Quan chức Mỹ đề xuất cơ động hóa tên lửa hạt nhân

Quan chức Ủy ban Quân vụ Hạ viện kiến nghị quân đội nên phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa di động tương tự của Nga nhằm nâng cao năng lực răn đe hạt nhân.

Tên lửa liên lục địa mạnh nhất của Mỹ rời bệ phóng

Minuteman III là tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất của Mỹ với tầm bắn khoảng 10.000 km mang theo 3 đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III là trụ cột trong sức mạnh răn đe hạt nhân trên đất liền của Mỹ. Tuy vậy, toàn bộ số ICBM của Mỹ đều được triển khai từ các silo phóng cố định trong lòng đất. Điều này khiến khả năng giữ bí mật vị trí phóng tương đối hạn chế.

Tạp chí National Interest cho biết, đầu tháng 7, dân biểu Adam Smith – thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện muốn quân đội Mỹ phát triển tư duy mới về vũ khí hạt nhân, trong đó nhấn mạnh đến việc “thu hẹp” tham vọng để tái cấp vốn.

Một trong những ý tưởng được các quan chức Mỹ đề cập đến là cơ động hóa các ICBM nhằm tăng cường hiệu quả phòng thủ và răn đe, trong khi giảm chi phí thay thế toàn bộ lực lượng.

Tên lửa hạt nhân Mỹ kém cơ động

Trong một bài viết đăng gần đây trên Breaking Defense, tác giả Constance Baroudos và Peter Huessy tin rằng, máy bay tàng hình mang theo tên lửa hành trình hoặc vũ khí hạt nhân rất quan trọng trong chiến lược răn đe hạt nhân.

Nhà phân tích James Hasik – thành viên cao cấp tại Trung tâm Brent Scowcroft về An ninh Quốc tế lại có quan điểm khác. Ông nói với National Interest: “Tôi không thực sự tin vào khả năng răn đe của tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay mà đang được sự ủng hộ của quốc hội. Một trong những vấn đề với máy bay ném bom là phải ở trên không mới có thể thực hiện nhiệm vụ”.

Toàn bộ ICBM Minuteman III của Mỹ đều được triển khai trong các silo phóng cố định. Ảnh: Military.com

Bên cạnh đó, Không quân Mỹ đang tập trung lực lượng vào 5 căn cứ lớn. Điều này tạo ra gánh nặng lớn về hậu cần trong khi lại bất lợi nếu xảy ra xung đột. Nếu một trong các căn cứ chính bị tấn công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng triển khai lực lượng.

Không quân Mỹ đáng ra cần phân tán máy bay và tên lửa ở nhiều căn cứ khác nhau nhằm giảm chi phí hậu cần và tăng khả năng sống sót, nhưng họ chưa thực hiện điều này.

Vấn đề cũng xảy ra tương tự với lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Toàn bộ hạm đội tàu ngầm trên biển chỉ có thể nhắm khoảng 40 mục tiêu điểm, nhưng cũng rất khó khăn để thực hiện điều này.

Đặc biệt sau sự kiện Brexit, căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ ở Scotland có thể phải di chuyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng duy trì lực lượng và nhắm mục tiêu.

Trụ cột trong sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ vẫn là khoảng 450 tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III. Tuy nhiên, các vụ bê bối gần đây liên quan đến việc duy trì hoạt động ở các cơ sở hạt nhân làm dấy lên mối quan ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tên lửa chiến lược Mỹ.

Hàng chục sĩ quan, binh sĩ ở các cơ sở tên lửa hạt nhân đã bị sa thải vì không hoàn thành nhiệm vụ. Đầu năm 2016, 3 sĩ quan đã bị sa thải vì làm hỏng tên lửa Minuteman III khiến Không quân Mỹ phải tốn 1,8 triệu USD để khắc phục sự cố.

Học Nga phát triển tên lửa di động

Ông Hasik cho rằng, để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng tên lửa hạt nhân, Mỹ cần cơ động hóa chúng tương tự các ICBM di động của Nga. Các tên lửa đặt trên xe phóng cơ động hoặc trên đường sắt sẽ ít tốn kém hơn so với các tên lửa đặt trên tàu ngầm.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa di động RS-24 Yars của Nga trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Sputnik

Các tên lửa di chuyển liên tục cũng làm giảm nguy bị tấn công hạt nhân vì vị trí phóng liên tục thay đổi, đảm bảo yếu tố bí mật. Việc đặt các tên lửa lên xe phóng cơ động chắc chắn không phải là vấn đề quá khó khăn đối với Mỹ, vì ngay cả Triều Tiên cũng có thể thực hiện điều này.

Nga đang duy trì hai loại tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ silo cố định và cơ động trên mặt đất. Điển hình là tên lửa R-36 Satan phóng từ silo và loại cơ động RT-2PM2 Topol-M. Gần đây, lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã đưa vào hoạt động loại ICBM di động RS-24 Yars mới có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân.

Các ICBM di động đem lại cho Nga khả năng đáp trả nếu xảy ra tấn công hạt nhân nhắm vào các silo cố định của họ, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật trong triển khai lực lượng và che giấu vị trí phóng.

Quốc Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quan-chuc-my-de-xuat-co-dong-hoa-ten-lua-hat-nhan-post667496.html