"Quái kiệt" Bo Bo Hoàng: Không tuyệt vọng, đánh mất mình

NS Bo Bo Hoàng nói nghệ sĩ sợ già nên thường đi bơm môi, cắt mắt, sữa mũi, nâng cằm…nhưng rồi vẫn không thể cứu vãn khi tuổi thanh xuân đã trôi qua. Bà trên 60 tuổi vẫn nhận sô diễn đều đều, được gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp và tận hưởng những niềm vui từ nghề nghiệp

· Phóng viên: Dù sinh sống trong hoàn cảnh nào khi về già con người ta hay ngồi suy gẫm lại quá khứ, bà có như vậy không?

- NS Bo Bo Hoàng: Đúng. Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển , bị trở ngại trong giao tiếp đã làm một số người sống cuộc sống tẻ nhạt, từ đó đưa tới trầm cảm, sống khép kín, sinh ra đủ thứ bệnh; có chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này. Với nghệ sĩ, tuổi già là một chuỗi dài ký ức để nhớ về những hào quang một đời. Tuy nhiên, tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh.Tôi cho rằng chính tình thương và tinh thần lạc quan sẽ là gốc rễ giúp cho chúng ta sống khỏe. Bất cứ đó là nghệ sĩ hay là người làm công việc bình thường nào khác.

Nữ quái kiệt Bo Bo Hoàng

· Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ cười. Nhưng ngày nay điều đó đã được ngành y khoa công nhận là đúng. Theo bà, nghệ sĩ ở tuổi về chiều làm gì để thoát khỏi sự cô đơn?

- Cần những buổi tịnh tâm, biết cầu nguyện tùy theo tôn giáo của mỗi người. Nghệ sĩ về chiều thích làm từ thiện, thích đi chùa và có thật nhiều bạn đồng cảm về công tác thiện nguyện. Một lần đến thăm Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM, tôi bắt gặp nhiều đồng nghiệp có vợ con, có gia đình, nhưng vẫn thích vào sống chung với bạn bè đồng nghiệp như: cô Hoài Dung, chị Thiên Kim, cô Ngọc Đáng, chị Diệu Hiền, Ngọc Hương... Chính vì mái nhà chung này mang lại cho họ nhiều niềm vui cho tuổi già.

Công việc hàng ngày của nữ quái kiệt Bo Bo Hoàng là làm mũ, mão sân khấu cho nghệ sĩ

· Bà có nghĩ, phải chăng khi không nói ra được những gì dồn nén bên trong là tự làm khổ mình. Khi được nói ra, hoặc viết ra được những nỗi lòng thì hệ thống đề kháng sẽ được tăng cường và nghệ sĩ về chiều ít phải uống thuốc?

- Theo tôi, khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm. Tôi nhớ hồi còn sống, chú ba Văn Ngà thích kể chuyện vui ở hậu trường, gặp chú là được nghe chú kể. Lồng trong mỗi câu chuyện là những trải nghiệm vui buồn của đời nghệ sĩ. Sự cô đơn cũng là chất độc. Nếu không mở lòng ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim của mình khi bị bệnh mà thôi! Nghệ sĩ tuổi về chiều vào bệnh viện rất khổ.

NS Bo Bo Hoàng và NS Thanh Thủy trong tiểu phẩm hài "Bên tượng sáp thấy thiên nga"

· Theo chị tuổi như thế nào thì gọi là già? Là nữ nghệ sĩ chị có sợ mình già nua khi xuất hiện trước công chúng?

- Một người qua đời từ tuổi 60 thì được gọi là “hưởng thọ”. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một phần thưởng của trời cho. Theo tôi nên sống thế nào với những ngày “phần thưởng” này. Nghệ sĩ sợ già nên đi bơm môi, cắt mắt, sữa mũi, nâng cằm…nhưng rồi vẫn không thể cứu vãn khi tuổi thanh xuân đã trôi qua. Tôi trên 60 tuổi vẫn nhận sô diễn đều đều, khi thì đi hát chầu, khi đi hát từ thiện, để gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp và tận hưởng những niềm vui từ nghề nghiệp. Tôi thấm nhuần những lời Phật dạy: “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng”.

· Theo bà lạc quan mang một ý nghĩa nào đối với người nghệ sĩ?

