''Quan chức không kê khai trung thực thì... đừng làm quan nữa''

"Quan chức nếu thu lợi bất chính mua nhà, mua đất, mua các tài sản có giá trị lớn đều không đứng tên mà chuyển cho người thân trong gia đình".

Người thân của quan chức cũng phải kê khai tài sản

Trao đổi với Đất Việt, ngày 31/10, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết: "Trong quá trình thực tiễn đấu tranh phòng chống tham nhũng, xuất hiện thực trạng giao tài sản cho người thân đứng tên.

Chúng tôi chủ yếu nghe qua được các phản ánh tố giác hành vi tham nhũng của người dân, tiêu biểu như vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng do người dân tố cáo phát hiện ra. Theo đó, họ nói rằng, ông Thanh có nhà này, nhà khác hàng trăm tỷ đồng, rồi hàng loạt các tài sản không đứng dưới tên của bản thân của ông Thanh.

Nhưng tất cả đó chỉ là hiện tượng, kết luận được thì phải qua quá trình thẩm định. Cho nên, sắp tới, khi sửa luật, có thể tôi sẽ đề nghị kê khai tài sản của cả người thân trong gia đình quan chức.

Vì những quan chức nếu thu lợi bất chính khi mua nhà, mua đất, mua các tài sản có giá trị lớn đều không đứng tên mà cho người thân trong gia đình, con cái trên 18 tuổi đứng tên.

Chúng tôi kiên quyết đã làm quan chức thì phải kê khai trung thực, phải chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì đừng làm quan chức nữa. Nhưng phải có chế tài kiểm tra, giám sát việc kê khai có trung thực hay không?.

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng

Bởi số lượng cán bộ phải kê khai tài sản nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề đối tượng kê khai có làm đúng không, chính xác không, kê khai rồi có quản lý được không, có cơ chế giám sát không, có biết được sự tăng giảm của tài sản không. Còn như kê khai tài sản mà không quản lý được, không công khai được thì kê khai làm gì.

Hơn nữa, nếu chỉ có đối tượng quan chức là chưa đủ, phải có người thân thích nữa thì mới giải quyết được vấn đề".

Bên cạnh đó, ông Đạt chỉ rõ hơn, trong gia đình, vợ chồng phải kê khai, con cái vị thành niên cũng phải kê khai, kể cả người thân thiết cũng phải kê khai. Trước mắt, người thân thiết trong gia đình, sau đó là người có liên quan đến dòng máu, cùng dòng họ, chỉ cần quan hệ, trực hệ, còn họ hàng xa xôi quá thì chưa cần thiết.

Bởi vì, phải thân thiết thì họ mới giao tài sản cho, còn không thì chắc chắn không ai dám giao cho. Yêu cầu kê khai ít mà giám sát được còn tốt hơn nhiều không kê khai, quản lý được.

Khoanh vùng đối tượng tham nhũng là có chức, có quyền

Đặc biệt, ông Đạt cho biết thêm: "Việc tham nhũng hiện nay tập trung vào những người có chức, có quyền, những người quản lý trực tiếp tài sản, khi đó, mới có điều kiện tham nhũng.

Có những người chức vụ rất bé, nhưng quyền rất lớn, nên có điều kiện tham nhũng, như thủ kho, kế toán, chức thì nhỏ, nhưng lại cầm chìa khóa tài sản".

Nhưng vấn đề quan trọng nhất, theo ông Đạt phải quản lý , thống nhất được từ cấp Trung ương đến địa phương, có một cơ quan quyền hành, quản lý dữ liệu, chịu trách nhiệm, cung cấp tổng hợp.

Đương nhiên, chúng ta có 2 cơ quan quan trọng là Ủy ban kiểm tra trung ương và Thanh tra chính phủ phải tính toán dữ liệu, thống nhất quản lý, phân cấp. Đi cùng với đó, cả đất nước phòng chống tham nhũng thì phải có cơ quan tổng hợp chung dữ liệu, chịu trách nhiệm khẳng định tính trung thực của việc kê khai, thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

Ngoài ra, việc phòng, chống tham nhũng phải dựa vào nhân dân, không có gì có thể qua được mắt dân, cái gì dân cũng biết, chỉ là chúng ta có xử lý được hay không.

Trách nhiệm người đứng đầu phải cụ thể

Trước nhiều lời nhận xét về vấn đề tham nhũng của ĐBQH những ngày qua, là đơn vị có trách nhiệm trong công cuộc chống tham nhũng, ông Đạt nói: "Thời gian qua, mọi văn bản giám sát quá trình chống tham nhũng đều có, nhưng thực tế quá trình thực hiện, xử lý là cả vấn đề khó khăn.

Bởi vì nó liên quan đến nhận thức, thành tích, lợi ích nhóm, trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng, nên có cân nhắc đưa ra cụ thể hơn trong Luật và văn bản dưới Luật.

Để làm sao người đứng đầu gương mẫu, trong sạch, quyết tâm, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Đảng, dân tộc. Tất cả các cán bộ ở Trung ương, ĐBQH hãy gương mẫu, đồng lòng thống nhất, để làm gương.

Cho nên, trách nhiệm người đứng đầu phải được đề cao, kiểm tra và làm hết sức nghiêm túc. Vừa rồi chúng ta xử lý chưa được bao nhiêu, nhiều cái dám xử lý nhưng chưa triệt để vì nguyên nhân chủ quan, thành tích và lợi ích nhóm nên dân chưa thấy thỏa đáng, cho nên thời gian tới phải làm mạnh hơn.

Là đơn vị chủ quản chúng tôi vô cùng áp lực về vấn đề triển khai thực hiện, nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vừa làm, vừa phát hiện, vừa tham mưu cho Chính phủ sửa Luật phòng chống tham nhũng cho cụ thể hơn.

Nhưng theo tôi, chỉ một Luật chống tham nhũng không đủ, phải kiến nghị, chỉ đạo các ngành khác, khắc phục sơ hở trong các bộ Luật khác như Luật lao động, Luật đấu thầu, các Bộ Luật kể cả cải cách hành chính để làm đồng bộ quyết liệt, toàn diện".

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/quan-chuc-khong-ke-khai-trung-thuc-thi-dung-lam-quan-nua-3322005/