thời gian tham gia chỉ huy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhất là trong chỉ đạo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này, Đại tướng Văn Tiến Dũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tạo thời cơ và chớp thời cơ để giành thắng lợi. Điều đó góp phần lý giải vì sao kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 được Bộ Tổng Tham mưu thực hiện do ông chỉ đạo đã chuẩn bị rất công phu từ giữa năm 1973, với tám lần dự thảo để trình Bộ Chính trị, trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề thời cơ chiến lược. Cũng chính tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề thời cơ để giải phóng miền Nam mà Bộ Tổng Tham mưu còn chuẩn bị một phương án khác và được Bộ Chính trị thông qua với phương hướng hành động là: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng muốn có thời cơ phải chủ động tạo ra thời cơ. Để chủ động tạo ra thời cơ phải bám sát tình hình, nhất là diễn biến mau lẹ của cuộc chiến tranh, đặc biệt là về so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch. Ông chỉ rõ: "Muốn tạo thời cơ, tranh thủ thời cơ, trước hết phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo: Kiên quyết tiến công, tích cực tiêu diệt địch"; và nhấn mạnh: "Nếu không có tinh thần kiên quyết và liên tục tiến công thì không thể tạo được thời cơ tốt, có thời cơ tốt cũng bỏ lỡ mà có khi còn bị địch ép vào thế bị động rất nguy hiểm". Quan điểm này của Đại tướng Văn Tiến Dũng được thể hiện rõ khi ông chỉ đạo Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (3-1975), nhất là khi ta chọn và chuẩn bị đánh trận mở đầu then chốt vào thị xã Buôn Ma Thuột. Khi bàn về phương án đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột (cuối tháng 2-1975), Đại tướng cho rằng: “Cho đến nay, địch vẫn chưa nghĩ đến việc ta có thể tổ chức tiến công bằng lực lượng quy mô lớn và cũng chưa biết vào thời gian nào. Phía Buôn Ma Thuột này, địch chưa biết rõ lực lượng ta, trừ trường hợp ta di chuyển bị lộ. Trong những ngày tới phải tiếp tục làm cho địch vẫn yên trí hướng tiến công của ta là Kon Tum, Pleiku. Vấn đề thời cơ là ở chỗ này. Phải đẩy mạnh hoạt động sắp tới ở Kon Tum và Pleiku để củng cố thêm sai lầm của địch’’. Chính nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch” được Đại tướng tiếp tục vận dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, ta đã liên tục làm cho địch bất ngờ, sai lầm và đã tạo ra thời cơ lớn cho ta để kết thúc chiến tranh sớm nhất, giảm thiểu thấp nhất sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Với quan điểm chú trọng phát hiện thời cơ và chớp thời cơ, nên khi chỉ đạo Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn bám sát diễn biến của chiến trường, đặc biệt là những hành động quân sự của địch để kịp thời phát hiện thời cơ và chớp lấy thời cơ thuận lợi. Trong thời gian quân ta chuẩn bị đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, Đại tướng chỉ đạo: “Công việc của chúng ta rất khẩn trương và phải hết sức giữ cho được bí mật. Các đồng chí trên mặt trận phải xuống tận nơi giúp các đơn vị, nhất là Sư đoàn 316, anh em mới vào, chiến trường chưa quen, đánh sớm quá không được, nhưng nếu không khẩn trương chuẩn bị, thời gian kéo dài không được". Khi bị quân ta tiến công, theo dõi phát hiện quân đội Sài Gòn rối loạn, rút lui chiến lược, bỏ địa bàn Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã phát hiện ra thời cơ lớn: “Thời cơ lớn bắt đầu từ đây rồi. Muốn nắm chắc thời cơ, trước mắt phải tiêu diệt bằng được quân địch rút chạy, phải diệt chúng ngay trên chiến trường Tây Nguyên, không để chúng thoát về đồng bằng. Phải diệt cho nhanh, cho gọn để thúc đẩy sớm quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh". Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cương vị Tư lệnh chỉ huy các lực lượng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định trên 5 hướng, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn theo dõi, nắm chắc diễn biến chiến dịch và yêu cầu các hướng báo cáo kịp thời, cụ thể tình hình quân ta và quân địch, kiên quyết chỉ đạo thực hiện thần tốc, táo bạo, nhanh chóng chớp thời cơ đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định.

Trong quá trình trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng liên tục chỉ đạo thực hiện việc mở rộng thời cơ và triệt để tận dụng thời cơ. Đặc biệt, khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị trong ngày 22-4-1975: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn”. Chính nhờ vậy, các lực lượng của ta đã mở rộng, tận dụng thời cơ chiến lược bằng thực hiện thần tốc, táo bạo, quyết thắng, nhanh chóng đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4-1975.

Tạo thời cơ và chớp thời cơ trong chiến tranh không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Những quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Văn Tiến Dũng về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong chiến tranh là sự tổng kết sâu sắc từ thực tiễn cuộc đời trận mạc của vị tướng có “tài thao lược xuất chúng”. Những tư tưởng, quan điểm này của Đại tướng đã góp phần làm phong phú kho tàng lý luận chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự đặc sắc, độc đáo của quân đội, của Đảng và của dân tộc Việt Nam. Những tư tưởng, quan điểm về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong chiến tranh năm xưa của Đại tướng, giúp chúng ta có thể vận dụng để chủ động tạo ra những cơ hội thuận lợi mới và biết vượt qua những khó khăn, thách thức trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thiếu tướng, PGS.TS NGUYỄN VĂN BẠO

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/867894/quan-diem-cua-dai-tuong-van-tien-dung-ve-nghe-thuat-tao-va-chop-thoi-co-trong-chien-tranh