Quá vãng một mến thương

Đang những ngày đổi đời. Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đang được tháo dỡ khẩn trương để có một mặt bằng sạch. Tự dưng cứ bâng khuâng một quá vãng.

Bác Hồ một lần đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Ảnh: Bảo tàng Dệt May.

Bác Hồ một lần đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Ảnh: Bảo tàng Dệt May.

Hình như hai năm bảy bảy bảy tám của thế kỷ trước là hay đi Dệt Nam Định lắm. Hoạt động nghiệp vụ khi ấy của nhiều tờ báo lắm khi cứ xoay quanh con chim đầu đàn của ngành công nghiệp nhẹ là Dệt Nam Định. Những dịp lễ lạt này khác không mấy khi mà hình ảnh bà Phạm Thị Liên - Anh hùng Lao động, nguyên tổ trưởng tổ dệt máy Đức số 1, ca C, buồng dệt A (Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa), nguyên đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII rồi trở thành Phó Giám đốc Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định.

Rồi nữa, ảnh Anh hùng Lao động Đào Thị Hào (vợ nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An) hay được in trên các trang nhất. Ông Trưởng ban kinh tế của báo Lê Văn Ba hay nghĩ ra lắm đề tài này khác về nhà máy Dệt. Khi thì thợ trẻ nhiều sáng kiến. Khi thì phát động phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi. Lúc thì sáng kiến tiết kiệm vải vụn vv… Lĩnh ấn tiên phong để thực thi là phóng viên Dương Xuân Nam (tức là nhà thơ Dương Kỳ Anh, người trở thành Tổng biên tập báo Tiền Phong sau này) và tôi.

Thời ấy Dương Xuân Nam gầy mảnh. Không biết đam mê viết báo hay làm thơ cái nào nhỉnh hơn? Dương Xuân Nam làm thơ lạ lắm. Ngẩn mặt thừ người đã đành như lúc nghĩ ngợi viết bài báo. Nhưng mỗi khi có người vào phòng là lão khẽ thụi cái ngăn kéo vào. Trong ngăn kéo là cuốn sổ hoặc trang bản thảo thơ mà lão viết dở. Quy định kỷ luật bất thành văn nhưng rất ngặt của cơ quan khi ấy là làm báo thì thôi thơ. Mà cái Ban Kinh tế khi ấy có hai ông máu mê cùng âm thầm với thơ là Dương Xuân Nam và Nguyễn Hoàng Sơn (người nhiều năm cầm tờ Tiền Phong chủ nhật khổ nhỏ nổi danh một thời). Cả hai ông sau này đều thành danh cả!

Lần ấy chen tàu chợ về Nam Định ngồi toa đen nghẹt những người. Toa ấy vốn chở than. Chen chúc lẩn thẩn thế nào một chiếc dép của tôi bị kẻ nào gạt mất. Xuống ga Nam Định chường mặt ra ánh điện thấy mặt mũi thằng nào cũng lọ nhem nhọ thủi. Đang chân dép chân không thất thểu về nhà khách Liên hợp Dệt thì Dương Xuân Nam suỵt tôi đứng lại. Lão thì thào rằng có nghe thấy cái gì không? Cái gì là thứ mãi sau mới nhận ra là âm thanh của tiếng guốc. Dương Xuân Nam nói đó âm thanh đặc thù của xứ dệt Thành Nam.

Chao ôi là cái tai của giống mần thơ hình như không chịu theo thông lệ của thiên hạ rằng mỗi ngày như thế đều đặn 3 lần tiếng còi tầm giao ca của Nhà máy Dệt Nam Định hú vang khắp thành phố mà lại ám ảnh âm thanh tiếng guốc? Lắm đêm nằm ở nhà khách, tầm đổi ca, âm thanh đặc thù như Dương Xuân Nam nói là tiếng guốc ấy, khi rào rào như một trận mưa xa đang đến, lúc thì thoảng mơ hồ như một cơn gió chuyển mùa. Các cô thợ dệt thành Nam khi đi làm tuyền mang guốc? Lạ thế. Về Dệt thành Nam mấy bận.

