Quán ăn Việt ''nhái'' Thủy hử: ''Bà bún chửi'' nhắc... truyền thống

'Mình là người Việt Nam, bán món ăn dân tộc Việt Nam thì nên sống đúng cách như người Việt Nam. Tại sao lại phục vụ theo cách Trung Quốc?'.

Phải tôn trọng truyền thống

Thời gian gần đây tại Hà Nội và TP.HCM xuất hiện một số quán ăn bán đồ Việt Nam nhưng được trang trí theo phong cách Thủy hử của Trung Quốc.

Để thu hút sự chú ý của thực khách, nhiều chủ cửa hàng đã kỳ công trồng những rặng trúc cao, xây dựng nhiều dòng suối nhân tạo, thực đơn được viết trên những mảnh tre ghép lại. Thậm chí mỗi bàn ăn được tạo thành một lán trại riêng và ngay cả nhân viên phục vụ cũng trong trang phục binh lính.

Chia sẻ với Đất Việt, bà Hán Thị Kim Thảo (chủ quán “Bún chửi” ở phố Ngô Sỹ Liên, Hà Nội) cho rằng mỗi người có một cách thức kinh doanh riêng. Tuy nhiên với cá nhân bà, để tôn trọng đồ ăn Việt và thực khách lúc nào bà cũng ưu tiên sử dụng những chất liệu thuần Việt.

Bà Thảo ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên Đất Việt về chuyện nghề, chuyện đời. Ảnh: Hoàng Nam

Bà Thảo ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên Đất Việt về chuyện nghề, chuyện đời. Ảnh: Hoàng Nam

“Tôi bán hàng từ năm 1986 đến nay, tôi hoàn toàn có đủ khả năng để cải tạo quán, trang trí đẹp hơn. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên như cũ vì vốn tính đơn giản. Tôi không thích màu mè, màu sắc thế nọ, thế kia. Nhiều người thích lịch sự đến quán yêu cầu thay đổi nhưng tôi kiên quyết từ chối. Tôi bảo có thể đi vào nhà hàng, khách sạn, quán ăn đắt tiền để ngồi thoải mái với điều hòa, máy lạnh. Ở đây bình dân chỉ có thế thôi”, bà Thảo tâm sự.

Trước việc nhiều chủ nhà hàng, quán ăn trang trí và phục vụ theo phong cách kiếm hiệp Trung Quốc, bà Thảo cho rằng, có thể ban đầu thực khách thấy mới lạ sẽ vào đó một lần cho biết. Tuy nhiên độc đáo không phải quyết định tất cả. Cái quan trọng theo chủ quán “bún chửi” đó là chất lượng món ăn và giá cả phù hợp với túi tiền của người dân.

“Tính tôi rất xuề xòa. Ai tiếp xúc nhiều rồi sẽ thấy. Tôi nghĩ đơn giản thế này, mình là người Việt Nam, mình bán món ăn dân tộc Việt Nam thì nên sống đúng cách như người Việt Nam. Tại sao phải sử dụng, trang trí bằng những đồ dùng và trang phục Trung Quốc như vậy. Đó cũng là cách để tôn trọng món ăn Việt. Tôi nghĩ cứ thuần Việt thì sẽ hay hơn.

Mà cứ đơn giản như quán tôi thì giá cả cũng sẽ rẻ hơn. Chỉ 40.000 đồng/bát bún thôi. Với những người già, trẻ em thì tôi làm ít hơn. Chứ vào những quán kia có thể họ trang trí như thế thì giá cả sẽ đắt hơn, khách vào ăn chịu chứ sao”, bà Thảo chia sẻ.

Bản thân sở hữu một quán bún có tiếng tại Hà Nội, bà Thảo khẳng định, rất ít khi có những khoảng thời gian đến ăn uống ở các nhà hàng, khách sạn.

“Tôi chỉ gắn bó với quán, chả đi được đâu. Mấy ngày tết tranh thủ rảnh rỗi thì đi lễ chùa, cầu may mắn cho gia đình. Nhưng nếu được chọn thì tôi sẽ vào những quán thuần Việt, dân dã, giản dị như chính con người mình”, bà Thảo nói.

Nỗi khổ làm dâu trăm họ

Bỗng dưng trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trong chương trình ẩm thực nổi tiếng của kênh truyền hình CNN, bà Thảo cho biết, bản thân bà, quán ăn và các thành viên trong gia đình cũng có đôi chút xáo trộn.

Làm nghề bán phở từ những năm 1986, bà Thảo khẳng định, không bao giờ muốn dùng những từ nặng lời để nói với khách hàng. Tuy nhiên phận làm dâu trăm họ, nên nhiều khi sự kiềm chế vượt ngoài khả năng chịu đựng của bản thân.

Bà Thảo khẳng định sẽ không bao giờ thay đổi phong cách quán dù sau này truyền lại nghề cho con cháu. Ảnh: Hoàng Nam

“Quán ăn của tôi bình thường vẫn đông khách, phục vụ tất bật từ 11h trưa đến 7h tối. Tuy nhiên những ngày gần đây thì đúng là có đông gấp đôi, gấp 3 lên thật. Phận làm dâu trăm họ cũng không phải sung sướng gì cả. Tôi cũng không muốn mắng chửi gì khách hàng cả. Nhưng có phải ai người ta cũng nhẹ nhàng, dễ chịu với mình đâu. Có người vào sau nhưng đòi ăn trước. Có người gọi bún nhưng khi mang ra lại yêu cầu đổi cái nọ, cái kia. Khách cũng có đủ các dạng từ người già, người trẻ, người có học, người vô học, công chúa có, hoàng tử có, thậm chí có cả xã hội đen.

Tôi bán hàng lấy tiền thì sao muốn chửi khách. Mọi người cũng cần thông cảm cho tôi”, bà Thảo trải lòng.

Chia sẻ về cuộc đời của mình, bà Thảo thỉnh thoảng lại đưa tay gạt những giọt nước mắt trên má hay nhát dừng để kiềm chế cảm xúc của bản thân.

Quê gốc ở Hà Nội, học đến lớp 7 thì bà Thảo nghỉ học ở nhà để phụ giúp gia đình. Một thời gian sau, bà cũng nối gót các chị lập gia đình. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười, nhưng những ngày tháng cơ cực tiếp tục dày vò khiến bà Thảo nhiều khi muốn buông tay.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/quan-an-viet-nhai-thuy-hu-ba-bun-chui-nhac-truyen-thong-3320656/