- Theo tôi tinh thần lạc quan là một cẩm nang mà người nghệ sĩ nên luôn mang theo bên mình. Tôi không nghĩ mình già rồi, tôi không giúp ích được cho nghề nữa hoặc tôi vụng về, chẳng làm gì được. Khi không có vai thì tôi làm những việc liên quan đến nghề hát, như hiện nay là nghề làm đẹp, sáng chế mũ mão, các kiểu tóc cho nữ nghệ sĩ đóng các vai cổ trang. Nhiều đồng nghiệp khác như chị Hồng Sáp thì làm đồ hội, chị Xuân Yến vẫn đi lãnh chầu làm bầu, chị Thanh Loan thì dạy cho các con cháu diễn xuất…tất cả đều là những niềm vui, sự lạc quan của tuổi già nghệ sĩ. Lạc quan còn đồng nghĩa với sự hiện diện của tình bạn. Bạn hiền trong nghề phải là bạn tốt, nhìn thấy khuyết điểm, ưu điểm của ta mà nói thẳng. Hãy lắng nghe tiếng chuông lạc quan của nhau. Hãy sống tử tế hết sức mình. Đời nghệ sĩ không gì hạnh phúc là tuổi già được nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được. Tôi nhớ ơn má Bảy Phùng Há, bà nói một câu đi vào huyền thoại “nghệ sĩ sống chung thì đến lúc thác không thể để họ đơn lẻ”, do đó Khu Dưỡng Lão nghệ sĩ TPHCM, Chùa Nghệ sĩ, Nghĩa trang nghệ sĩ TP….là những di sản quý mà bà đã gầy dựng và duy nhất có ở VN.

Nữ quái kiệt Bo Bo Hoàng và NSƯT Tú Sương trong vở cải lương "Tấm Cám" (Sân khấu Vàng)

· Diễn hài nhiều, tính hài hước theo bà có làm cho người nghệ sĩ sống khỏe? Tại sao hầu hết số phận của nghệ sĩ hài đều rất khổ?

· Cười là những liều thuốc bổ. Hôm xem Hoài Linh diễn hài, cảnh tập thể dục , “hai tay đặt ngang ngực”, mà để xuống tới gần eo. Lúc đó tôi nhớ đến một chuyện phiếm rất duyên của một nữ nghệ sĩ Opera lừng lẫy. Khi bà ở tuổi 77, truyền hình phỏng vấn bà về một ngày thường nhật của tuổi hạc, bà cười duyên dáng nói:"Có vô số chuyện xảy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước". Khán giả nghe bà, cười chảy nước mắt. Tôi chiêm nghiệm vấn đề này ở chỗ, những ảnh hưởng đến sức khỏe của mình chẳng qua đều từ tinh thần mà ra.

· Tất cả những trải nghiệm mà chị chia sẻ có phải đúc kết từ những tháng ngày chị sống vất vả với nghề và vững niềm tin vào nghiệp Tổ?

Những đóng góp của tôi với nghề còn quá ít, điều đó đã tạo nên nhiều cảm xúc để tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến, làm những điều gì có thể cho nghề, cho sự nghiệp chung. Vì nghệ sĩ đã cùng chung một mục đích là thể hiện tình yêu với nghề thì đó là cơ hội cho những em, cháu tiếp nối sau này, để họ có những bài học sáng tạo, những kinh nghiệm biểu diễn.

Cuộc sống với bao nhiêu bộn bề đôi khi đã làm cho chúng ta chai sạn, nhưng bất chợt chúng ta được chứng kiến những hành động nghệ thuật vì mục đích chung cao cả, sẽ làm cho thế hệ trẻ cảm nhận được thành quả đạt được từ tiền nhân đi trước đã khai phá. Điều đó làm cho chúng ta tin rằng cái đẹp vẫn hiện diện chung quanh ta, chính cái đẹp của nghệ sĩ, của tuổi hạc trắng với biết bao tấm gương sáng luôn làm cho tâm hồn chúng ta đẹp hơn. Quên đi những bon chen, những tị hiềm của đời thường và cùng nhau nhìn về phía cao hơn.

Nữ quái kiệt Bo Bo Hoàng

NS Bo Bo Hoàng thường nói: “Hãy ngắm kỹ một con hạc trắng. Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung... Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc. Người nghệ sĩ đến thời tuổi hạc, đức cao, nhân cách tỏa sáng, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo phải kể đến: NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam, NSND Năm Châu…Đó là những hiện thân Tổ nghiệp để nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương học hỏi”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/quai-kiet-bo-bo-hoang-khong-tuyet-vong-danh-mat-minh-201607222223545.htm