Được dẫn đi tham quan phòng truyền thống. Chợt ngớ ra có khi âm thanh guốc dép ấy có từ cái năm 1898, khi Toàn quyền Pháp Paul Doumer đã đồng ý cho ông Dadre - một phái viên nghiên cứu vấn đề tơ lụa Đông Dương - thành lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước tại thành phố Nam Định, nằm gần bờ con sông Đào chạy qua thành phố? Hay là năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty Bông, Vải, Sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré đã hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh? Mà gần nữa là 1954, Nhà máy Dệt Nam Định được Nhà nước tiếp quản?

Đang nói dở cái âm thanh tiếng guốc. Dạo ấy Dương Xuân Nam có một chùm thơ về tiếng guốc này không biết in ở báo nào? Và thuở ấy lão đang yêu. Có một cô ở phân xưởng sợi là điển hình tiên tiến Dương Xuân Nam từng gặp phỏng vấn viết bài. Tôi cũng quên tên. Chỉ có khi đang yêu thì người ta mới lọc, mới chọn được cái thứ âm thanh dưới chân người yêu của mình như thế? Tỷ như cái dạo chúng tôi liền kề những đi về nhà máy tuyển than Cửa Ông.

Ở đó có hàng trăm cô gái chuyên làm cái việc đơn điệu và nặng nhọc là lựa những viên than đá cùng tạp chất trong cái băng chuyền dài dặc. Ngày nào cũng như ngày nào. Ca nào cũng vậy. Các cô ai cũng tùm hum chằng buộc kín khuôn mặt của mình. Chỉ hở ra đôi mắt. Và ánh nhìn.

Tôi có cảm giác cô nào cũng xinh xắn và đầy sức sống qua ánh nhìn mà Dương Xuân Nam, không biết có vương vấn với cô nào cụ thể không mà đã đưa vào thơ thương lắm cái nhìn nhanh nhánh than. Nhưng mọi thứ thoắt thành quá vãng… Bởi mối tình với cô thợ dệt ấy của Xuân Nam cũng chỉ thơ thẩn vương thương vương nhớ một dạo dài rồi cũng chả đi đến đâu cả.

Một góc Dệt Nam Định chuẩn bị phá dỡ.

Cái năm khó ấy đi Dệt Nam Định với thư ký Công đoàn cơ quan báo là Nguyễn Văn Minh (sau là Phó Tổng Biên tập Tiền Phong, đã mất) cùng Nguyễn Hoàng Sơn, Chu Thúy Hoa (sau này cầm Ban Bạn đọc của Tiền Phong, kiêm luôn chân Công đoàn). Không biết ông Ngọc (Giám đốc nhà máy, nay đã mất) cho xơi loại rượu dâu tằm gì đó mà cả bọn say lử lả. Trận say ấy còn nhắc nhớ nhiều năm. Nhưng nhắc nhớ hơn cả là mảnh vải lụa đen bóng mỗi người được ông Ngọc tặng cho đem về mang bán ở chợ Giời tròm trèm mỗi mảnh gần nửa tháng lương.

Có một cụ cao niên hễ nhắc đến Dệt Nam Định là y như cứ mặn chuyện như thể lên đồng. Bởi cụ đều chi dùng quỹ thời gian thuở trai trẻ lẫn tráng niên cho công tác Công đoàn Dệt Nam Định. Cụ lại có chân và là hạt nhân phong trào văn nghệ của nhà máy Dệt. Trên tường gian phòng ngủ, cụ treo lai vật bất ly thân ba thứ. Cái đàn băng giô, mandoline và đàn tranh.

Không phải để ngắm mà cao hứng lên cụ lấy xuống dạo ngay một làn điệu chèo. Cứ như chuyện của cụ, những làn điệu chèo hoặc ca khúc nọ kia đã rộn rã từ cái thời bom Mỹ khi nhà máy Dệt hồi ấy phải đi sơ tán. Đã rộn ràng từ cái thời cụ kể anh cu Thăng đạt danh hiệu bé khỏe bé ngoan ở nhà Mẫu giáo Liên hiệp Dệt. Anh cu Thăng mà cụ nói là ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bây giờ. Còn cụ là Đinh Văn Nhu - thân phụ ông Thăng.

Mỗi người có cái cách cảm cùng lưu luyến với một nhà máy Dệt sau 118 năm tồn tại. Chả hạn như ông bạn Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó tổng VTV, nay là chủ trang Bog cơm có thịt đang được mến mộ) quê ở thành Nam, không hề làm ngày nào ở nhà máy Dệt nhưng nghe tin cơ ngơi hơn 1 thế kỷ chuẩn bị phá dỡ đã làm hẳn một bức tâm thư tha thiết đề nghị các nhà chức việc dành hẳn một góc nào của cơ ngơi khổng lồ đồ sộ Dệt Nam Định để lại làm kỷ niệm!

