Qua những lá thư thời chiến

Những lá thư thời chiến được Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng dày công sưu tầm hơn 10 năm qua phần nào khắc họa được nỗi niềm con người sống trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, những con đường ra trận hiểm nguy nhưng hùng tráng…

Giá trị lịch sử của những lá thư thời chiến

Đất nước Việt Nam đã đi qua hai cuộc kháng chiến với biết bao người Anh hùng xông pha nơi tiền tuyến đóng góp máu xương mình cho độc lập tự do. Theo Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: “Những lá thư thời chiến vừa là kỷ vật còn lại qua năm tháng, vừa là di vật thiêng liêng, bởi 2/3 những người viết chúng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của đất nước hôm nay”.

Những dòng thư vang nhịp hành quân

Thời chiến có vô vàn đường thư. Phần lớn những lá thư không tem. Đặc biệt, có những lá thư được mở ngoặc “thư ra Bắc” hoặc “thư vào Nam” thay cho tem. Những lá thư được quân bưu chuyển đi hoặc chuyền tay nhờ đồng đội chuyển trong ngày phép. Có khi phép được 10-15 ngày thì thời gian chuyển thư chiếm hết cả. Ngay cả thời gian chữa trị vết thương cũng có thể tranh thủ chuyển thư từ.

Còn các cán bộ hoạt động trong lực lượng công an nhân dân, nhiều khi một quân khu gửi chung thư về cho một đồng chí - một địa chỉ, đồng chí đó sẽ có trách nhiệm chuyển thư đến từng gia đình. Một số vùng giải phóng, các cơ quan quân sự lo lộ bí mật, hoặc những lá thư gửi đến nhà tù là những lá thư để ngỏ, không dán lại và phải được đọc kiểm duyệt trước khi gửi. Lá thư có đóng dấu đỏ là đã đọc.

Đến bây giờ, nhiều người còn bồi hồi nhớ lại hình ảnh những người lính lên chuyến tàu từ Bắc vào Nam. Khi họ lên tàu mới biết sắp phải chiến đấu bí mật, nên nhắc nhau: “Viết thư đi”. Những lá thư khẩn trương như nhịp hành quân. Họ viết thư vào bất cứ thứ gì, có thể xé vội sổ tay, tờ giấy học trò cất giữ trong ba lô, thậm chí cả vỏ bao thuốc lá..., viết vội vã trên chuyến tàu đung đưa, xóc nảy người.

Đến chỗ đường chắn tàu, họ ném những lá thư ào ạt xuống kèm theo lời nhắn vội: “Chúng tôi đi chiến đấu đây”. Người dân Hà Nội vô tình trông thấy, từ bác lao công, cô công nhân hay anh viên chức… đều nhặt lên, chuyển đến từng nhà. Rất nhiều trường hợp thư được chuyển như thế.

Thời ấy, một người lính đi ra trận thì được tập thể (chi đoàn, hội phụ nữ) tặng cuốn sổ tay là quý lắm và rất hiếm; đa phần là giấy học trò. Một số ít có điều kiện thì viết thư trên giấy màu trắng, màu xanh, màu hồng in sẵn hình cánh chim hòa bình, bông hoa, núi non… mang chút sắc màu, đường nét mỹ thuật. Song có khi lá thư là miếng vải áo, vải quần xé vội.

Đại tá Đặng Vương Hưng kể: “Hồi ấy không có điện thoại, internet cũng không, phương tiện truyền tin duy nhất là thư. Thư từ quê hương ra chiến trường từ 6 tháng đến 2 năm, có thư tận 20 năm, bởi lính Mỹ mang về nước họ, sau rồi mới chuyển về”. Ở mặt trận nhận được thư, cả đại đội, trung đội quây quần đọc cho nhau biết ở nhà, hậu phương như thế nào.

Còn ở nhà khi nhận được thì cả nhà, họ hàng cùng đọc, có nơi đọc trên loa thôn. Trong lá thư chứa chan những tâm sự, về đời sống tinh thần, thống kê cả những cơn sốt rét, thuốc thang, trang bị ra sao… Những lá thư viết hết, viết được những điều mà khi đối diện người ta không thể nói. Và những con người trong thời chiến nhờ thư mà khăng khít, dân tộc đoàn kết: vợ - chồng, mẹ - con, những người yêu nhau…

Những lá thư là kỷ vật quý báu mà nhiều gia đình lưu giữ qua nhiều năm

Lịch sử do nhân dân chép lại

Nhiều nhà sử học cho rằng, những lá thư là những trang sử mà người dân hồn nhiên chép lại. Bởi những lá thư có tính chân thực cao, trang giấy thay họ nói những điều uẩn khúc và tế nhị, thư viết niềm vui, ước mong ngày toàn thắng; nỗi buồn, thậm chí là nỗi sợ hãi, dự liệu về cái chết.

Trong lá thư cuối cùng của liệt sĩ Hoàng Kim Giao gửi cho người thân trước lúc hy sinh có đoạn viết: “Ở đây có những quãng đường chỉ 2km, mà địch đã thả xuống 5.000 quả bom, quả đạn. Ở đây có những đội Thanh niên xung phong cùng với mặt đường phải chịu từng ấy quả bom, quả đạn. Ở đây, chuyện sống chết không phải định ra bằng ngày mà từng giờ. Chiến tranh có thể hủy diệt cuộc sống, nhưng không thể hủy diệt được tình cảm, ý chí con người”.

Nữ bác sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm thì viết những lá thư mang niềm mong khắc khoải và tinh thần lạc quan: “Biết bao lần trong giấc mơ, con trở về trong vòng tay ấm êm của mẹ của ba, trong tiếng cười trong trẻo của các em, và trong ánh sáng chan hòa của Hà Nội. Ai đó có thể vì tiền tài danh vọng mà ra đi, nhưng với con, ngoài Đảng - chắc không ai khiến con xa nổi gia đình. Con vẫn là một cán bộ vững vàng trong cuộc chiến đấu này. Con đã trưởng thành trong gian khổ”.

Đại tá Đặng Vương Hưng đã gặp nhiều gia đình không có di ảnh liệt sĩ, họ thờ bằng di thư. Họ đưa ra những bức thư ấy với niềm mong mỏi truyền đi thông điệp của lịch sử. Ông khẳng định: “Thư là bằng chứng cực kỳ chân thực về lịch sử cho thế hệ bây giờ”. Song, số bạn trẻ quan tâm tới những lá thư thời chiến còn chưa nhiều.

Người giữ được những lá thư lại không sử dụng internet hay mạng xã hội. Ông hy vọng, những lá thư sẽ được đông đảo người dân biết tới và từ những lá thư có thể khai thác thành tác phẩm điện ảnh, báo chí, xã hội học… Quan trọng nhất, những lá thư sẽ làm tròn sứ mệnh là cầu nối để toàn dân tộc đoàn kết lại.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/qua-nhung-la-thu-thoi-chien/735864.antd