Nghe chuyện có cái thư của Trần Đăng Tuấn, tôi thoát đâm giật thột lắm thứ. Một quá vãng huy hoàng căng chật bao kỷ niệm của nhiều thế hệ thợ cơ khí Việt những là Cơ khí Trung Quy Mô Quang Trung với lại Cơ khí Trần Hưng Đạo đã quang lâng nhường chỗ cho những cao tầng Royal City, Vincom. Rồi lộng lẫy kiêu sa Melia Hotel trên cái nền xưa liền hai số nhà của nhà máy Điện Cơ vv… Tôi có mang máng nhớ trước khi khai tử những đứa con đầu lòng của cơ khí Việt như thế đã có những ý kiến nên lưu lại một góc hoặc một kiểu như văn bia bảo tàng?

Trở lại ý kiến bâng khuâng của ông bạn Trần Đăng Tuấn, không biết những đề nghị ấy được Lãnh đạo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) lưu tâm đến đâu? Có ý kiến bảo rằng hơi khó, thậm chí vớ vẩn bởi một góc của cái Liên hiệp Dệt to đoành ấy cũng phải choán chỗ hàng ngàn mét vuông? Lại nữa may mắn Vinatex mấy năm trước đã lo xa có hẳn một thứ như Bảo tàng Dệt Nam Định rồi cơ mà?

Tôi đã về cái nơi được coi là bảo tàng ấy ở thành Nam. Hình như không phải cứ ở địa danh thành Nam và xây ngay cạnh chỗ cũ của Dệt Nam Định là thành một thứ gợi mở biểu đạt tóm lại là toát lên hơi hướng của một quá vãng? Thành thực mà nói, không phải khuất nẻo nhưng bảo tàng hơi bị vắng khách thăm.

Cô nhân viên thực thà cho hay, chỉ có nhân viên ngành Dệt khi đi công tác thì ghé thăm hoặc sinh viên theo học ngành này tới thăm. Còn là vắng lắm! Biết ơn lãnh đạo Vinatex đã tùng tiệm dành ra một không gian kha khá cho bảo tàng để dung chứa các hiện vật như vật liệu, máy móc, kỷ vật của Dệt Nam Định một thuở một thời.

Thôi ông nhân sĩ Trần Đăng Tuấn quê thành Nam ta ơi, chưa có cái mình cần thì hẵng bằng lòng với cái đang có vậy. Ông hãy rủ bạn bè về thành Nam về cái Bảo tàng Dệt may này, bên cạnh những kỷ vật này khác thử cố gợi một quá vãng… Và nữa, gắng nhẩm lại ca từ của cố nhạc sĩ Trần Chung (tác giả của những Em ơi mùa xuân đến rồi đó; Cúc Phương ơi chiều nay anh đến quê em; Tiếng gọi Sông Đà vv…):

Nắng lên nắng lên đi
Cho hoa gạo quê tôi rực rỡ
Cho thắm vườn Cửa Đông
Cho hoa chào đón xuân về
Trên đất quê tôi đã từng qua những ngày khói lửa

Ôi nghe sao mà mến thương đất dệt quê ta ơi

Niềm tự hào truyền thống của Nam Định kiên cường

Chắc ông còn nhớ ca khúc Mùa xuân trên thành phố Dệt ấy ? Bài hát được coi là tỉnh ca của Nam Định của Hà Nam Ninh thuở nào?

Mà phải là ca sĩ Bích Liên hát chứ không phải là Anh Thơ bây giờ?

Dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định từ nền cũ nhà máy Dệt Nam Định có quy mô 24,8 ha với tổng mức đầu tư trên 410 tỷ đồng được thực hiện trong khoảng 5 năm.

Dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định sau khi hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất đô thị sạch với 936 lô đất ở biệt thự, liền kề; 20.076 m2 công viên cây xanh và thể dục thể thao, 16.314 m2 đất thương mại dịch vụ và 34.748 m2 đất giáo dục, y tế, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và với tiêu chí môi trường sống xanh, sạch, văn minh, là một đô thị mới trong lòng đô thị cổ thành Nam.

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/qua-vang-mot-men-thuong-1025720.tpo